Hơn 300 học sinh tham dự kì thi Toán quốc tế

(Dân trí) - Sau thành công của Kỳ thi Toán quốc tế (ITOT) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, ITOT mùa xuân lần thứ 37 đã trở lại với hơn 250 thí sinh THCS và gần 80 thí sinh THPT. Trong đó, rất nhiều thí sinh đạt thành tích tốt tại kì thi học sinh giỏi quốc gia và đang chuẩn bị cho kì thi chọn đội tuyển Toán quốc tế.

Năm nay, các thí sinh sẽ dự thi Kì thi Toán quốc tế trong hai ngày 12 và 13/3. Mục đích của kỳ thi là thúc đẩy phong trào dạy và học Toán theo xu hướng hội nhập quốc tế, mang đến sân chơi bổ ích giúp các em học sinh có cơ hội tham gia một kỳ thi chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học toán, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng các học sinh có năng khiếu. Bên cạnh đó, kỳ thi còn cung cấp cho giáo viên và những người tổ chức địa phương một nguồn tài liệu chất lượng cao.

PGS.TS Lê Kim Long – Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, trưởng ban Tổ chức phát biểu khai mạc kỳ thi
PGS.TS Lê Kim Long – Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, trưởng ban Tổ chức phát biểu khai mạc kỳ thi

Phát biểu trong lễ khai mạc, PGS.TS Lê Kim Long – Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, trưởng ban tổ chức kì thi nhấn mạnh về tính bảo mật của kỳ thi. Theo ông, đây là năm thứ 2 Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Ban tổ chức Trung ương tại Nga để tổ chức Kì thi ITOT, do đó có nhiều thuận lợi hơn so với năm trước. Cái hay của kỳ thi đã được nhiều trường, nhiều thầy cô, phụ huynh và học sinh biết đến, việc tập hợp thí sinh, đăng ký dự thi cũng thuận lợi hơn. Ông Lê Kim Long hi vọng, với kỳ thi chuẩn quốc tế nhưng chi phí dự thi thấp như ITOT, toán học sẽ không chỉ là toán học mà còn phục vụ cuộc sống.

Các thí sinh sẽ dự thi trong hai ngày 12 và 13/3
Các thí sinh sẽ dự thi trong hai ngày 12 và 13/3

Năm học 2015 - 2016, Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) tiếp tục được chọn làm địa điểm để các thí sinh dự thi. Đối tượng tham gia là học sinh từ nhiều khối lớp khác nhau nên học sinh các khối lớp thấp hơn sẽ được nhân điểm với hệ số. Kết thúc kỳ thi, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội sẽ trao giải theo từng cấp học, trong đó số giải theo từng cấp không vượt quá 50% số thí sinh dự thi. Ngoài ra, những thí sinh đạt được mức độ điểm tiêu chuẩn sẽ được cấp Bằng chứng nhận từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Một số thí sinh có điểm cao nhất sẽ được mời tham dự Trại hè tại Nga do Ban tổ chức Trung ương của kỳ thi và Trung tâm Giáo dục Toán học Mát-xcơ-va tổ chức. Với chất lượng thí sinh được chọn lọc chất lượng, ITOT 2016 hứa hẹn sẽ làm nên nhiều kỳ tích.

Dự kiến, lễ bế mạc Kỳ thi ITOT mùa xuân lần thứ 37 sẽ diễn ra vào ngày 8/5 tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Được biết, kỳ thi Toán quốc tế giữa các thành phố được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2015. Đã có 189 học sinh khối THCS và 133 học sinh khối THPT đoạt giải chính thức ở kì thi này. Ở khối THCS, 3 trường dẫn đầu là Hà Nội - Amsterdam, Cầu Giấy và Giảng Võ. Ở khối THPT, 3 trường dẫn đầu là THPT chuyên Khoa học tự nhiên, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và chuyên ĐH Sư phạm.

Mỗi thí sinh tham gia hai ngày thi với hai mức độ O và A. Ngày thi thứ nhất, thí sinh làm đề O (mở rộng) gồm có 5 bài, thời gian làm bài là 240 phút. Ngày thi thứ hai, thí sinh làm đề A (nâng cao) gồm có 7 bài, thời gian làm bài là 300 phút. Những bài toán trong đề thi thường thuộc lĩnh vực tổ hợp, ngoài ra còn có hình học, đại số và số học, không đòi hỏi kiến thức chuyên sâu hay kỹ thuật giải toán thành thạo mà yêu cầu khả năng tư duy và suy luận thông minh. Trong mỗi đề thi, thí sinh có thể chọn làm ba bài vì điểm cuối cùng của bài thi được tính bằng tổng điểm ba bài tốt nhất. Điểm cuối cùng của thí sinh là điểm cao nhất trong hai ngày thi.

Nguyễn Hùng