Giáo viên mượn danh "đổi mới", học sinh rỗng tuếch

(Dân trí) - Đạo đức nhà giáo không chỉ nằm ở đòn roi như chúng ta vẫn quan tâm. Nhiều nhà giáo lên lớp mượn danh đổi mới, không dạy gì hết, học trò rỗng tuếch... thì có thể xem là người thầy có đạo đức?

Người thầy lên lớp chẳng làm gì

Người thầy lên lớp mượn danh đổi mới, không làm gì hết được PGS.TS Trần Thị Mai Phương đặt ra thêm góc nhìn về đạo đức nhà giáo làm vỡ òa tại Hội thảo về đạo đức nhà giáo ngày nay vừa được tổ chức tại TPHCM. Bởi lâu nay, chúng ta thường chỉ "gán" đạo đức nhà giáo với đòn roi, bạo hành, đánh đập học trò. 

PGS.TS Trần Thị Mai Phương đề cập đạo đức người thầy mượn danh đổi mới, lên lớp chẳng dạy gì.

Tuy nhiên, đạo đức nhà giáo không chỉ ở bề nổi đánh hay không đánh trẻ, đó là việc không được làm. Có một vấn đề "đạo đức" khác, theo TS Mai Phương chúng ta cần quan tâm là nhiều giáo viên mượn danh đổi mới phương pháp dạy học, lên lớp không làm gì. 

Trước đây GV phải dạy, phải nói đến từ đầu đến cuối, còn bây giờ nhiều người vào lớp, chia nhóm, yêu cầu học sinh mở sách vở ra đọc đi. Còn 15 phút thì mời bạn này lên nói xem đọc được những gì, bạn kia đứng lên nhận xét... thế là hết giờ, thầy ra về. 

Và hậu quả, thầy quá nhàn còn học sinh chẳng biết gì. Nhất là ở trường ĐH, theo bà Phương nhiều giảng viên đang lạm dụng việc đổi mới, thầy lên lớp có khi dành hẳn nửa tiếng mở phim cho sinh viên xem, thầy không dạy gì hết. 

Giáo viên mượn danh đổi mới, học sinh rỗng tuếch - 1

PGS.TS Trần Thị Mai Phương

"Cuối cùng, phải nói bây giờ nhiều sinh viên ra trường rỗng tuếch. Trước các em đi dạy, tôi lo các em cháy giáo án, ôm đồm mà thiếu kỹ năng. Còn bây giờ, lên lớp 20 -  25 phút là các em không biết phải nói, phải làm gì nữa. Một người thầy lên lớp như thế thì có thể nói đó là người thầy có đạo đức nghề giáo không?", TS Mai Phương chua chát.

Giáo dục đạo đức cho sinh viên sư phạm bị xem nhẹ

TS Nguyễn Thanh Giang, giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ, nỗi băn khoăn của TS Mai Phương cũng là điều ông lo lắng, chính các nhà quản lý cũng khó khăn vì không biết chuẩn nào để đánh giá. 

Giáo viên họ cũng chưa có một chuẩn rõ ràng nào để phấn đấu làm một nhà giáo có đạo đức. Bộ đưa ra các chuẩn chung chung chưa đáp ứng được. 

Giáo viên mượn danh đổi mới, học sinh rỗng tuếch - 2

Một giáo viên ở TPHCM bày tỏ nỗi băn khoăn về đổi mới phương pháp dạy học tại một buổi nói chuyện về giáo dục Stem

Trong nghiên cứu của mình, TS Nguyễn Trúc Thuyên, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng chỉ ra mục tiêu giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong các trường sư phạm còn bị xem nhẹ, không rõ ràng hoặc là rất chung chung.

Giáo dục đạo đức nhà giáo chỉ được tích hợp với các học phần khác như Tâm lý học đại cương, giáo dục học, giao tiếp sư phạm... Hay có trường đưa vào môn na ná, chưa thực sự là môn đạo đức nghề giáo nhưng cũng chỉ là môn tự chọn. 

PGS.TS Trần Thị Mai Phương nhấn mạnh, không đánh học học trò là bước thấp nhất của hành vi đạo đức con người, hiến pháp đã quy định. Với đạo đức nghề giáo chắc chắn người thầy phải thể hiện được hiệu quả quá trình dạy học mà bản chất là lãnh đạo, quản lý người học. 

Đạo đức phải được hình thành bằng sự tu thân của mỗi con người, là quá trình tự bồi dưỡng. Để làm được điều này rất cần sự hậu thuẫn của tổ chức, các nhà quản lý, đồng nghiệp... Cần các tiêu chí rõ ràng và minh bạch trong đánh giá GV và có một kênh rất quan trọng các nhà quản lý cần quan tâm chính là phản hồi ngược từ học sinh. 

Hoài Nam