Con nhỏ nghỉ dài, cha mẹ “phát điên”
(Dân trí) - Con nghỉ dài từ đợt Tết nối liền với nghỉ tránh dịch virus corona (Covid-19), nhiều phụ huynh đã phải thốt lên "Phát điên lên vì con" trong tình cảnh cầm cự từng ngày.
"Nhà cửa tiêu tàn"
Chị Trần Thị Thoa, nhân viên kế toán, ở quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết, nhà chị đang trải qua thời gian khủng hoảng chưa từng có. Giải quyết được việc vợ chồng luân phiên xin nghỉ, rồi được phép làm việc tại nhà đã là một vấn đề. Nhưng việc trông con, chăm con nguyên ngày, trong nhiều ngày liên tục mới là "khủng khiếp".
Hai đứa con chị Thoa, một học lớp 2, một lớp Chồi hơn 4 tuổi, phá banh cửa banh nhà. Chị cũng bày đồ chơi, vẽ, đọc sách... giữ chân con nhưng chẳng được yên.
Trong khi mẹ vẫn phải làm việc, hai con lèo nhèo, đòi mẹ chơi cùng, đòi không được thì chọc phá... Mẹ bực lên, mắng, phạt, đánh đòn, nhà không phút hòa bình. Chồng chị nghỉ phép trông con được hai ngày rồi đầu hàng chịu thua.
Tuần đầu tiên, cánh cửa phòng ngủ, móc treo đồ bị sập. Mới đây, con chạy nhảy thế nào màn hình máy tính mẹ bị vỡ. Chưa kể, con rủ nhau sang chọc hỏng chuông nhà hàng xóm. Trong nhà, đồ đạc không hỏng cũng gãy, lăn góc này góc nọ.
"Nhà cửa lau chùi liên tục để phòng dịch nhưng lát sau lại đâu vào đấy. Có lúc đuối quá, tôi đẩy hai con vào nhà tắm cho chúng nghịch nước vì không biết làm gì nữa", người mẹ thở dài.
Chỉ một đứa con nhưng chị Nguyễn Mai Phương, ở Tân Bình, TPHCM cũng phải thét "điên lên mất" sau nhiều tuần giữ con. Chị thu xếp làm việc tại nhà, lúc cần phải đi thì cắp con theo. Con hơn 3 tuổi, riêng chuyện ăn uống cho con ngày 4 - 5 bữa đã rất đuối.
Vô số chuyện phát sinh trong việc giữ con trong một ngày. Khổ nhất là khâu đi ngủ trưa, chị mệt rũ người, díu mắt lại thì con quậy, phá. Thom thóp chợp mắt được chút thì con trèo lên người mẹ nhảy, lúc buồn ngủ rất dễ quạu. Bực quá, chị phạt ra đứng ở hành lang, khóc inh ỏi, hai mẹ con mà ầm ĩ cả khu. Đến 3 - 4 giờ chiều, nhà bao nhiêu việc thì con gật gà gật gù, đòi mẹ ru ngủ.
"Tình mẹ con đi xuống"
Chị Nguyễn Ngọc Bích, ở quận 1, TPHCM cảm thán, những ngày nghỉ, tình mẹ con nhà chị đi xuống trầm trọng.
Chị là người theo tinh thần kỷ luật tích cực, nói không với đòn roi nhưng rồi thời gian dài trông con cũng bị khủng hoảng, không ít lần mất kiểm soát chị đã "xuống tay" với con. Con gào khóc, trách móc, nói chị là người mẹ độc ác.
Con ở nhà tránh dịch khác hẳn với những ngày cuối tuần thông thường. Mọi ngày, cuối tuần bố mẹ cũng được nghỉ, cả nhà có thể ra ngoài đi ăn sáng, cà phê, đi công viên, khu vui chơi, siêu thị, xem phim... giảm áp lực cho bố mẹ rất nhiều.
Còn lúc này, chị Bích nói: "Nghỉ dài ngày, lại phải tránh chỗ đông người nên mọi chuyện ăn ngủ nghỉ chơi chủ yếu trong nhà, bố mẹ phải xoay hết, không thả ra được. Việc chăm sóc mùa dịch phải kỹ lưỡng, kỳ công hơn, trong khi mình vẫn phải làm việc".
Chị Lê Thị Thơm, ở Bình Tân bày tỏ, xoay với con cả ngày, từ sáng đến tối những ngày qua, thật chị đã đuối sức, khủng hoảng. Nhà chị 3 đứa con nhỏ, ngoài chuyện sinh hoạt thì giải quyết việc con cãi cọ nhau cũng đã đủ mệt. Mẹ cần yên tĩnh là chúng lại kéo, giật... không cáu không được.
Có lúc mệt quá, buông, đành bật tivi cho con xem để mình nghỉ ngơi chút. Nhưng nào được yên, thằng nhỏ thì khóc nhòe vì con không muốn xem hoạt hình công chúa, con muốn xem siêu nhân. Hai chị cũng khóc, đòi xem Elsa... Lúc bình tĩnh chị còn phân giải trong hòa bình, lúc bực, chị quát luôn.
Con trẻ hiện nay, thời gian dài trong ngày học hành, ăn nghỉ ở trường học. Các gia đình trong cuộc sống hiện đại, phụ thuộc rất nhiều vào trường học, không ít ông bố bà mẹ mất khả năng quản lý, tổ chức trong việc trông giữ con.
Như chị Thơm thừa nhận, trước tình hình dịch bệnh, chị lo lắng vô cùng nhưng phần nào đó, cũng mong mọi thứ ổn định, các con đi học lại sớm chứ tình hình này, chị muốn hóa điên. Chăm con đã mệt, đây cùng lúc vừa chăm trong mùa dịch bệnh, lại phải vừa làm việc cơ quan, việc nhà... nhiều phụ huynh cũng bị quá tải, áp lực.
Tại TPHCM, Sở GD&ĐT TPHCM đang thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND TP.HCM báo cáo về tình hình phòng chống dịch virus corona. Đồng thời, xin ý kiến chỉ đạo, quyết định thời gian đi học lại của học sinh.
Hoài Nam