Phải có quy định phương thức xét tuyển riêng đối với ngành Y

(Dân trí) - Tại hội nghị góp ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH diễn ra vào chiều 21/8, GS. TS Phạm Văn Lình - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y dược Cần Thơ bày tỏ băn khoăn về chất lượng đào tạo ngành Y dược.

Hội thảo này do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo ở khu vực phía Nam.

GS. TS Phạm Văn Lình, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y dược Cần Thơ có những góp ý cho điều 33 của dự thảo luật về vấn đề mở ngành đào tạo. Ông Lình đề nghị phải có quy định phương thức xét tuyển riêng đối với ngành Y, đồng thời chỉ tiêu tuyển nên giao cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét quyết định.

“Đến giờ, chúng ta có 3 phương thức tuyển sinh gồm thi tuyển, xét tuyển và phối hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Tôi đề nghị với ngành đặc thù thì phải chọn người học đạt chuẩn đầu vào để chữa bệnh cho người, chứ không thể có điểm thấp học bác sĩ thú y mà vào y khoa được. Bây giờ có hiện tượng như vậy, điểm thấp không trúng tuyển bác sĩ thú y mà lại trúng tuyển vào y khoa.


GS.TS Phạm Văn Lình, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y dược Cần Thơ nêu nhiều băn khoăn về đào tạo ngành Y.

GS.TS Phạm Văn Lình, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y dược Cần Thơ nêu nhiều băn khoăn về đào tạo ngành Y.

Có trường tuyển điểm theo ngưỡng 15 điểm, kết hợp xét học bạ vậy thì làm sao có chất lượng. Ngành nào khác có thể làm thế được chứ ngành y tôi cho rằng phải thi tuyển chứ không nên sử dụng hình thức xét tuyển. Bây giờ có trường không có người học thì phải tuyển theo kiểu học bạ lớp 10, 11, 12 để làm sao đủ chỉ tiêu mà trong đó có học sinh chưa đủ điểm sàn vẫn được tuyển vào. Đối với y tế, tôi thấy như thế là chưa đảm bảo chất lượng.

Với những trường đầu ngành ở Hà Nội và TPHCM, điểm đầu vào cao như vậy, đội ngũ các thầy có trình độ như vậy mà ra được bác sĩ vẫn còn chưa biết chất lượng đến đầu thì những trường mới thành lập, đội ngũ cán bộ còn khiêm tốn, tuyển đầu vào quá thấp thì có đào tạo bác sĩ chất lượng hay không, nhất là những trường không cần thi tuyển”, ông Lình chia sẻ.

Theo ông, hiện nay cả nước có 43 trường đào tạo y dược, từ năm 2011 đến nay thì có tới 22 trường mới mở, tức gấp đôi dù mới có hơn 5 năm. Nhiều trường xin đào tạo mở vì ngành này hot, nhiều tiền. Các trường công không thu nhiều tiền nhưng các trường khác thì tiền nhiều.

“Nếu thí sinh điểm thấp và quá thấp, gia đình xác định dù học lại 1 năm, thậm chí 2-3 năm vẫn không đủ điểm vào trường uy tín thì gia đình chấp nhận bằng mọi giá bỏ tiền đóng học phí cao để vào trường tư. Cứ tưởng thu học phí cao thì người học không vào nhưng ngược ở chỗ vẫn có người học, vì điểm họ thấp quá không vào học thì không còn chỗ nào để học trở thành bác sĩ", ông Lình nhấn mạnh.

Ngoài ra, đối với vấn đề có nên tồn tại ĐH vùng hay không, ông Lình cho biết làm ở ĐH vùng cũng gần 20 năm và thấy rằng đó là một cấp trung gian. Ông băn khoăn rằng có nên mở rộng ĐH vùng hay không và giải quyết các vấn đề hiện tại như thế nào để cho các trường phát triển trên cơ sở cải cách hành chính giảm biên chế quản lý hành chính, nên đầu tư trực tiếp cho người học chứ không qua khâu trung gian.

Về nhiệm vụ của Hội đồng trường, ông Lình cho rằng theo Luật Giáo dục ĐH năm 2012 thì hội đồng trường lớn hơn bây giờ. “Trong dự thảo luật, nội dung liên quan đến Hội đồng trường có 11 điều nhưng có tới 5 điều là “thông qua”. Chẳng hạn như trong điểm h nêu “thông qua các hợp đồng vay tiền lớn”, thế thì thông qua để làm gì khi không rõ ai quyết định, ai là người phê duyệt đề án đó cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Thông qua” 5 cái đó nhưng để làm gì khi không có quyền quyết định, không có quyền phê duyệt vậy thì “thông qua” cũng không giải quyết được gì”, ông Lình nói

Tiếp theo, GS.TS Phạm Văn Lình điểm về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm: “Điều 32, tất cả các mục đều ghi rằng “theo các quy định của pháp luật hiện hành”, như thế thì không thể tự chủ gì được cả. Bởi vì thực tế có quá nhiều ràng buộc của các luật khác như Luật Xây dựng, Luật Tài chính… Trong khi luật hiện hành không thể thay đổi được vậy thì không thể có quyền tự chủ theo mong muốn được”.

Vấn đề kiểm định, ông Lình cũng cho rằng qua việc kiểm định thời gian qua cho thấy có nhiều bất cập. Có 3-4 trung tâm kiểm định được Bộ GD-ĐT cho phép nhưng không có đặc thù cho các nghề nghiệp. Những đoàn kiểm định chưa chắc có bác sĩ nào cả thì sao đi kiểm định chất lượng của trường đào tạo ngành Y. Ông Lình đề nghị ngoài kiểm định chung, với những trường đặc thù thì phải kiểm định riêng mới đánh giá phù hợp, khách quan.

Cũng tại hội nghị, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng dự thảo lần này đã có nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt, thế nhưng vẫn còn một số bất cập cần điều chỉnh, nhất là liên quan đến quy định Hội đồng trường, quyền hạn của Hội đồng trường, cơ chế giám sát ra sao để đem lại hiệu quả.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT

Chia sẻ về một số điểm sửa đổi liên quan đến Hội đồng trường, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho hay, Hội đồng trường sẽ thực hiện khá nhiều quyền mà cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan chủ quản hiện nay đang thực hiện. Ví dụ như quy định về tiêu chuẩn của bộ máy lãnh đạo, cơ cấu tổ chức, đặc biệt là về hiệu trưởng sẽ do hội đồng trường quyết định, và các tiêu chuẩn về giảng viên cũng sẽ do hội đồng trường quyết định.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết qua quy định đó và các quy chế tổ chức hoạt động quy chế tài chính, hay nói cách khác là cụ thể hóa các văn bản pháp luật cho hoạt động của từng trường sẽ do Hội đồng trường quy định. Hội đồng trường sẽ là cơ quan có thẩm quyền chi phối đến tất cả các hoạt động của trường đại học. Đây là chế định quan trọng nhất. Nếu như hướng này được ban hành, thì dần dần sẽ xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Bên cạnh việc làm rõ quyền hạn của hội đồng trường và hiệu trưởng, có đại biểu cho rằng cần tăng cường chức năng của bộ phận giám sát trong trường đại học để đảm bảo sự minh bạch trong các hoạt động.

Được biết, việc lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia giáo dục, đào tạo nhằm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ học thứ 6 Quốc hội khóa 14.

Lê Phương