ĐH Huế:

Nhiều đề tài khoa học SV báo chí về mảng điện tử, truyền hình

(Dân trí) - Sáng nay 4/12, khoa Báo chí Truyền thông (ĐH Khoa học Huế, ĐH Huế) đã tổ chức hội nghị khoa học sinh viên. Năm nay, tỷ lệ đề tài về mảng báo in đã giảm so với mảng báo điện tử, truyền hình và phát thanh.

Buổi hội nghị có sự góp mặt của PGS.TS Hoàng Văn Hiển, phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Huế, cùng các giảng viên, các nhà báo chuyên nghiệp cùng hàng trăm sinh viên khoa Báo chí Truyền thông.

Sau vòng loại bắt đầu từ 11/2011 với hơn 50 đề tài dự thi. Ban giám khảo gồm các giảng viên, nhà báo chuyên nghiệp lâu năm trong nghề đã chọn ra được 22 đề tài báo chí đưa vào kỷ yếu của hội nghị khoa học lần I. Trong đó có 7 đề tài được vinh dự chọn làm báo cáo thuyết trình trong buổi hội nghị trước toàn trường.

Nhiều đề tài khoa học SV báo chí về mảng điện tử, truyền hình - 1
Đông đảo các SV báo chí đã đến tham dự hội thảo.

Khác với các năm, tỷ lệ đề tài về mảng báo in giảm so với tỷ lệ đề tài báo điện tử, truyền hình, phát thanh.

Trong số 7 đề tài, một số đề tài xuất sắc đã thu hút được sự chú ý của các bạn sinh viên tham gia thảo luận sôi nổi như báo cáo “Ảnh hưởng của chương trình Nối nhịp nghĩa tình trên kênh TRT1”, báo cáo “Báo chí công dân - Vai trò của công chúng trong việc truyền thông thông tin” hay đề tài “Khảo sát chuyên mục Bút Bi trên báo Tuổi trẻ”.

Một số đề tài nóng trong các lĩnh vực “báo chí” mới nổi (Blog, báo điện tử) cũng được đưa ra thảo luận như vấn đề “chặn facebook”, vấn đề hậu quả của truyền thông di động khi gây ra những cuộc chiến lật đổ chính quyền ở Lybia... Nhờ các câu hỏi thảo luận của ban giám khảo và các bạn sinh viên đã tạo ra không khí học hỏi sôi nổi cho buổi hội nghị.

Nhiều đề tài khoa học SV báo chí về mảng điện tử, truyền hình - 2
Giảng viên khoa Báo chí Truyền thông chia sẻ kinh nghiệm cùng SV.

Ths. Trần Văn Thiện, phó khoa Báo chí Truyền thông, đã nêu ra một số thiếu sót trong các đề tài báo chí của các sinh viên. Một số đề tài tuy được chọn nhưng không phải quá xuất sắc, nhiều đề tài bộc lộ những lỗ hổng trong cách làm đề tài nghiên cứu khoa học do thiếu sót kinh nghiệm. Các sinh viên báo chí - nhà báo tương lai khi lên trình bày chưa thực sự tự tin, nhiều bạn “đọc” báo cáo chứ không thuyết trình nên ngôn ngữ trình bày là “văn viết” chứ không phải “văn nói” khiến người nghe mất hứng thú.

Những ý kiến nhận xét, thảo luận, phản biện của các thầy cô và các bạn sinh viên đã giúp hội nghị nêu bật được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, tìm kiếm tri thức. Hội nghị là cơ hội giúp các “nhà báo tương lai” học hỏi thêm kinh nghiệm, các phương pháp thực tập, nghiên cứu trong công tác nghiệp vụ sau này.

Trọng Việt - Đại Dương