ĐH Bách khoa TPHCM chế tạo thành công buồng khử khuẩn bằng khí sạch

(Dân trí) - Mới đây, trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM chế tạo thành công hệ thống khử khuẩn di động chỉ trong 30 giây. Đặc biệt, hệ thống này khử khuẩn bằng khí sạch chứ không phải dung dịch.

ĐH Bách khoa TPHCM chế tạo thành công buồng khử khuẩn bằng khí sạch - 1

Sản phẩm buồng khử khuẩn bằng khí do Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí thuộc trường ĐH Bách khoa TPHCM chế tạo.

Đây là sản phẩm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí thuộc trường ĐH Bách khoa TPHCM. Khác với buồng khử khuẩn được chế tạo thời gian gần đây là buồng phun dung dịch diệt khuẩn, sản phẩm này dùng công nghệ phun khí sạch và khí kháng khuẩn để diệt khuẩn bề mặt bám trên bề mặt vật chủ.

buồng khử khuẩn.jpeg

Hệ thống này dùng không khí sạch, khí ozone va ion âm để diệt vi khuẩn

Hệ thống có các bộ lọc khí đầu vào và đầu ra để đảm bảo không khí sạch trước khi vào hệ thống và sau khi thải ra khỏi hệ thống. Công nghệ này đã và đang được ứng dụng tại các phòng thí nghiệm về thiết bị bán dẫn và y học, sử dụng không khí sạch, khí ozone (theo ngưỡng cho phép cho người sử dụng, ion âm).

Theo PGS.TS Võ Tường Quân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí, điểm đặc biệt của hệ thống là dùng không khí sạch, khí ozone và ion âm để diệt vi khuẩn bám trên bề mặt vật chủ. Công nghệ sử dụng kết hợp giữa nguyên lý hệ thống tắm khí (Air-shower) và kết hợp với các khí có thức năng diệt khuẩn.

Hệ thống được vận hành hoàn toàn tự động, hoàn toàn không tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người (cửa tự động đóng mở theo hướng vào ra khác nhau).

Ngoài ra, nguồn ion âm trong hệ thống sẽ diệt khuẩn lần 2, hút bụi bẩn sau khi thoát khỏi cơ thể vật chủ nhằm tăng khả năng diệt khuẩn bề mặt. Đầu vào là không khí được cho qua màng lọc trước khi đi vào quạt thổi cao áp.

buồng khử khuẩn.jpg

Nhóm nghiên cứu buồng khử khuẩn có sự tham gia của các sinh viên của trường ĐH Bách khoa TPHCM

Cũng theo ông Quân, hệ thống các ống gió, lưu lượng gió được tính toán thiết kế sao cho khí ozone không tác dụng trực tiếp vào mũi người. Do vậy, đây là giải pháp đảm bảo an toàn cho người sử dụng buồng khử khuẩn này.

Hiện hệ thống đang được chuyển giao thương mại hóa cho các doanh nghiệp liên quan và các đơn vị có nhu cầu, sẵn sàng cho sản xuất hàng loạt. Được biết, giá thành sản xuất cho các doanh nghiệp khoảng 70 triệu đồng/buồng.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho các cơ quan Nhà nước trong công tác phòng chống dịch, giá thành lắp đặt sẽ thấp hơn với mức tầm 55 triệu đồng/buồng.

Lê Phương