“Người Nhật” tiếp tục truyền kinh nghiệm cho SVVN

(Dân trí) - Sáng nay, hàng trăm doanh nghiệp và sinh viên, giảng viên của các trường ĐH khối kinh tế trên địa bàn Hà Nội lại được “người Nhật” tiếp tục truyền đạt kinh nghiệm. Nhiều kiến thức bổ ích đã được truyền đạt tại buổi học đặc biệt này.

“Buổi học” được tổ chức tại Hội trường A, Nhà Văn hóa - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Người thuyết trình bài giảng sáng nay là ông Masanori Banno, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Shoji của tập đoàn Sumitomo.

Chủ đề bài giảng số 2 nằm trong chương trình “Quản trị trong tập đoàn toàn cầu” mà ông Masanori Banno trình bày sáng nay, 11/3 là “Quá trình Phát triển Kinh tế của Nhật Bản và vai trò của công ty Thương mại Tổng hợp - Thích ứng với môi trường kinh tế thay đổi và tầm quan trọng của phát triển con người”.

Một trong những vấn đề ở bài giảng số 2 được giới sinh viên quan tâm nhất đó chính là “việc đào tạo con người và vai trò của doanh nghiệp”.

Theo Masanori Banno, trong thời đại toàn cầu hoá, khả năng tạo ra các giá trị mới như các sản phẩm, dịch vụ và ý tưởng mang tính sáng tạo có tính quyết định đến khả năng cạnh tranh của đất nước và doanh nghiệp. Do đó giáo dục đào tạo một cách đồng đều cần được chuyển sang giáo dục đào tạo coi trọng sự đa dạng, phát huy tối đa cá tính và năng lực của từng cá nhân.

Theo xu hướng hiện nay thì yêu cầu của doanh nghiệp đối với nhân viên thể hiện ở 3 năng lực được coi là năng lực cơ bản của nhân viên. Đó là, khả năng hành động (khả năng tiến lên phía trước, cho dù có thất bại vẫn kiên trì); Khả năng suy nghĩ (khả năng đặt câu hỏi suy nghĩ) và Khả năng làm việc theo nhóm (khả năng hợp tác với nhiều dạng người khác nhau nhằm thực hiện mục tiêu)

Kết thúc bài giảng, ông Masanori Banno nhấn mạnh: “Giáo dục là nền tảng cho sự phát triển của đất nước, việc đào tạo con người là vấn đề cần được thực hiện ở tầm quốc gia. Còn đối với doanh nghiệp, con người là nguồn động lực phát triển, việc đào tạo thế hệ sau được coi là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, và doanh nghiệp cần hợp tác tích cực trong hoạt động đào tạo”.

Sau bài giảng, các học viên được phép tham gia phần hỏi - đáp để tìm hiểu sâu thêm về những vấn đề liên quan.

Theo đánh giá của những người tham gia “khóa học” thì với những kinh nghiệm thực tế của tập đoàn cùng với những dẫn chứng cụ thể, bài giảng đã thực sự cuốn hút không chỉ giới sinh viên mà còn đối với cả giảng viên và các doanh nghiệp.

Trước đó, cũng tại Hội trường A trường ĐH Kinh tế Quốc dân, chủ đề bài giảng số 1 đã được ông Susumu Kato, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng giám đốc Tập đoàn Sumitomo trình bày vào cuối tháng 11/2008 đã cuốn hút không ít giới sinh viên và doanh nghiệp.

Theo thông tin từ phía Ban tổ chức, dự kiến bài học số 3 sẽ tiếp tục được Tập đoàn Sumitomo trình bày vào khoảng cuối tháng 4/2009.

Nguyễn Hùng