Mô hình đào tạo mới đảm bảo việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp

Sinh viên vừa đi học vừa đi làm có thể tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tế để thích ứng tốt với việc làm sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là sinh viên khối ngành Kinh tế, chính là mô hình đào tạo mới của các trường đại học hiện nay.

Theo xu hướng của thị trường việc làm tại Việt Nam, nếu như trước đây các doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển sẵn sàng tuyển SV có tiềm năng tốt rồi đào tạo thì hiện nay hầu hết đều cần kinh nghiệm làm việc. Ngoài những băn khoăn về khả năng có được việc làm sau khi tốt nghiệp, SV còn quan tâm đến mức thu nhập bình quân và những điều kiện nhằm đáp ứng vị trí làm việc tại các doanh nghiệp. Khi đối chất với doanh nghiệp hoặc các nhà tuyển dụng về khả năng được trúng tuyển vào một vị trí mà SV mong muốn, thì chắc chắn tất cả các doanh nghiệp đều trả lời: ngoài kiến thức chuyên môn, chúng tôi cần khả năng thích ứng, khả năng làm việc của các bạn. Điều này có nghĩa là SV cần phải có nhiều kinh nghiệm làm việc hơn. Và để tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình, thì các bạn cần một yếu tố quan trọng khác: đó là kỹ năng nghề nghiệp hay còn gọi là kỹ năng mềm. Tuy nhiên, SV mới ra trường chắc hẳn sẽ không có kinh nghiệm hoặc kỹ năng nghề nghiệp nếu chưa tiếp xúc qua công việc đã làm.

Xuất phát từ điều này, một số trường đã tiên phong trong việc liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo, nhằm trang bị kinh nghiệm và kỹ năng cho các em ngay khi còn là SV. Trường đại học Nguyễn Trãi là một trong những trường tiên phong hình thức đào tạo này. Chúng tôi đã có buổi làm việc trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hiệp hội Maketting Việt Nam - Hiệu phó Trường ĐH Nguyễn Trãi về vấn đề việc làm cho SV của trường sau tốt nghiệp.

Thưa ông Hoàng Anh Tuấn. Được biết ngày 9/9/2012, Trường ĐH Nguyễn Trãi đã có sản phẩm đầu tiên cung ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Tính đến thời điểm này, nhà trường đã tạo điều kiện cho bao nhiêu SV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Tôi khẳng định tại thời điểm này 100% SV của chúng tôi ra trường đều đã có việc làm.

Năm 2012 là 1 năm rất khó khăn, với hàng nghìn doanh nghiệp giải thể, xét về nhu cầu việc làm thì không những SV ngành Kinh tế mới ra trường gặp khó khăn mà đối với những nhân viên làm việc lâu năm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vậy điều gì đã làm cho SV ĐH  Nguyễn Trãi cạnh tranh được và 100% SV đều đã có việc làm?

Mô hình đào tạo của chúng tôi được vận dụng từ các nước tiên tiến. Nhà trường kết hợp với hiệp hội Maketting VN định hướng đào tạo cho SV, hàng tuần chúng tôi mời các doanh nhân như bà Vũ My Lan - Tổng Giám đốc công ty AON Hoa Kỳ tại VN , bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng văn phòng Hall Brothers Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Hoàng Hải Âu - Tổng Giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Hoàng Gia Media Group, TS. Phan Tất Thứ - Tổng Giám đốc KNV Group, Ths Nguyễn Cảnh Bình - Tổng Giám đốc, CT HĐQT Công ty sách Alpha, ông Ray Dormen với 20 năm kinh nghiệm lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Hoa Kỳ - giảng viên Sunderland-NTU… đến giao lưu, diễn thuyết vào thứ 4 và thứ 7 hàng tuần, giúp các em định hướng và hiểu được doanh nghiệp cần gì? Cần nhân lực như thế nào? Bên cạnh đó, nhà trường còn kết hợp với các doanh nghiệp trong hiệp hội Maketting VN tạo điều kiện cho các em SV từ ngay từ năm thứ 2 làm thêm tại các doanh nghiệp, giúp các em làm quen và có thêm kinh nghiệm.
 
Mô hình đào tạo mới đảm bảo việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp
TS. Phan Tất Thứ - Chủ tịch HĐQT KNV Groupđang chia sẻ với các SV ĐH Nguyễn Trãi về mô hình  Edu Mind - chuyển hóa Tư duy học đường.

Nói như vậy là SV ĐH Nguyễn Trãi khi ra trường đã có tương đương 3 năm kinh nghiệm? Còn về thu nhập của các em khi đi làm thêm và sau khi ra trường?

Đúng vậy, các em SV đã được làm việc với các doanh nghiệp từ năm thứ 2, vậy khi ra trường là có 3 năm kinh nghiệm. Còn về thu nhập của các em thì đối với SV đi làm thêm do trường giới thiệu từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng. SV sau khi ra trường từ 5 - 20 triệu đồng/tháng.

Việc vừa làm vừa học như vậy có ảnh hưởng gì đến việc học tập trên lớp của SV không?

Việc làm thêm của SV không hề ảnh hưởng đến giờ giấc học tập. Nhà trường áp dụng hình thức học theo hệ thống tín chỉ, giúp SV được quyền đăng ký số tín chỉ phù hợp với nhu cầu học đồng thời có thể giúp học sinh rút ngắn được thời gian học. Nhờ đó SV có quỹ thời gian tương đối lớn dành cho việc tự học tập và nghiên cứu hay đi làm thêm để được trải nghiệm thực tế.

Vâng. Cảm ơn ông về buổi trao đổi.