Quản trị trường phổ thông trong đổi mới giáo dục: Thách thức năng lực của hiệu trưởng

(Dân trí) - Ngày 26/11,  Học viện Quản lý Giáo dục đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Quản trị trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục”. Đây là diễn đàn để các nhà nghiên cứu giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ, bày tỏ quan điểm trước xu thế hội nhập.

Tham dự hội thảo là các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục của gần 20 đoàn quốc tế đến từ các trường đại học Mỹ, Úc, New Zealand, Đan Mạch, Philipin, Đài Loan, Malaysia, Đài Bắc, Lào… và các tổ chức quốc tế như WB, ADB, UNESCO, ĐH Anh Quốc tại Việt Nam; đại diện Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, viện nghiên cứu, trường đại học, giảng viên, giáo viên và nghiên cứu sinh, học viên lĩnh vực quản lý giáo dục.

Quản trị trường phổ thông trong đổi mới giáo dục: Thách thức năng lực của hiệu trưởng - 1

GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho biết, hội thảo nhằm tăng cường sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa các cơ sở giáo dục trong nước, trong khu vực và trên thế giới.

Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để các nhà nghiên cứu giáo dục, hoạch định chính sách, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong nước và quốc tế chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn và kết quả nghiên cứu về quản trị  trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục ở Việt Nam.

Phải chuẩn hóa đội ngũ quản lý giáo dục

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về phát triển năng lực quản trị nhà trường của cán bộ quản lý; quản trị trường phổ thông trước yêu cầu đổi mới giáo dục; mô hình trường bán công tự chủ tài chính toàn phần và các chủ trương chính sách, cơ chế và điều kiện để nâng cao chất lượng quản trị phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục…

Đặc biệt, nhiều bài tham luận tại hội thảo đã bàn về quản trị chiến lược nhà trường; quản trị các hoạt động giáo dục học sinh; quản trị tổ chức hành chính; quản trị nhân sự…

Quản trị trường phổ thông trong đổi mới giáo dục: Thách thức năng lực của hiệu trưởng - 2

Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo

Nói về năng lực quản trị cho hiệu trưởng trường tiểu học trước bối cảnh đổi mới giáo dục và cuộc cách mạng cách mạng 4.0, bà Lê Thị Bình, Phòng GD&ĐT Quận 1, TP.HCM cho rằng, xây dựng và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục là một giải pháp quan trọng trong các nhóm giải pháp lớn để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục.

"Vấn đề này phải được đặt ra một cách cấp bách, bởi đây là yêu cầu và đòi hỏi của việc thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông mới tại Việt Nam" - bà Bình nhấn mạnh.

 Theo bà Bình, quản trị trường tiểu học là quá trình tổ chức, vận hành, kiểm soát hoạt động của nhà trường nhằm đạt được mục tiêu một cách tối ưu nhất. Năng lực quản trị của Hiệu trưởng trường tiểu học là tổ hợp những đặc điểm tâm lý của hiệu trưởng, đáp ứng các yêu cầu của hoạt động quản trị và quyết định sự thành công của nhà trường.

Bà Bình khuyến nghị cần phải bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho hiệu trưởng trường tiểu học trước bối cảnh đổi mới giáo dục và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để thực hiện tốt điều này cần triển khai thực hiện quy trình gồm 4 bước: - Xác định mục tiêu và chuẩn đầu ra chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng;  - xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hiệu trưởng; - tổ chức bồi dưỡng cho hiệu trưởng; - đánh giá nội dung bồi dưỡng năng lực quản trị cho hiệu trưởng.

Quản trị trường phổ thông trong đổi mới giáo dục: Thách thức năng lực của hiệu trưởng - 3

Hơn 50 tham luận của đại biểu quốc tế và trong nước gửi tới hội thảo khoa học quốc tế về Quản trị trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục

 Hành lang pháp lý chưa rõ ràng trong quản trị nhà trường

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cho biết, trong xu thế hội nhập hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông từ lâu và thực hiện có hiệu quả. Ở Việt Nam tự chủ giáo dục phổ thông và giáo dục đại học đã được tạo cơ chế thuận lợi từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, ông Nhâm cho rằng, dưới 3 góc độ tự chủ cơ bản đó là chuyên môn, tài chính và nhân sự nhằm tạo hành lang pháp lý cho giáo dục phổ thông vẫn còn nhiều hạn chế, có thể đó là một phần nguyên nhân khiến mô hình này chưa được phát triển.

Cụ thể, các trường phổ thông công lập tự chủ chưa cao trong việc quyết định việc cung cấp dịch vụ giáo dục cho người học. Chưa có khung chương trình, nội dung dạy học mở để các nhà trường có điều kiện lựa chọn nội dung phù hợp với đặc thù của nhà trường.

Đặc biệt, cơ chế vận hành, hành lang pháp lý chưa rõ ràng dẫn đến những hạn chế trong việc vận dụng và phát huy những nguồn lực sẵn có về cơ sở vật chất hay phát huy tối đa sự năng động nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên.

Các trường chịu giám sát quá chặt chẽ của nhiều cơ quan quản lý, can thiệp sâu vào hoạt động từ phân bố tài chính, chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển dụng nhân sự, các trường chỉ có thể tự chủ một phần kinh phí sau khi tiết kiệm các khoản chi thường xuyên.

Bên cạnh đó, theo ông Nhâm, nghiên cứu về trường phổ thông công lập tự chủ ở Việt Nam về mặt chính sách mà thiếu đi những nghiên cứu về năng lực quản trị nhà trường khiến nhiều cán bộ quản lý còn e ngại chưa dám mạnh dạn tiếp cận mô hình với những lo lắng về khối lượng công việc lớn; không được hỗ trợ ngân sách, năng lực tuyển sinh trong điều kiện mức học phí thu cao hơn mô hình công lập rất nhiều để đảm bảo chi phí vận hành nhà trường.

Quản trị trường phổ thông trong đổi mới giáo dục: Thách thức năng lực của hiệu trưởng - 4

Các đại biểu tham dự hội thảo

Hiệu trưởng phải là người quản lý năng động sáng tạo

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình là một trong những mục tiêu trọng tâm của đổi mới quản lý giáo dục Việt Nam, là nhân tố cơ bản thúc đẩy trường học tạo ra những điều kiện tốt hơn cho dạy và học, mang tới cơ hội thực hiện các phương thức quản lý trường học tiên tiến trong quản trị trường phổ thông.

Theo ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú  - Hà Nội, nếu trong mô hình công lập truyền thống thiên về hành chính, luôn chấp hành, thực hiện triển khai theo các hướng dẫn chỉ thị theo phân cấp quản lý giáo dục thì mô hình tự chủ hướng nhà trường chủ động để ra những định hướng phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể.

"Cần hướng hiệu trưởng thành người cán bộ quản lý năng động sáng tạo nhằm cải thiện không ngừng mối quan hệ với học sinh và phụ huynh ở điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện giáo dục, chất lượng giáo viên… mục đích cuối cùng là đảm bảo công bằng, hiệu quả và chất lượng giáo dục Việt Nam" - ông Nhâm nhấn mạnh.

Ông Nhâm cho rằng, từ chủ trương thực hiện tự chủ đến tổ chức thực hiện thành công là một quá trình. Không vì những rào cản thách thức mà hiệu trưởng các nhà trường e ngại trước xu thế và chiến lược phát triển giáo dục đúng đắn này.

Để làm được điều đó thì hiệu trưởng nhà trường phổ thông công lập tự chủ cần được trang bị bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết và có đủ năng lực để lãnh đạo nhà trường thành công từ tự chủ từng phần tới tự chủ toàn phần.

Hồng Hạnh