Học trò như những "siêu nhân"... gà công nghiệp

(Dân trí) - Từ học sinh lớp 3 không biết cách mặc quần, đến sinh viên đại học lúng túng không biết quả dưa hấu phải làm thế nào để ăn được... Giáo dục biến học trò thành những "siêu nhân" gà công nghiệp thiếu kỹ năng sống.

Cái gì em cũng "chã biết"

Chuyện xảy ra ở một trường tiểu học, tại khối lớp 3, khi cả lớp tập trung ở hồ bơi thì giáo viên (GV) phát hiện thiếu một học sinh (HS). Mọi người tá hỏa đi tìm, một lúc sau thấy học trò này vẫn đứng trong phòng thay quần áo. Trên tay cầm chiếc quần bơi, em học trò mếu máo hỏi cô giáo: “Cái này làm như thế nào cô?”.

Hóa ra, từ nhỏ đến lớn, mọi việc sinh hoạt cá nhân của em như đi giày dép, mặc quần áo, đến ăn cơm... đều được mẹ làm thay. Đó cũng là lý do gia đình không cho con tham gia học bán trú ở trường vì sợ con mình đến bữa không tự ăn được.

Học trò như những siêu nhân... gà công nghiệp

Mục tiêu lớn nhất trong việc học của học trò là đạt điểm cao, đạt thành tích nên kỹ năng sống chưa được chú trọng (Ảnh minh họa).

Một câu chuyện khác được TS Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TPHCM) kể tại buổi tập huấn chuyên đề giáo dục kỹ năng sống (KNS) do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức. Chính SV của cô Hồng, khi đến nhà GV chơi, lúng túng cầm quả dưa hấu: “Cô ơi, quả này làm thế nào thì mới ăn được?”.

Chuyên gia này cảnh bảo, tình hình thiếu KNS hiện cực kỳ trầm trọng và nguy cấp. Kỹ năng cơ bản của con người là tự phục vụ, không buộc người khác phải chăm sóc mình nhưng hiện nay nhiều em không có kỹ năng này.

Đó cũng là lý do mà ở Việt Nam nở rộ trung tâm đào tạo KNS, phụ huynh đổ rất nhiều tiền cho con đi học. Nhưng chỉ sau một thời gian trở về là các kỹ năng các em học được lại biến mất vì lại có người làm hộ.

“Siêu nhân” để làm gì khi thiếu kỹ năng?

ThS Lan Hải (cố vấn Hội quán Các Bà Mẹ) cho hay không chỉ con nhà có điều kiện, có người giúp việc mà hiện nay tình trạng những em sinh ra trong gia đình khó khăn cũng cực kỳ thiếu các kỹ năng tự phục vụ. Nhiều sinh viên khi xa nhà không thể tự lo cho mình, trải qua khủng hoảng để thích nghi. 

Nguyên nhân hàng đầu trong việc học trò thiếu KNS, bà Hải cho rằng, phụ huynh quá cưng chiều con, suy nghĩ muốn bù đắp để con không phải làm việc khổ sở hay thiếu thốn như mình trước đây. Và mục tiêu giáo dục con của nhiều gia đình, miễn sao con mình học thật giỏi để sau này thành "ông này bà nọ". 

Việc tự phục vụ ăn uống là chuyện không dễ đối với nhiều học trò ở thành phố.

Việc tự phục vụ ăn uống là chuyện không dễ đối với nhiều học trò ở thành phố. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo. Q.1, TPHCM trong bữa tự phục vụ tại trường

TS Nguyễn Thị Bích Hồng cho hay, giáo dục KNS phải xây dựng môi trường để các em trải nghiệm. Gia đình là nền tảng đầu tiên

"Gia đình đang biến trẻ thành "gà công nghiệp" khi làm hết mọi việc thay con. Còn nhà trường lại biến trẻ thành "siêu nhân" bởi những danh hiệu thành tích khoác lên các em" - TS Nguyễn Thị Bích Hồng.

và đóng vai trò quan trọng nhất, giáo dục nhà trường mang tính bồi đắp và xã hội sẽ tiếp tục bổ sung để hoàn thiện. Nhưng 3 yếu tố này hiện nay đều tác động ngược, làm con người thiếu KNS trầm trọng.

Gia đình đã chăm sóc con theo cách nuôi “gà công nghiệp”, trẻ chỉ ăn ngủ, học, chơi chứ không làm gì hết. Phía ngành giáo dục biến trẻ thành “siêu nhân”, mục tiêu lớn nhất là phải làm sao điểm thật cao, học thật giỏi ở tất cả các môn. HS phải đem về giải thưởng này, thi gì cũng phải thắng để được tôn vinh, khen ngợi.

“Chúng ta khoác lên cho các em nhiều danh hiệu, các em nhìn vào danh hiệu đó để phấn đấu mà bỏ quên đi KNS. Tuy nhiên thực tế nhiều người học rất giỏi, bằng cấp đầy mình nhưng thiếu KNS vẫn không thành công, hạnh phúc. Cuộc sống với nhiều biến cố, đòi hỏi con người phải có kỹ năng mới vượt qua được ”, bà Hồng nói.

Còn đời sống xã hội hiện nay đang biến con người thành robot, thiếu cảm xúc với nhiều giá trị bị đảo lộn. Thay vì kỹ năng sống người ta lại đang sử dụng các chiêu trò, mánh khóe.

Con đường giáo dục KNS sống trong nhà trường, theo TS Bích Hồng cần thông qua chính các môn học, các hoạt động ngoại khóa, tổ chức sinh hoạt, lao động, thúc đẩy rèn luyện và phải kết hợp với gia đình. Đặc biệt việc giáo dục KNS không thể tách rời với giáo dục giá trị và thái độ sống.

Hoài Nam