Hội nghị toán học Việt – Mỹ: Cột mốc quan trọng hợp tác giữa các nhà toán học
(Dân trí) - Ngày 10/6, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) Quy Nhơn đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị Toán học Việt - Mỹ lần thứ nhất. Đây là cơ hội lý tưởng để các nhà khoa học của hai nước thảo luận về khả năng hợp tác chặt chẽ giữa hai nền Toán học Việt Nam và Mỹ, góp phần nâng cao vai trò của Toán học trong xã hội.
Đồng thời, tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển của nền Toán học Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như nền Toán học thế giới.
Chào mừng các nhà khoa học của Mỹ và Việt Nam đã đến tham dự hội nghị toán học Việt - Mỹ (VNUS 2019) lần thứ nhất, phát biểu tại hội thảo, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An cho biết, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển, nhưng luôn chú trọng và ưu tiên hàng đầu đối với giáo dục và nghiên cứu toán học. Đặc biệt, từ năm 2010, Chính phủ đã thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, đồng thời triển khai chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển toán học.
Theo thứ trưởng An, sự hợp tác khoa học giữa các nhà toán học Mỹ và VN đã ngày càng được củng cố và phát triển thông qua những trao đổi khoa học, những chương trình đào tạo sinh viên, nghiên cứu sinh xuất sắc.
Hội thảo lần này quy tụ các nhà khoa học đầu ngành về hầu hết tất cả mọi lĩnh vực của toán học, từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu của hai nước và các nước khác, sẽ được xem như một cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa các nhà toán học và giữa hai hội toán học.
Thứ trưởng hy vọng các kế hoạch hợp tác, ứng dụng toán học, phát triển về phổ cập toán học, giáo dục toán học sẽ được Hai hội Toán học chú trọng hơn nữa để có thể hỗ trợ được một cách tốt hơn cho thế hệ trẻ, góp phần đưa toán học không chỉ là một trong những giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại, mà còn là một công cụ mạnh tạo ra những ứng dụng sâu rộng, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng chuyển đổi số.
"Giáo dục Toán học cần được quan tâm và chú trọng, kể cả đối với những học sinh có thể không thật sự có năng khiếu toán học" - Thứ trưởng An bày tỏ.
Các nhà toán học Việt - Mỹ trao đổi tại hội thảo
GS. Ngô Việt Trung - Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cho biết, hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, không chỉ trong lĩnh vực Toán học, mà toàn diện trên mọi lĩnh vực, bởi toán học không có biên giới, không phân biệt tuổi tác, chủng tộc, màu da.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Hội Toán học Mỹ GS. Brian Boe đánh giá cao tổ chức hội nghị Toán học Việt – Mỹ lần này tại Việt Nam ở một Trung tâm khoa học lớn mà nhiều nước khác không có điều kiện như vậy. Đây là một sự đầu tư lớn của Việt Nam cho khoa học.
GS. Brian Boe cho biết, sau hội nghị này, 2 nền toán học Việt – Mỹ sẽ có nhiều cơ hội trao đổi vì các nhà toán học đến đây để trao đổi, để tìm ra điểm chung trong nghiên cứu của họ.
“Tôi chắc chắn rằng, sau hội nghị này các nhà khoa học sẽ tự liên hệ với nhau, cùng nhau viết bài báo, công trình nghiên cứu nào đó. Tôi nghĩ, rất có thể sẽ tổ chức thêm hội nghị Toán học Việt – Mỹ tại Việt Nam lần nữa” – GS Brian Boe bày tỏ.
GS. Brian Boe, đại diện Hội Toán học Việt - Mỹ
Được biết, Ban Chương trình và Ban Tổ chức của Hội nghị là các chuyên gia Toán học hàng đầu tại Mỹ và Việt Nam được hai Hội Toán học thống nhất chọn ra.
Trong đó, GS. Ngô Bảo Châu (Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán & ĐH Chicago, Mỹ) và GS. Brian D. Boe (ĐH Georgia, Mỹ) là Đồng Trưởng ban Chương trình; GS. Ngô Việt Trung (Viện Toán học, Viện HL KH&CN VN); PGS. Lê Minh Hà (Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán), GS. Jean Trần Thanh Vân (Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành) và PGS. Đỗ Ngọc Mỹ (Trường ĐH Quy Nhơn) là Đồng Trưởng ban Tổ chức địa phương.
Ngoài ra, 13 tiểu ban với các đồng Trưởng tiểu ban cũng là sự kết hợp giữa các nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực Toán học tại Mỹ và Việt Nam.
Hoạt động chính của Hội nghị bao gồm các báo cáo mời toàn thể và các báo cáo mời tại các tiểu ban. Các báo cáo mời toàn thể gồm có: GS. Henry Cohn (Microsoft Research, Mỹ), GS. Robert Guralnick (ĐH Southern California, Mỹ), GS. Lê Tuấn Hoa (Viện Toán học, Viện HL KH&CN VN), GS. Nguyễn Đông Yên (Viện Toán học, Viện HL KH&CN VN), GS. Zhiwei Yun (Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ) và GS. Nguyễn Tiến Dũng (Viện Toán Toulouse, Pháp).
GS Ngô Việt Trung nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam trao đổi với Chủ tịch Hội Toán học Mỹ GS. Brian Boe
Hội Toán học Mỹ là một trong những hiệp hội toán học mạnh nhất, nơi tập trung những tinh hoa của nền toán học thế giới. Từ năm 1992, hằng năm, Hội Toán học Mỹ thường tổ chức một sự kiện khoa học chung với một quốc gia khác, một số sự kiện gần đây như: Hội nghị Toán học Mỹ - châu Âu tại Bồ Đào Nha năm 2015, Hội nghị Toán học các nước châu Mỹ năm 2017, Hội nghị Toán học Mỹ - Trung Quốc năm 2018,...
Đặc biệt, hội nghị cũng đã dành riêng một phiên trình bày poster dành cho các nhà khoa học trẻ (học viên sau đại học, nghiên cứu sinh, các tiến sĩ trẻ mới bảo vệ). Ban Tổ chức đã chọn ra gần 30 báo cáo của các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước để trình bày tại phiên poster.
Nhà toán học trẻ trình bày báo cáo tại hội nghị
Trong khuôn khổ của chương trình, diễn đàn Toán trong Công nghiệp sẽ bắt đầu với bài giảng đại chúng của GS. John Birge từ Trường Chicago Booth Business School, Mỹ đồng thời là Cộng tác viên lâu dài của VIASM, với chủ đề: Một góc nhìn về Toán trong Công nghiệp (A View of Mathematics in Industry) tại trường ĐH Quy Nhơn vào ngày 11/6/2019.
Diễn đàn sẽ là cơ hội để sinh viên, các nhà toán học, các nhà giáo dục và hoạch định chính sách tiếp cận với lĩnh vực mới mẻ này, từ đó nhận ra tầm quan trọng của Toán học trong phát triển nhân lực ICT nói riêng và nhân lực toán ứng dụng trong các ngành công nghiệp nói chung.
Hồng Hạnh