Phát triển Nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học:

Nhà khoa học phải “nói dối” vì quản lý hành chính nặng nề

(Dân trí) - Trăn trở lớn nhất của những nhà khoa học ở Việt Nam đó là khi thực hiện đề tài bị quản lí hành chính quá nặng nề. Ví dụ, quy định tài chính không theo thực tế khiến các nhà thực thi đề tài phải “nói dối” khi quyết toán.

Đó là một trong 3 rào cản phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường đại học  mà PGS.TS Chu Cẩm Thơ và cộng sự đưa ra trong góp ý cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học, phiên bản 01.4.2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đầu tư như thế nào vào nhóm nghiên cứu?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ băn khoăn cho rằng, phát triển nhóm nghiên cứu (đã/đang) mạnh hay tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển của những nhóm nghiên cứu (chưa/sẽ) mạnh thành những nhóm nghiên cứu mạnh.

Bởi vì khi một nhóm nghiên cứu đã được coi là mạnh thì họ hoàn toàn có thể tự phát triển mạnh hơn nữa (trừ khi có một tác động để nhóm không còn tồn tại hoặc hướng nghiên cứu bị hạn chế phát triển). Vì thế, những nhóm nghiên cứu đó có thể không cần đến một hỗ trợ mang tính chính sách.

Họ cần được hỗ trợ để mở rộng nhóm nghiên cứu, tôn vinh để từ đó dễ dàng thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học nói riêng, của xã hội nói chung. Việc tôn vinh đó sẽ giúp cho nền tảng văn hóa, dân trí của đất nước được nâng cao.

Đối với một nhóm nghiên cứu chưa/sẽ mạnh, để phát triển thành nhóm nghiên cứu mạnh không hề dễ dàng. Những nhóm nghiên cứu đó vừa yếu thế trong cạnh tranh, đấu thầu, vừa không đủ tiềm lực để tự duy trì, tự phát triển.

Tuy nhiên, PGS. Chu Cẩm Thơ cho rằng, cần đầu tư cho họ như thế nào, trong bao lâu là một bài toán quá khó. Một thực tế là, với một cơ chế minh bạch, gắn trách nhiệm của người đứng đầu thì nhiều quốc gia, tổ chức đầu tư nghiên cứu đã thực sự “không phiêu lưu”, vì đầu tư cho khoa học là đầu tư cho phát triển, đầu tiên là phát triển nhân lực sau đó là phát triển hạ tầng nghiên cứu.

Hay nói cách khác, đầu tư cho các nhóm nghiên cứu triển vọng “không mất đi đâu mà thiệt”.

Nhà khoa học phải “nói dối” vì quản lý hành chính nặng nề - 1

Khó thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh nếu không tháo gỡ nhiều thủ tục hành chính rườm rà.

3 rào cản

PGS.TS Chu Cẩm Thơ và cộng sự đã liệt kê ba rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển của nhóm nghiên cứu mạnh:

Thứ nhất, Sự thiếu tự chủ của người đứng đầu nhóm nghiên cứu. Hầu hết các quốc gia, các trường đại học mạnh về nghiên cứu đã thiết lập “quyền lực” thực sự cho người đứng đầu. Điều này không những ảnh hưởng đến tâm lí mà còn ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của nhóm, đặc biệt là “tính tự chịu trách nhiệm” của người đứng đầu.

Thứ hai, Sự đầu tư thiếu bài bản, chưa “dài hơi, vun cao” cho một hướng nghiên cứu. Điều này thể hiện rất rõ trong đầu tư nghiên cứu lĩnh vực khoa học giáo dục.

Cách tiếp cận xây dựng đề bài bị rào cản khi tên đề tài đề xuất có sự trùng lặp với những đề tài trước đó. Trong khi, những đề tài mở đầu chỉ mang tính sơ khởi về mặt lí thuyết, còn chưa được đầu tư để triển khai. Kinh phí hạn hẹp dẫn đến không thể đo được mức độ ảnh hưởng của đề tài đó.

Thứ ba, Quản lí đề tài nặng về hành chính. Nỗi niềm trăn trở nhất mà chúng tôi tiếp nhận được ở những nhà khoa học ở Việt Nam đó là khi thực hiện đề tài thì bị quản lí hành chính quá nặng nề.

Hiện nay, tất cả các công việc đều được quản lí theo một hệ thống các quy định cứng nhắc mang tính kĩ thuật về tài chính, về nhân lực, về giám sát, về nghiệm thu.

Chẳng hạn, quy định tài chính không theo thực tế khiến các nhà thực thi đề tài phải “nói dối” khi quyết toán; các thủ tục rất  rườm rà; lương, chế độ lao động không được tính theo thực tiễn sẽ không hấp dẫn nhân lực giỏi; các báo cáo giai đoạn không phản ánh được thực tế triển khai, tốn kém về thời gian, giấy tờ; ....

Riêng trong mảng đào tạo nghiên cứu sinh, hiện nay chuyên ngành, chỉ tiêu đào tạo còn liên quan rất lớn để quản lí nhà nước, bản thân các nhóm nghiên cứu không thể tự chủ tuyển cũng như có những chế độ cho nghiên cứu sinh (lương, chế độ làm việc), ....

PGS.TS Thơ cho rằng, để thúc đẩy, cần thiết phải tính đến việc quy hoạch cơ sở đào tạo gắn liền với nhóm nghiên cứu mạnh, chẳng hạn: một cơ sở chỉ được đào tạo nghiên cứu sinh khi có nhóm nghiên cứu mạnh ứng với chuyên ngành đó hoặc nhóm nghiên cứu mạnh được quyền chủ động tuyển, kèm theo các chế độ thu hút nghiên cứu sinh mà không phải tuân thủ các thủ tục hành chính như xin mã ngành, chỉ tiêu, thời gian, ....

Ưu tiên công bố quốc tế hay ảnh hưởng đến giáo dục Việt Nam

Về lĩnh vực khoa học giáo dục, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho biết, theo các tiêu chí được nêu trong dự thảo, gần như không tồn tại nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực Khoa học giáo dục.

Trong bối cảnh Khoa học giáo dục chưa hội nhập quốc tế thì trong vòng 5 năm tới vẫn khó có nhiều nhóm nghiên cứu mạnh được hình thành. Một thực tế nữa đó là các nghiên cứu khoa học giáo dục thường được hối thúc, yêu cầu có ảnh hưởng ngay, tác động đến thực tiễn giáo dục Việt Nam.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho hay, đối với chúng tôi, những người đang trực tiếp làm công tác nghiên cứu khoa học giáo dục, chúng tôi nhận thức rằng việc thực hiện những nghiên cứu có ảnh hưởng, tác động tích cực đến nền giáo dục, bắt nguồn từ thực tiễn giáo dục là quan trọng nhất hiện nay. Điều đó đánh thức khát khao nghiên cứu của chúng tôi, đồng thời tạo động lực để chúng tôi thấy rằng nghiên cứu của mình có ích, không bị áp lực bởi những thước đo “giáo điều.

Một thực tế nữa mà PGS. Thơ đưa ra là các đặt hàng từ nhà nước đối với khoa học giáo dục thường bắt đầu từ nghiên cứu đáp ứng chính sách, đến giải pháp giáo dục mà cụ thể là tư vấn cho lãnh đạo ngành từ giải pháp đến chiến lược và thực hiện các nghiên cứu căn cốt trên bối cảnh Việt Nam. Trong khi đó thước đo công trình vẫn bị ép trong khuôn khổ “quốc tế” bởi các yêu cầu công bố.

Nhà khoa học phải “nói dối” vì quản lý hành chính nặng nề - 2

PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Ảnh: VNN)

Đừng để tình trạng “đẽo cày giữa đường”

PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho biết, trong lĩnh vực khoa học giáo dục, niềm tin của các nhà quản lí đối với những nghiên cứu nói riêng, với cộng đồng các nhà khoa học nói chung chính là vấn đề mấu chốt trong thúc đẩy nghiên cứu. Thực tế, không ít nhà khoa học vẫn kiên trì thực hiện các nghiên cứu trong khi không được đầu tư, mặt khác, cũng nhiều đầu tư vẫn chưa cho trái ngọt.

“Sự dấn thân nghiên cứu là yếu tố quyết định nhất cho sự thành công. Sự ghi nhận, áp dụng, triển khai các nghiên cứu khoa học giáo dục vào thực tiễn chính là thước đo cho sự thành công” – PGS.TS Thơ nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Thơ, trong lĩnh vực khoa học giáo dục, thực tế các nhóm nghiên cứu cơ bản về giáo dục học đang chưa được đầu tư bài bản, các đầu tư ngắn hạn dẫn đến tình trạng “đẽo cày giữa đường”. Thực tế cũng thiếu các nghiên cứu phản biện chính sách.

Mặc dù hiện nay, dưới sự tài trợ của các quỹ phi lợi nhuận (có sự đầu tư của nước ngoài) thì ở Việt Nam vẫn có những nghiên cứu phản biện chính sách, nhưng khi xã hội phát triển, thì những ưu đãi đó không còn (mà thực tế, chúng ta không vui vẻ gì khi chúng ta phải dựa vào những nghiên cứu đó để phản biện chính sách).

Do đó, để thúc đẩy những hướng nghiên cứu này thì cần thiết phải có một chiến lược đầu tư riêng biệt.

PGS.TS Thơ cho rằng, việc ra đời những chính sách thúc đẩy nhóm nghiên cứu mạnh phát triển là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều Quỹ, Chương trình khoa học công nghệ đã được ra đời với mục đích tương tự thì chúng ta cần đánh giá tác động về các chính sách phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trước khi ra đời một thông tư mới.

Chúng ta cần tập trung khắc phục những rào cản cho sự phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, coi đó là điều cần làm nhất, để phát triển bền vững.

“Chính sách cần tạo niềm tin từ hệ sinh thái phát triển khoa học chứ không phải những phần thưởng, quyền lợi ngắn hạn, đặt sự phát triển nội tại là một mục tiêu không thể thay thế” – PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh.

Hồng Hạnh (ghi)