Bạn đọc viết:

Phải chăng phụ huynh ngày càng ít cảm thông với giáo viên?

(Dân trí) - Bản thân là phụ huynh, có nhiều bạn bè là giáo viên, tôi ngày càng nhận thấy giáo viên bây giờ đang “gánh” trên vai nhiều áp lực quá. Còn phụ huynh dường như đang ngày càng ít chia sẻ, cảm thông với giáo viên hơn.

Thay vào đó, phụ huynh luôn đòi hỏi được đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và sẵn sàng phản ứng nếu cảm thấy không hài lòng về bất kỳ điều gì.

Tôi có một người chị là giáo viên mầm non, ai cũng bảo số chị sướng, công việc nhàn tênh. Nhưng thực tế thì, mỗi ngày làm việc của chị luôn dài hơn thời gian quy định bởi phải đến sớm để dọn dẹp lớp sạch sẽ, an toàn trước giờ đón trẻ và ra về khi trẻ cuối cùng được người nhà đón. Chị cũng là một người mẹ, có con nhỏ, có gia đình, với bao nhiêu công việc phải lo toan khi hết giờ làm, nhưng tất cả đều phải xếp sau công việc.

Trong giờ thì tất bật với công việc chăm sóc, dạy kiến thức cho trẻ. Buổi trưa hầu như không nghỉ mà phải tranh thủ để chuẩn bị cho bài học buổi chiều hay chuẩn bị đồ dùng học tập, trang trí lớp, trao đổi kinh nghiệm, hoàn thiện những công việc còn dang dở… Mỗi khi trẻ chơi đùa chẳng may bị ngã, va đập chân tay, nôn trớ khi ăn chị lại “nơm nớp” lo phụ huynh không hiểu sẽ đổ lỗi cho mình thiếu trách nhiệm hay ý kiến này nọ lên cấp trên…

Một người bạn khác lại có lúc ngậm ngùi khi thấy nhìn những đứa trẻ được bố mẹ ân cần đưa đi khai giảng, những bé tham gia biểu diễn văn nghệ được mẹ ở bên cổ vũ, còn cô con gái của chị suốt mấy mùa tựu trường đều lặng lẽ một mình. Mẹ chỉ kịp trang điểm cho con một chút và chúc con biểu diễn văn nghệ thành công, khai giảng thật vui, rồi vội vã đến trường. Ở đó có rất nhiều học sinh đang chờ chị và đó mới là ưu tiên số 1 của chị mỗi ngày.

Chị được biết đến là một giáo viên mầm non giỏi ở huyện nhiều năm liên tục. Nhưng để có được thành tích đó thì hai từ “vất vả” không thể diễn tả hết bởi chị luôn quay cuồng với hàng tỉ thứ việc ở trường, ở lớp chẳng bao giờ về nhà đúng giờ... Hàng ngày cơm tối đều do chồng chị nấu, việc chăm sóc con cái cũng chồng đảm nhận. Các con chị vẫn bảo “Bố nấu cơm ngon hơn mẹ” là thế! Bệnh đau dạ dày, viêm thanh quản của chị một phần cũng do có những năm tháng tuổi trẻ quá say mê công việc, không chú ý đến sức khỏe bản thân.

Từ người chị, tôi lại nghĩ đến cô giáo của con tôi. Con tôi học lớp 1, trường tan học vào lúc 16h30 phút, nhưng gia đình tôi ít khi đón đúng giờ, việc chậm 30 phút, 1 tiếng là thường xuyên. Hầu như lần nào đến đón con, tôi cũng thấy cô giáo đang tiếp tục xử lý các bài vở, đóng dấu nhận xét, đồng thời quan sát, quản lý những học sinh chưa được đón để bảo đảm an toàn cho trẻ. Chỉ cần một học sinh chưa được bố mẹ đến đón thì cô về cũng không an tâm bởi trẻ còn bé, rất hiếu động, cô rất lo.

Lớp của con tôi rất đông học sinh, hơn 60 cháu một lớp mà chỉ có một cô giáo quản lý. Bình thường, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con cũng đã ầm ĩ, bố mẹ phải quát nạt liên hồi. Vậy mà ở trường, chỉ một mình cô giáo mà phải quản lý, dạy dỗ mấy chục cháu, đủ thấy áp lực lớn thế nào!

Học sinh càng đông thì cô giáo càng vất vả, từ việc viết vở mẫu, ghi nhận xét đánh giá cho từng học sinh mỗi ngày đều mất nhiều thời gian, công sức hơn, thậm chí là phải nói to hơn, nói nhiều hơn… cùng với tất tần tật các công việc của một giáo viên chủ nhiệm tạo thành áp lực không hề nhỏ.

Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, cô giáo đã chia sẻ rằng: Lớp đông, có bạn ngoan nhưng cũng có bạn rất nghịch, có bạn bướng bỉnh nhắc nhở cũng không hiệu quả… mà cô thì không dám quát to hay đánh các con đâu, nhỡ bố mẹ phản ánh là cô “mất dạy”.

Cô cũng mong muốn rằng, nếu bố mẹ nghe con kể chuyện ở lớp, có điều gì chưa rõ, chưa hài lòng thì hãy trao đổi với cô giáo trước, mong phụ huynh đừng viết thư phản ánh hay bình luận trên mạng xã hội… bây giờ các cô rất sợ, mỗi khi nhà trường triệu tập lên họp là lại "giật mình thon thót".

Thực tế cho thấy, những lo lắng của cô giáo là có thật, thời buổi công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển, chuyện gì cũng được xuất bản nhanh chóng, những chuyện bức xúc càng được dư luận quan tâm. Cô giáo chỉ cần không kiềm chế được cảm xúc, lỡ vụt học sinh một cái là thành chuyện lớn rồi. Nhiều người bảo “giáo viên bây giờ phải sợ phụ huynh”!

Khi nghe những chia sẻ của cô giáo và thực tế công việc của các cô, tôi nhận thấy nghề giáo thực ra không hề “nhàn” như vẫn nghĩ. Nhất là hiện nay, một số vụ việc tiêu cực trong nghề giáo đã như “con sâu làm rầu nồi canh” khiến các phụ huynh dường như mất niềm tin, thiếu sự chia sẻ và cảm thông với giáo viên hơn trước. Nhiều chuyện tưởng như rất nhỏ, có thể hóa giải được bằng sự trao đổi thẳng thắn, chân tình lại biến thành “sự kiện nóng”.

Có chăng, sự cảm thông và chia sẻ của phụ huynh đối với các thầy cô giáo đang hằng ngày vất vả dạy dỗ con em chúng ta đang ít dần đi?

Đỗ Quyên

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!