Học sinh chui túi nilon vượt lũ tới trường gây xúc động mạnh

(Dân trí) - Ngày 5/9, hình ảnh một số học sinh chui túi nilon để vượt suối tới trường làm lay động cư dân mạng. Được biết, đó là một số học sinh ở bản Huổi Hạ, xã Na Sang, một trong những bản xa và khó khăn nhất của huyện Mường Chà, Điện Biên.

Chiều 5/9, ông Vàng A Pó - Chủ tịch xã Na Sang cho hay, tình trạng nhiều học sinh trong bản Huổi Hạ phải chui túi nilon đến trường là tình trạng có thật tại địa phương.

Theo ông A Pó, hiện địa phương có khoảng 40 học sinh lớp 4, 5 và cấp 2 của bản Huổi Hạ đến trường trên con đường ra trung tâm xã Na Sang dài khoảng 17km. Các em học nội trú nên cuối tuần sẽ về nhà một lần. Con đường này có thể đi bằng xe máy nhưng mùa mưa lối đi bằng đất nhỏ chỉ rộng một mét khiến việc đi lại rất khó khăn. Vì vậy, các em mất ít nhất khoảng 5 giờ đồng hồ để đi bộ qua những con dốc bùn trơn như đổ mỡ.

Để đến trung tâm xã, học sinh phải đi qua một con suối Nậm Chim rộng hơn 20 mét. Vào mùa khô, có một cây cầu tạm được xây dựng bằng gỗ, đá giúp đường đi thuận lợi hơn. Nhưng đến mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 10), cây cầu tạm không thể trụ nổi khiến học sinh phải đi bằng bè hoặc chui vào túi nilon.

Học sinh chui vào túi nilon để người lớn đưa qua suối. (Ảnh: VOV)
Học sinh chui vào túi nilon để người lớn đưa qua suối. (Ảnh: VOV)

“Chúng tôi đã tuyên truyền nhiều về sự nguy hiểm khi qua cầu bằng túi nilon nhưng thực ra không còn cách nào khác vì các em nhỏ chưa biết bơi. Bè cũng không trụ nổi vì sông suối chảy xiết cuốn trôi hết. Trước đó đã có trường hợp trẻ đi chăn trâu và bơi qua sông bị chết đuối. Một cán bộ của huyện đi qua sông bằng bè bị lật dẫn đến bị thương”, ông A Pó nói.

Hiện bản Huổi Hạ có hơn 70 hộ với 500 nhân khẩu, cách biệt với trung tâm xã qua con suối này. Theo ông Pó, tình trạng này đã tồn tại nhiều năm tại đại phương. Từ sáu năm trước, ông đã mơ ước một cây cầu được xây vững chắc nối liền bản và trung tâm xã, ông có đề xuất lên các cấp chính quyền. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu quốc hội của tỉnh, huyện đều nói về vấn đề này nhưng chưa hề có tín hiệu cầu sẽ được xây.

Cũng theo ông Pó, hiện tại địa phương đã có dự định thi công một con đường mới nối bản vào trung tâm xã. Các cấp chính quyền đã khảo sát nhưng thành hiện thực hay không còn phụ thuộc rất lớn vào kinh phí.

Trao đổi với PV Dân trí vào chiều 5/9, ông Nguyễn Minh Phú - Chủ tịch Huyện Mường Chà cho biết, hình ảnh học sinh chui vào túi nilon có thật nhưng không phải hình ảnh đại diện mà chỉ là hình ảnh cá biệt do đợt lũ này quá mạnh nên bà con không thể đi qua cầu tạm.


Ngoài học sinh THCS, có một số học sinh tiểu học từ lớp 4, 5 cũng phải qua suối này trên đường đến trường. (Ảnh: VOV)

Ngoài học sinh THCS, có một số học sinh tiểu học từ lớp 4, 5 cũng phải qua suối này trên đường đến trường. (Ảnh: VOV)

Cũng theo ông Phú, bình thường vào mùa nước cạn, con suối này có tiết diện nhỏ như cái rãnh mương. Bà con dựng chiếc cầu tạm theo phương thức xã hỗ trợ một ít và người dân đóng góp một ít.

Nhưng khi lũ, nước đổ từ thượng Lào về, suối trở nên hung dữ và gây lũ lụt cho bà con. Khi nước lớn, người dân thường bỏ cầu tạm bằng tre hoặc cũng có thể bị trôi.

“Ở cấp xã, chúng tôi có những điểm trường đóng ở trung tâm. Các cháu đều được học nội trú theo hình thức bán trú dân nuôi. Theo đó, các cháu được ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6. Vào chiều thứ 6, sau khi kết thúc buổi học cuối cùng của tuần, các cháu sẽ về nhà.

Hình ảnh mà độc giả nhìn thấy trên mạng internet là hình ảnh bố mẹ đón cháu sau một tuần học ở trung tâm xã về hoặc đưa các cháu đến trung tâm sau mấy ngày nghỉ cuối tuần.

Tuy nhiên, vào ngày đó, do nước lớn quá nên phụ huynh tìm cách để đưa các cháu qua suối chứ không phải ngày nào các cháu cũng vượt suối thế này để đi học”, ông Phú cho biết.


Một số học sinh đi bằng bè mảng nhưng có thể bị lật khi nước lớn. (Ảnh: VOV)

Một số học sinh đi bằng bè mảng nhưng có thể bị lật khi nước lớn. (Ảnh: VOV)

Cũng theo ông Phú, tại điểm bản hiện có các điểm trường khang trang dành cho các cháu mầm non, tiểu học từ lớp 1 đến lớp 2. Các lớp này đều được các cô trực tiếp đến đây dạy vì các cháu còn quá nhỏ chưa thể đi xa.

Tuy nhiên, các cháu học tiểu học lớp 3, 4 trở lên, địa phương đang cố gắng đưa các cháu về trường trung tâm xã để điều kiện học tập tốt hơn nên ngoài học sinh THCS, có một số học sinh tiểu học từ lớp 3 trở lên có thể qua suối để ra điểm trường trung tâm học bán trú.

Ông Phú cho biết thêm, từ điểm bản này về đến trường trung tâm xã khoảng 20 km. Về mùa khô, có thể đi xe máy để đưa các cháu đi học nhưng mùa mưa thì rất khó khăn và hầu như chỉ đi bộ rất vất vả.


Con đường dài gần 20km từ bản Huổi Hạ đến trung tâm xã chỉ đi xe máy được vào mùa khô nên khó vận chuyển vật liệu để xây cầu. (Ảnh: VOV)

Con đường dài gần 20km từ bản Huổi Hạ đến trung tâm xã chỉ đi xe máy được vào mùa khô nên khó vận chuyển vật liệu để xây cầu. (Ảnh: VOV)

Trao đổi về việc có thể xây dựng một cây cầu ở đây hay không, ông Phú cho hay, trước khi làm cầu phải làm đường trước bởi đoạn đường 20km nhưng chỉ đi được xe máy vào mùa không sẽ rất khó khăn trong vận chuyển vật liệu.

“Làm cây cầu khoảng 6 tỉ đồng nhưng muốn làm được cầu phải mất khoảng vài chục tỉ đồng để làm đoạn đường khoảng 20km vì hiện tại, không thể đưa vật liệu vào điểm này bởi chỉ đi được xe máy. Và huyện cũng mong được Chính phủ sớm hỗ trợ chi phí để xây dựng đoạn đường này giúp nâng cao đời sống của người dân quanh khu vực”, ông Phú chia sẻ.

Mỹ Hà