Giáo dục kỹ năng sống: Sự chuyển mình mạnh mẽ về môi trường văn hoá học đường

(Dân trí) - Giáo dục kỹ năng sống là một yêu cầu quan trọng, đảm bảo giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên hội nhập quốc tế, trao cơ hội đảm bảo cơ hội thành công cao hơn.

Sáng nay 12/10, tại Nghệ An, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo "Thực trạng và giải pháp giáo dục kỹ năng sống trong trường học". Hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo cùng nghiên cứu, thảo luận đóng góp ý kiến và đề xuất giải pháp cụ thể để giáo dục kỹ năng sống (KNS) trong trường học được toàn diện, đầy đủ và hiệu quả.

97% các trường có giáo dục KNS.

Tại hội thảo, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh cho biết, hầu hết hơn 97% các trường ở từ bậc mầm non đến THPT và các trường đại học, cao đẳng đều đang đưa nội dung giáo dục KNS được tích hợp vào trong các môn học chính khóa của chương trình phổ thông (môn Đạo đức, Giáo dục Công dân, Ngữ văn, Sinh học, Địa lý...); các hoạt động ngoài giờ Đoàn - Đội; mô hình các câu lạc bộ...

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh chủ trì hội thảo.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh chủ trì hội thảo.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tất cả các trường thường xuyên tổ chức và yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức các hoạt động ngoại khóa, như: thiết kế riêng hoạt động trải nghiệm (ở cấp tiểu học, THCS) và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (ở cấp THPT) với thời lượng 75 tiết đối với tất cả các học kỳ.

Trên cơ sở đó, ông Bùi Văn Linh cho biết hiện nay hầu hết HSSV đã có nền tảng kiến thức rộng hơn, được trang bị và hiểu biết, thực hành tốt hơn các kỹ năng sống thiết yếu trong học tập, cuộc sống, tự tin giao tiếp và khả năng hội nhập quốc tế tốt hơn nhiều... là những kết quả hiện thực rõ nét nhất từ sự thành công ban đầu của chương trình.

Kỹ năng sống là thực tế, không phải giáo điều.

Tuy vậy, theo ông Linh, việc triển khai công tác giáo dục KNS trong các nhà trường vẫn còn các bất cập, khó khăn. Đó là, cơ sở vật chất tại các trường học để tổ chức hoạt động các câu lạc bộ cho HSSV còn thiếu, tài liệu, học liệu cũng cần bổ sung thêm phục vụ công tác, vai trò của gia đình HSSV trong việc phối hợp tổ chức hoạt động KNS chưa đáp ứng yêu cầu thường xuyên cập nhật các kỹ năng của HSSV.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Thực tế từ cơ sở, ông Nguyễn Trọng Bé (Sở GD&ĐT Nghệ An) cho biết, chương trình, nội dung giáo dục KNS hiện nay chủ yếu đang ở dạng tích hợp, lồng ghép trong một số môn học nên chưa có nhiều thời gian để học sinh vận dụng vì vậy các nhà trường lúng túng trong việc lựa chọn, tổ chức nhiều mô hình.

Các hoạt động tập thể cơ bản mới đảm bảo về chiều rộng cung cấp thông tin, lý thuyết nhưng chưa đi vào các tình huống thực tế. Mặc dù có sự chỉ đạo chung từ Sở GD&ĐT nhưng ở mỗi cơ sở giáo dục lại có những cách làm khác nhau chưa đồng bộ về mặt hiệu quả và tiến trình.

Đồng thời, ông Nguyễn Trọng Bé nhấn mạnh việc cân bằng định mức lao động ở một số nhà trường ảnh hưởng đến việc bố trí người tổ chức được các hoạt động giáo dục KNS; vì một số giáo viên làm công tác giáo dục kỹ năng sống tại nhiều trường học hiện nay còn hạn chế về năng lực và thiếu về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động.

Bà Lê Thị Hồng Anh Chuyên viên Sở GD&ĐT TPHCM phát biểu.
Bà Lê Thị Hồng Anh Chuyên viên Sở GD&ĐT TPHCM phát biểu.

Cùng với đó, bà Lê Thị Hồng Anh (Sở GD&ĐT TPHCM) cho rằng, ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục KNS chưa được nhận thức một cách đúng mức trong một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên. Khi thực hiện giáo dục KNS, giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng (chưa có tài liệu cho giáo viên và học sinh, tiêu chí đánh giá chưa cụ thể…).

Theo Bà Hồng Anh, tổ chức giáo dục KNS có những đặc thù riêng khác với các hoạt động giáo dục khác, nội dung giáo dục không chỉ diễn ra trong môn học mà còn thông qua một số hoạt động khác (hoạt động ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ...) cho nên phải tính đến cơ sở vật chất, kinh phí để thực hiện.

Đưa KNS thành tiêu chí đánh giá học sinh.

Do đó, ông Bé đã kiến nghị Bộ GD&ĐT cần ban hành cơ chế, chính sách riêng để công tác giáo dục KNS được thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả và tăng cường kiểm tra đánh giá hoạt động này ở các nhà trường.

Cần có các chương trình tập huấn cho đội ngũ giáo viên làm công tác giáo dục kỹ năng sống cho các trường phổ thông. Có quy định cụ thể về định mức lao động đối với giáo viên làm công tác giáo dục kỹ năng sống. Quy định mức kinh phí, nguồn kinh phí được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm với mục đích giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông, ông Bé nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Bé hi vọng các cơ sở giáo dục cần thông tin rộng rãi đến cha mẹ học sinh ý nghĩa và lợi ích của việc tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động giáo dục kỹ KNS.

Nguyễn Phương Liên (Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội)
Nguyễn Phương Liên (Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội)

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Phương Liên (Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội) đóng góp ý kiến cho rằng các trường cần tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên, tham gia các lớp tập huấn về giáo dục KNS, quan tâm đến việc trang bị các cơ sở vật chất, phương tiện nhằm nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ phụ trách công tác giáo dục KNS tại đơn vị. Chú trọng đến việc chỉ đạo thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, câu lạc bộ kỹ năng, câu lạc bộ, tạo môi trường vui chơi, học tập qua đó trang bị các kỹ năng cần thiết cho học sinh.

Ngoài ra, đại diện Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng KNS là yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức giảng dạy, tổ chức sinh hoạt và chất lượng học sinh của một ngôi trường. Do đó, cần đẩy mạnh hơn các nội dung hoạt động ngoại khóa cho học sinh phù hợp với từng đối tượng và có sự đồng thuận cao từ phía cha mẹ học sinh. Nhằm nâng cao bản lĩnh, năng lực và khả năng tiếp thu kiến thức trở thành học sinh toàn diện.

Hà Cường