Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết lòng với sự nghiệp Khuyến học - khuyến tài

(Dân trí) -Từ khi thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10/1996), đã trải qua 4 kỳ Đại hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội nhân dân VN, luôn được suy tôn là Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học VN.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2359/Dai-tuong-Vo-guyen-Giap-tu-tran.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần</b></a>

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người đã hết lòng chăm lo sự nghiệp Khuyến học - Khuyến tài
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người đã hết lòng chăm lo sự nghiệp Khuyến học - Khuyến tài

 

Nguyên là một nhà giáo có danh từ cách đây 80 năm tại Trường Thăng Long, do vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết sức ưu ái các trí thức trong ngành giáo dục và có những sự động viên, khích lệ rất đáng trân trọng.

 

17 năm qua, hàng năm, biết được sự phát triển rộng khắp của phong trào khuyến học khuyến tài trong cả nước có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng xã hội học tập ở nước ta mà Hội Khuyến học đã gây dựng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rất vui.

 

Vài năm trở lại đây do sức khỏe Đại tướng yếu nên không đến dự được nhiều sự kiện của Hội Khuyến học như Đại hội đại biểu khuyến học, Đại hội Gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, giải thưởng Nhân tài Đất Việt… nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã luôn gửi thư  và lẵng hoa tới chúc mừng và căn dặn: “Bác Hồ là người tiêu biểu nhất cho truyền thống hiếu học của dân tộc. Người luôn quan tâm đến giáo dục, đến khuyến học, khuyến tài, đến việc tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người dân đều được học, học thường xuyên, học suốt đời. Người mong muốn “dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái”. Tư tưởng của Bác về học tập, học tập suốt đời phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở nước ta”.

 

Tâm huyết với vấn đề Học tập suốt đời, Xây dựng Xã hội học tập ở nước ta, Đại tướng đã nhấn mạnh trong thư gửi tới Đại hội đại biểu khuyến học toàn quốc lần thứ III: “Nhân dân ta đang ra sức đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nhiều lĩnh vực sản xuất sử dụng công nghệ cao theo hướng phát triển kinh tế tri thức. Nước ta hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu. Tình hình đó đòi hỏi từng người dân, từng cán bộ, từng Đảng viên không những phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời, mà còn phải gắn học với hành, và hành phải đảm bảo chất lượng tốt, năng suất cao. Làm được như vậy là chúng ta nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng của Bác, làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ”.
 
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm chúc mừng sinh nhật Đại tướng năm 2007

Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm chúc mừng sinh nhật Đại tướng năm 2007

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ vui mừng về việc sau một số năm nhân dân ta hưởng ứng chủ trương khuyến học, khuyến tài, nhà nước ta đã có quyết định lấy ngày 2/10 là Ngày Khuyến học Việt Nam và Hội ta đã từng bước đưa Tháng 9 khuyến học thành một sinh hoạt toàn dân. Đại tướng tin rằng, Hội Khuyến học sẽ động viên được ngày càng đông đảo các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân, nối tiếp xứng đáng sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, hướng tới mục tiêu xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.

 

Với giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng, mỗi năm diễn ra lễ trao giải, Đại tướng đều gửi thư chúc mừng các nhà khoa học và các thí sinh được nhận giải thưởng. Đại tướng mong rằng, các sản phẩm và các công trình nghiên cứu được trao giải sẽ được tiếp tục hoàn thiện và được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội thiết thực.

 

Mỗi dịp “Nhà giáo Việt Nam”, Đại tướng luôn chúc Hội Khuyến học Việt Nam, chúc các thầy giáo và cô giáo, với tâm huyết và trí tuệ của mình, sẽ đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, để cho nền giáo dục Việt Nam thực sự là cội nguồn của nguyên khí quốc gia, đảm bảo cho mọi nhân cách và tài năng đất Việt được vun đắp và phát huy vì sự trường tồn, sự phát triển tiến bộ và bền vững của đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

 

Tấm gương tận tụy hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điều mà mỗi trí thức, mỗi người dân Việt Nam đều ghi nhận. Một trong những câu nói nổi tiếng của bác Giáp được trí thức ghi nhớ là "Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó." (dantri.com.vn, 5/7/2009). Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhằm thống nhất giang sơn, không ai quên được mệnh lệnh kiên cường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, xốc tới quyết chiến quyết thắng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước".

 

 

Từ khi thành lập đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã qua 4 kỳ Đại hội. Đại hội lần thứ nhất ngày 2/10/1996 là Đại hội thành lập Hội. Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân được bầu làm Chủ tịch Hội. Đại hội suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch danh dự của Hội.

 

 Đại hội lần thứ II vào 16/6/1999. Đại hội bầu đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng làm Chủ tịch. Đại hội tiếp tục suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch danh dự.

 

 Đại hội lần thứ III vào ngày 5/12/2005, Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội.

 

Đại hội tiếp tục suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch danh dự. Đại hội lần thứ IV vào 28/9/2010. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm tái cử giữ chức Chủ tịch Hội. Đại hội suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục là Chủ tịch danh dự của Hội Khuyến học Việt Nam.

 

 

Hồng Hạnh