Câu chuyện giáo dục:

Con anh chị có bị ép học thêm không?

(Dân trí) - Lớp dạy thêm tại nhà của cô giáo phải ngưng hoạt động. Nhưng điều bất ngờ là phụ huynh lại “được” nhà trường mời gặp để làm rõ chi tiết: Có hay không việc cô giáo ép họ phải cho đi học thêm.

Mới đây, một giáo viên tiểu học ở TPHCM phải ngưng hoạt động lớp dạy thêm tại nhà mà cô tổ chức với hơn 10 học sinh tham gia. Phần lớn các em là học sinh trên lớp chính khóa của cô, sau khi học cả ngày ở trường thì phụ huynh lại chở học sinh đến nhà cô học thêm tuần hai buổi.

Sự việc bắt đầu từ đơn phản ánh gửi lên Phòng GD-ĐT về việc giáo viên của trường tổ chức lớp dạy thêm cũng như có lời “gợi ý” phụ huynh cho con theo học. Ngoài ra, cô còn bóng gió nói với phụ huynh nếu trẻ không theo học sẽ… không biết gì.

Cho dù có lệnh cấm nhưng việc dạy thêm đối với học sinh tiểu học tại TPHCM vẫn diễn ra vô cùng sôi động ở tại nhà giáo viên và tại cả trường học (Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản, Q.5, TPHCM - nơi giáo viên tổ chức dạy phụ đạo có thu tiền sau giờ học chính thức)
Cho dù có lệnh cấm nhưng việc dạy thêm đối với học sinh tiểu học tại TPHCM vẫn diễn ra vô cùng sôi động ở tại nhà giáo viên và tại cả trường học (Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản, Q.5, TPHCM - nơi giáo viên tổ chức dạy phụ đạo có thu tiền sau giờ học chính thức)

Tiếp nhận từ Phòng, nhà trường xác nhận có việc giáo viên tổ chức dạy thêm, yêu cầu cô ngưng ngay lớp học và viết bản tường trình. Lý do rõ ràng: giáo viên đã vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT và của UBND TPHCM về quản lý dạy thêm, học thêm. Do cô mới vi phạm lần đầu nên trước mắt nhà trường nhắc nhở và rút kinh nghiệm trong toàn thể hội đồng sư phạm.

Tưởng như sự việc dừng ở đó. Cho đến khi nhiều phụ huynh có con đi học thêm tại lớp giáo viên trên được Ban giám hiệu mời từng phụ huynh để hỏi chi tiết về việc có hay không giáo viên có biểu hiện ép phụ huynh phải cho con đi học thêm.

Theo tường trình của giáo viên, cô nêu lý do là do có một vài phụ huynh trong nhóm các học sinh theo học muốn cô dạy thêm nên cô mới tổ chức lớp học. Trong khi, đơn tố cáo lại cho rằng phụ huynh bị ép buộc nên có thể vì thế nhà trường muốn nắm tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu thật của phụ huynh cũng như có cơ sở để “định tội” nhà giáo.

Xem ra cách giải quyết rất minh bạch, rõ ràng, có tình có lý nhưng đã đẩy hết mọi việc về phía phụ huynh.

Hơn nữa, đứng trước câu hỏi với ngụ ý: Con anh chị có bị ép học thêm hay không từ phía đơn vị nơi giáo viên dạy thêm đang công tác chứ không phải một đơn vị độc lập nào thì ắt hẳn phụ huynh nào có thể nói thẳng.

Vì nếu dám nói thẳng họ đã không phải cho con đến lớp học thêm một cách “tự nguyện gượng ép”. Vì nếu dám nói thẳng họ đã không phải gửi đơn nhờ Phòng GD-ĐT “vào cuộc” để giáo viên phải ngưng tổ chức lớp dạy thêm sai quy định, “giải phóng” cho con họ.

Kết quả đúng như dự đoán! Sau buổi làm việc đầy đủ với các phụ huynh có con theo học, lãnh đạo nhà trường vui mừng báo tin họ đã có được thông tin, hoàn toàn không có chuyện ép buộc học sinh của trường đi học thêm tại nhà cô giáo.

Một phụ huynh chia sẻ, dụng ý tốt đâu chưa thấy, họ có cảm giác nhà trường đang muốn “truy” ai gửi đơn đi tố cáo. Đồng thời như là một sự “nhắc nhở” phụ huynh nào không vừa lòng với việc dạy thêm của nhà giáo. Động thái này của nhà trường làm phụ huynh thật sự lo lắng cho con em họ - những đứa trẻ vẫn đang trực tiếp học chính khóa trên lớp với cô giáo dạy thêm bất chấp quy định kia.

Trong khi, có ép hay không thì giáo viên cũng làm sai quy định khi tổ chức lớp dạy thêm cho học sinh tiểu học và việc phải ngưng lớp học là hiển nhiên. Việc của hiệu trưởng là cần xử lý nghiêm vi phạm của giáo viên mình, còn quan tâm quá đến “tâm tư” của phụ huynh lúc này sẽ trở nên nhạy cảm.

Cách xử lý này của Ban giám hiệu giống y như tình huống giải quyết một giáo viên đánh bầm tay học sinh tại một trường tiểu học nọ. Khi phụ huynh dẫn con với đôi bàn tay còn hằn vết thâm lên trường phản ánh, hiệu trưởng đã chọn cách giải quyết rất minh bạch. Bà cho gọi ngay giáo viên lên để “đối chất” với cô học trò.

Cô giáo mặt nghiêm, nhỏ nhẹ hỏi học trò: “Có cô hiệu trưởng, có mẹ và cô ở đây, con trả lời xem: “Cô có đánh con không?”. Tội nghiệp cho cô học trò nhỏ, em run rẩy rồi lắc đầu.

Việc tìm hiểu, ba mặt một lời trong những trường hợp này chỉ có thể cho ra kết quả dối trá. Nhưng e đó là kết quả mà nhà trường, giáo viên cần?

Giáo viên vi phạm quy định của ngành nhưng xem ra lỗi là ở phụ huynh học sinh!

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)