Đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2: Phải thay đổi nhiều chính sách

(Dân trí) - Nhìn nhận đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam là mục tiêu đúng đắn nhưng quan trọng là phải triển khai từng bước, tránh nóng vội dẫn đến lãng phí mà không đi tới đâu.

Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh (TA) là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam. Nhiều chuyên gia giảng dạy TA tán đồng với đề xuất này, song cho rằng mọi thứ cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng.

Phải có lộ trình và đề án rõ ràng

Ths Trần Tín Nghị, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chia sẻ: “Đương nhiên về mặt chủ trương thì tôi nghĩ đây là một ý kiến đề xuất hoàn toàn đúng đắn, giúp cho Việt Nam tiến đến con đường hội nhập nhanh hơn, giúp tăng khả năng cạnh tranh của nước ta với thế giới. Tuy nhiên, cần có sự chuẩn bị kỹ càng để không biến cách nói TA của người Việt thành một kiểu khác đi so với thế giới.

Theo ông Nghị, “việc đầu tư cho việc giảng dạy TA ở nước ta hiện nay chưa đủ để nó trở thành ngôn ngữ thứ 2 mà hiện chỉ ở mức là một ngoại ngữ. Nếu như các trung tâm, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng hoàn toàn có đủ điều kiện thực hiện điều này trong 5 hoặc 10 năm tới, tuy nhiên các địa phương khác đưa TA là ngôn ngữ thứ 2 sẽ là khó khả thi”.

Sinh viên một trường ĐH tại TPHCM trong lớp học tiếng Anh
Sinh viên một trường ĐH tại TPHCM trong lớp học tiếng Anh

“Để TA trở thành ngôn ngữ thứ 2 thì tất các các bậc học, các cơ quan quản lý phải dần chuyển việc giảng dạy, đánh giá sang sử dụng một phần bằng TA. Tiếp đến, các cơ quan hành chính cũng phải sử dụng TA trong một số lĩnh vực thông dụng, không khắc khe. Thêm nữa, các hoạt động giao tiếp trong công sở giữa chính quyền và người dân cũng phải sử dụng ngôn ngữ này một phần.

Trong các lĩnh vực, chẳng hạn như giáo dục thì ở mỗi bậc học, các học sinh đều được học và thi cử, đánh giá bằng tiếng Anh. Theo tôi, để đạt được điều này phải có sự chuẩn bị hết sức lâu dài, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức chứ không đơn thuần muốn là thực hiện được ngay.

Tôi chỉ lo lắng nếu chưa chuẩn bị tốt mà áp dụng ngay thì thay vì đưa TA là ngôn ngữ thứ 2 thì hình thành một dạng “Vietspeak” của người Việt mà người nghe ở nước ngoài sẽ thấy khó bởi Việt hóa quá nhiều”, ông Nghị nói.

Ông Nghị cho rằng “cần phải có lộ trình mà đi đầu chính là các cơ sở giáo dục. Trước hết từ các cơ sở giáo dục phải nâng cấp trình độ tiếng Anh cho giáo viên, giảng viên ở tất các các môn. Tất các đơn vị hành chính sự nghiệp khác cũng phải có định hướng tiếp nhận TA như ngôn ngữ hàng ngày được sử dụng trong cơ quan hành chính. Đồng thời, thừa nhận các văn bản bằng ngôn ngữ TA nhưng tiền đề thực hiện điều này chúng ta đang còn thiếu nhiều”.

PGS.TS Đỗ Minh Hùng, giảng viên cao cấp trường ĐH Đồng Tháp cũng nhìn nhận: “Chúng ta phải cải thiện tình hình đào tạo và sử dụng TA hiện nay ở Việt Nam để đạt mục tiêu giúp cho chúng ta có nguồn nhân lực có thể sử dụng TA thông thạo như một ngôn ngữ quốc tế bởi vì hiện nay chúng ta đang trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới. Một trong những điều kiện tốt nhất để cho chúng ta đạt được những thành tựu khác về kinh tế, thương mại, giáo dục thì rào cản hiện vẫn là ngôn ngữ mà TA là ngôn ngữ cần thiết và được sử dụng nhiều ở trong các giao dịch về quốc tế.

Nguồn lực của chúng ta cần đạt được điều kiện tiên quyết này nhưng để đạt được phải có sự chuẩn bị từ bây giờ. Đã có những đề xuất biến TA thành ngôn ngữ thứ 2, tôi hoàn toàn thống nhất với đề xuất này.

Tuy nhiên, cần phải có lộ trình rõ ràng, cụ thể về cách thức triển khai, khu vực nào triển khai đầu tiên, làm như thế nào, kinh phí ra sao…. Đồng thời, phải có giai đoạn vừa thử nghiệm vừa đánh giá giữa kỳ, hay dài hạn.

Không nên quá vội vàng hoặc thiếu cân nhắc, tránh để những chương trình xây dựng không vững vàng, lâu dài, thiếu tầm nhìn sâu, liên kết, học hỏi từ nước ngoài thì chắc chắn sẽ không thể thành công. Nếu thực hiện một cách nữa vời sẽ vừa lãng phí về nguồn tài lực, trí tuệ của nhiều người, nhiều nhà khoa học đang muốn đóng góp vào tiến trình này. Nếu được hãy bắt đầu bằng việc lập một đề án, với từng giai đoạn một với những bước chuẩn bị cụ thể để thực hiện thành công từng giai đoạn, có cách đánh giá, nghiệm thu sự thành công từng giai đoạn ấy, cũng như bổ sung thêm cho đề án lớn này.”

Tạo môi trường ngay từ bây giờ

PGS.TS Phạm Vũ Phi Hổ, Giám đốc điều hành Trường ĐH Văn Hiến thì khẳng định: “Đây là một đề xuất tốt và đúng đắn. Chẳng hạn như Singapore ngày xưa khi họ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 cũng gặp không ít khó khăn. Nếu đặt vấn đề bây giờ chúng ta đủ điều kiện thực hiện đề xuất này chưa, câu trả lời chắc chắn là “chưa” nhưng theo tôi để đặt ra một mục tiêu phấn đấu là một việc rất quan trọng.

Nhiều chuyên gia giảng dạy tiếng Anh cho rằng đề xuất Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 là chủ trương đúng đắn nhưng cần sự chuẩn bị kỹ
Nhiều chuyên gia giảng dạy tiếng Anh cho rằng đề xuất "Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2" là chủ trương đúng đắn nhưng cần sự chuẩn bị kỹ

Tất nhiên không nên đặt ra một mục tiêu suông mà trước hết phải tạo môi trường, điều kiện để thực hiện nó. Ví dụ như, muốn là ngôn ngữ thứ 2 mà trong trường học toàn bộ giáo viên đều là người Việt thì bao giờ mới đạt được. Chúng ta có thể xem xét kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ở các trường ĐH ở nước này có rất nhiều giáo sư, giảng viên là người nước ngoài, người học hoàn toàn dễ dàng thực tập, giao tiếp hàng ngày với đội ngũ này nên dần dần biến TA thành ngôn ngữ sử dụng thường xuyên".

Ông Hổ đề xuất, "Muốn hiện thực hóa đề xuất này cần phải thay đổi rất nhiều từ chính sách, tạo nhiều môi trường phù hợp. Hiện tại chúng ta chưa có nhưng đó là một ước mơ tốt, một chính sách rất tốt cần hướng tới. Có thể 5 -10 năm chúng ta chưa làm được nhưng nếu tiếp tục có chính sách thay đổi thì biết đâu 15 năm nữa đề xuất này có thể khả thi.

Để đạt mục tiêu này, chính sách thay đổi phải tiến tới quốc tế hóa trong các trường học. Các trường ngoài giáo viên bản ngữ thì nên tuyển thêm những giáo sư nước ngoài mới ra trường hoặc vừa nghỉ hưu về phục vụ. Tất nhiên kèm theo đó là hàng loạt thay đổi về chính sách lương bổng, đãi ngộ, chính sách visa để thu hút nhân lực từ bên ngoài. Điều này không phải là xem thường giáo viên trong nước nhưng nếu muốn có ngôn ngữ thứ 2 thì phải tạo môi trường làm việc thứ 2 thật tốt".

TS Phạm Hữu Đức, giảng viên ngôn ngữ học trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM: tán đồng chủ trương này vì rất hay phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế. “Tuy nhiên trước hết chúng ta phải có một lộ trình thực hiện. Muốn TA trở thành ngôn ngữ thứ 2 tôi nghĩ cần phải có lộ trình cụ thể. Với kinh nghiệm là một giảng viên, tôi nghĩ nên áp dụng mô hình mà các nước Đông Á (Hàn Quốc, Nhật Bản…) đang áp dụng. Họ đang áp dụng hình thức EMI (English as a Medium of Instruction) tức là dùng TA để dạy các chuyên ngành khác như hoá, lý, toán và kinh tế… Sau khi mô hình này thành công thì sẽ nhân rộng ra, đó là tiền đề để đưa TA trở thành ngôn ngữ thứ 2”.

“Các trường ĐH khi tuyển giảng viên ở bất kể bộ môn nào cũng nên đòi hỏi trình độ ngoại ngữ đặt biệt là TA. Như trường tôi nhiều giảng viên được gửi sang nước ngoài tu nghiệp, kể cả giảng viên trong nước cũng trao dồi thêm ngoại ngữ. Với môi trường làm việc như thế thì bản thân người dạy cũng phát huy và tích lũy được kỹ năng đào tạo sinh viên nói TA. Song song đó, nhiều sinh viên được tuyển sinh thông qua các bài kiểm tra năng lực bằng tiếng Anh, với nền tảng ngoại ngữ ở phổ thông cộng thêm khả năng giảng viên cùng phối hợp lại thì sẽ nhanh chóng thành công”, TS Đức đề xuất.

Lê Phương (ghi)