Bạn đọc viết:

Giáo viên ơi, hãy kiềm lòng lại nhé!

(Dân trí) - Khi những vụ bạo lực học đường như giáo viên đánh học sinh, học sinh đánh học sinh xảy ra ở nơi này nơi kia, thì những người làm nghề “gõ đầu trẻ” như chúng tôi dễ trở thành "nạn nhân" của những vụ bạo hành đó. Và chính sự kiềm lòng của mỗi người giáo viên sẽ là “liều thuốc” đầu tiên...

Tôi muốn kể câu chuyện của chính tôi.

Tôi là một giáo viên giảng dạy Ngữ văn, cấp THCS - cấp học mà lứa tuổi học sinh “ẩm ương” nhất. Các em có sự thay đổi trong tâm sinh lý, cần những người lớn như thầy cô, cha mẹ... lắng nghe, thấu hiểu và sẻ chia.

Năm nay, tôi được phân công dạy học sinh thuộc hai khối 6, 7.

Học sinh khối 6 chẳng có gì đáng bàn vì các em luôn có biệt hiệu là “những thiên thần” của cấp hai. Nhưng điều đáng bàn ở đây là những học sinh khối 7.

Khi nhận lớp dạy, một số chị đồng nghiệp đã “cảnh báo” với tôi rằng: “Học sinh lớp 7 năm nay nghịch và quậy phá lắm, em cần cảnh giác”.

Hơn mười mấy năm trong nghề, bao nhiêu thế hệ đi qua “chuyến đò tri thức” của tôi là biết bao nhiêu tính cách mà tôi gặp phải. Và thành công của “kĩ sư tâm hồn” như chúng tôi là uốn nắn các em nên người. Thế mà năm nay, lại khác...

Tiết Ngữ Văn lớp 7 diễn ra trong nặng nề và mệt mỏi của cả cô và trò vì nội dung bài học hôm đó vừa dài vừa khó hiểu, tôi cố gắng giảng giải để truyền tải những gì cơ bản nhất đến với các em.

Nhưng lớp học vẫn nhao nhao và ồn ào tập trung vào một nhóm học sinh không chịu học.

Tôi phát hiện trong nhóm đó, có một học sinh là trung tâm, liên tục mất trật tự và quấy rầy việc học các bạn khác. Nhắc nhở lần nhất một cách nhẹ nhàng, em học sinh đó quay về trạng thái im lặng.

Nhưng rồi bạn ấy tiếp tục gây mất trật tự lần thứ hai, tôi dọa sẽ ghi sổ đầu bài. Bạn ấy cụp mặt xuống có vẻ ăn năn. Tôi lại quay lại bài giảng mặc dù mạch cảm xúc đã ngắt quảng.

Rồi tiếng la hét vang lên ở dưới lớp, lần này lại cũng chính là em học sinh vi phạm hai lần trước đó.

Tôi bắt đầu tức giận và nói to với em rằng: “Nếu em thật sự không thích học tiết này thì em có thể xuống phòng Đội, chứ em liên tục làm ồn ảnh hưởng đến các bạn khác và cô không giảng bài cho cả lớp được”. Tôi vừa dứt lời thì bắt gặp ánh mắt trợn ngược, vẻ mặt thách thức với thái độ coi thường giáo viên của em học sinh kia.

Lúc này, tôi cảm nhận nhịp tim tôi đang đánh thình thịch vì tức giận trước thái độ vô lễ của em học sinh đó. Nếu thật sự tôi không kiềm lòng lại ngay chính lúc đó thì tôi không biết được hậu quả gì sẽ xảy ra.

Sau một phút trấn an mình, tôi hỏi em học sinh đó: “Ánh mắt cùng với thái độ của em dành cho cô là gì vậy?”. Lúc này, em cúi đầu không đáp.

Tôi liền bảo rằng cuối giờ em hãy ở lại lớp gặp tôi. Thế là giờ Văn trôi qua trong không khí nặng nề.

Tôi thầm cảm ơn tôi vì đã biết kiềm lòng đúng lúc, biết chế ngự cơn tức giận đúng lúc, biết học trò như những cây non cần uốn nắn. Tôi còn hiểu rằng giáo dục cần đi từ trái tim đến trái tim khi các trường học đang áp dụng các phương pháp của dự án “Trường học hạnh phúc” thì không cớ gì giáo viên phải đẩy học sinh của mình ra xa cả, giáo viên phải làm sao đó để “Mỗi ngày đến trường của mỗi học sinh là mỗi ngày vui”.

Hai cô trò gặp nhau sau tiết học, tôi nói với em học sinh vi phạm đó rất nhiều điều. Có lẽ em đã hiểu vì ánh mắt rưng rưng của em cho tôi biết điều đó.

Em xin lỗi tôi và hứa không vi phạm nữa.

Lòng tôi nhẹ thênh thang!

Thanh Thanh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!