Học tiếng Anh ở phổ thông: Thiếu môi trường cọ xát

(Dân trí) - Theo một số chuyên gia, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng thực tế việc dạy/học tiếng Anh ở phổ thông hiện nay, chưa đạt mục tiêu như mong muốn. Học sinh đến lớp học nhưng không được “hành” vì sĩ số quá đông, chương trình dài trong khi thời lượng ít.

Kiểm soát tiếng ồn mất 1/3 thời gian tiết học

Năm nay Bảo An học lớp 2 ở một trường công lập tại Hà Nội. Vào năm học này, cháu được học Toán bằng tiếng Anh. Cháu bảo: “Chán lắm mẹ ạ. Toàn những từ mới lạ ơi là lạ, con chưa từng được học. Thế mà lại phải giải cả Toán bằng tiếng Anh. Con giơ tay đẹp, có khi giơ tay cao, cô cũng không gọi phát biểu. Nói chung, học chả vui bằng ở trung tâm”.

Được biết, gia đình đang đóng tiền học cho An ở một trung tâm ngoại ngữ với số tiền hơn 40 triệu đồng/năm để nâng cao thêm kĩ năng. Cháu cũng cho biết, lớp mình đang học có sĩ số 65 bạn.

Câu chuyện trên đây không riêng của cháu Bảo An là tình trạng chung ở nhiều trường phổ thông công lập trên cả nước.

Cô T., một giáo viên dạy tiếng Anh liên kết cho 4 trường phổ thông công lập trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, cơ sở vật chất dành cho các trường công lập hiện nay không đến mức quá kém nhưng giáo viên áp lực nhất là lượng học sinh quá đông, trong khi thời lượng số tiết/tuần ít.

Học tiếng Anh ở phổ thông: Thiếu môi trường cọ xát - 1

Bài dài nhưng thời lượng dạy không nhiều nên học sinh khó đạt được yêu cầu khi học trên lớp. (Ảnh: Minh họa)

“Hiện hầu hết các trường đều có ti vi màn hình lớn hoặc máy chiếu đầy đủ để thực hiện các tiết học Ngoại ngữ qua giáo án điện tử giúp học sinh hứng thú hơn.

Điều này khác với nhiều năm trước, khi giáo viên phải dạy “chay” thì nay có sự hỗ trợ của máy móc và mạng Internet. Giáo viên có thể tham khảo tài liệu trên mạng để đưa vào bài giảng”, cô T. cho hay.

Tuy nhiên, theo giáo viên này, người dạy rất áp lực do sĩ số quá đông. Hiện nay mỗi lớp học trong tình trạng 50- 60 học sinh, trong giờ học, giáo viên kiểm soát tiếng ồn đã mất 1/3 thời gian, làm ảnh hưởng đến thời gian dạy và không thể sâu sát đến từng học sinh.

“Thứ hai, chúng tôi không phản đối gì về chương trình môn Ngoại ngữ cấp phổ thông nhưng thực tế giảng dạy, bài thì dài mà thời lượng dạy không nhiều nên rất khó đạt được yêu cầu khi học trên lớp.

Nếu bắt học sinh ngồi ghi chép, chúng tôi kiểm soát tiếng ồn rất tốt nhưng đặc trưng của môn tiếng Anh là phải tương tác bằng các hoạt động, các game show nho nhỏ.

Nhưng một khi tạo ra các trò chơi thế này, chắc chắn gây ra sự xáo trộn. Do sĩ số quá đông, giáo viên theo kiểm soát tiếng ồn sẽ “cháy” giáo án”, cô T. cho biết.

Học nhưng không “hành”

Thầy Nguyễn Quốc Bình - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, hiện là Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội cho rằng, nhìn một cách khách quan và thẳng thắn, việc dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông hiện chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Có nhiều lý do nhưng theo ông, lý do cơ bản và được nhiều người nói từ lâu là trình độ, năng lực và phương pháp giảng dạy Ngoại ngữ của chúng ta hiện nay còn hạn chế.

Thứ hai là động cơ học tập chưa rõ ràng ở phần lớn các học sinh. Với thời lượng 3 tiết/tuần và với cách dạy cổ điển, chưa được tiếp cận với phương pháp mới, hiện đại nên hiệu quả chưa cao. Có chăng, hiệu quả chỉ tập trung ở một số thành phố lớn, một số trường top đầu, có điều kiện.

Học tiếng Anh ở phổ thông: Thiếu môi trường cọ xát - 2

Do các em chưa có môi trường cọ xát trong các giờ học nên chưa đạt được mục đích như mong muốn. (Ảnh: Minh họa). 

Đặc biệt, theo hiệu trưởng này, do các em chưa có môi trường cọ xát trong các giờ học nên chưa đạt được mục đích như mong muốn. Do vậy, thực tế nhiều gia đình đóng rất nhiều tiền để con em học thêm trung tâm bên ngoài.

“Ở trường Việt Đức ngày xưa của chúng tôi, cơ sở vật chất hỗ trợ cho môn Ngoại ngữ khá đầy đủ như máy chiếu, máy cassete, bảng tương tác… Nhưng phương tiện vẫn chỉ là phương tiện, quan trọng là phương pháp truyền đạt sao cho tăng tính tương tác giữa thầy/trò, giữa trò với trò để tăng cường hiệu quả. Điều này khối trường ngoài công lập thực hiện tốt hơn nhiều so với trường phổ thông công lập”, thầy Bình nói.

Điều này cũng được cô Lê Thị Chính, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ngữ, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Newton đồng tình.

Cô Chính cho rằng, Đã có nhiều đánh giá tổng kết về việc học sinh phổ thông học Ngoại ngữ ở nhà trường xong nhưng vẫn không nắm được gì, có chăng biết rất ít.

Do vậy theo cô Chính, số tiết phải đảm bảo đủ, sao cho học sinh được học đi học lại hàng các em mới nhớ.

“Ở trường ngoài công lập, nhà trường đầu tư nhiều tiết tiếng Anh để các em được lặp đi lặp lại mới nhớ. Thực trạng hiện nay, môi trường xung quanh toàn tiếng Việt, nếu chỉ có thời lượng 3-4 tiết/tuần như hiện nay, việc dạy/học Ngoại ngữ trong nhà trường rất khó khăn.

Ngoài ra, sĩ số các lớp từ 50-60 học sinh, các em không được cô giáo gọi đứng lên để nói, không có môi trường cọ xát, các em không thể tiến bộ được. Đó là thực tế nếu không thay đổi”, cô Chính chia sẻ.

Mỹ Hà