Chuyện đôi dép và sách giáo khoa

(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân từng kể chuyện, ở xã Thạnh Tân, huyện Phước Tân (Tiền Giang) có hai anh em Dương Tùng Giang và Dương Thị Kim Liên chỉ có một đôi dép. Anh học lớp 4 buổi sáng, em học lớp 3 buổi chiều. Sáng anh đi dép thì em đi đất ở nhà, và chiều anh ở nhà thì em được đi dép đi học.

Sau đó, Phòng Giáo dục huyện Phước Tân đã đến tận nhà hai em để tặng hai đôi dép, sách vở và có nhà hảo tâm tặng ngay 5 triệu đồng để giải quyết khó khăn trước mắt kèm theo lời cam kết sẽ nuôi cả hai em đi học cho đến hết lớp 12. 

 

Quả thật, đó thực sự là một câu chuyện cổ tích thời nay vì số trẻ em phải đi dép chung như hai anh em Giang, Liên còn nhiều lắm và hầu hết trẻ em nghèo hiện nay đều không được may mắn như Giang và Liên. 

 

Nhưng, có một điều may mắn cho ngành giáo dục khi câu chuyện “cổ tích” về đôi dép này lại do chính người đứng đầu ngành giáo dục kể lại. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT mà còn biết đến cả chuyện đôi dép thì không có lý do gì để ngành giáo dục không thấm thía chuyện đi chung dép và hoàn cảnh của những học sinh nghèo.

 

Từ chuyện đôi dép sang chuyện sách giáo khoa (SGK). Đến đôi dép người nghèo còn phải dùng chung, huống hồ là một bộ SGK trị giá cả trăm nghìn. Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân bức xúc khi bị dư luận “hiểu nhầm” SGK chỉ dùng được một lần là điều rất đáng được thông cảm. 

 

Trần tình trước kỳ họp Quốc hội gần đây nhất về vấn đề này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã giải thích rằng: “Chúng tôi xin đính chính lại một ý kiến báo chí hay đăng có nói là chúng ta có một hệ thống SGK không bình thường, học rồi năm sau phải thay, không dùng lại được, thì xin báo cáo đây là nhận định sai. Bộ Giáo dục không làm một việc như vậy. 

 

Chỉ có vừa qua chúng ta thay sách từ lớp 1 đến lớp 12 thì nếu lớp 1 thay sách mới thì sách cũ không dùng được nữa. Nhưng sang năm sau, sách lớp 1 đó vẫn dùng bình thường, đến sách lớp 2 thay xong cũng dùng bình thường. Cho nên chúng ta không hề có một hệ thống là mỗi năm thay sách một lần.

 

Phải thay vì chúng ta trong đợt thay sách. Chứ thay xong rồi thì nằm im đó chứ không có chuyện hàng năm thay một lần. Có lẽ các vị nào có con đi học thì sẽ biết là không có chuyện đó”.

 

Bắt đầu từ năm học 2002-2003, ngành giáo dục thực hiện thay sách lớp 1, lớp 6; năm 2003-2004 thay sách lớp 2, lớp 7; năm 2004-2005 thay sách lớp 3, lớp 8; năm 2005-2006 thay sách lớp 4, lớp 9; năm 2006-2007 thay sách lớp 5, lớp 10 và tiếp tục năm tiếp theo sẽ thay sách lớp 11, lớp 12. Việc thay sách đươc thực hiện bằng hình thức cuốn chiếu như vậy. Theo dự kiến, thời kỳ ổn định của SGK ít nhất là 10 năm.

 

Lý do của việc thay sách, Nhà xuất bản Giáo dục có đưa ra rằng trước tình hình khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, công nghệ dạy học cũng được thay đổi, lịch sử xã hội cũng có nhiều biến động thì việc thay đổi SGK là cần thiết, nếu không chương trình giáo dục của Việt Nam sẽ tụt hậu so với khu vực và trên thế giới. 

 

Trên thế giới, nước nào cũng thực hiện thay sách với chu kỳ từ 8 đến 10 năm, cá biệt có những nước như Pháp, Nhật tối thiểu là 5 năm họ đã thay sách và quá trình thay sách cũng kéo dài ở một số năm... 

 

Vấn đề mà người nghèo sẽ phải đối mặt và phải chấp nhận trong những năm tới là các cấp học đang chuẩn bị nằm trong chương trình thay sách thì những bộ SGK của học sinh cấp đó không thể dùng lại hai lần và điều đó được coi là “cái giá” phải trả cho việc đổi mới. 

 

Ví dụ như trong năm 2006-2007, tất cả học sinh lớp 5 không thể sử dụng lại được những bộ sách giáo khoa của năm học trước, điều đó cũng đồng nghĩa có hàng triệu học sinh nghèo không thể tự sắm cho mình một bộ SGK mới.

 

Nhưng, rõ ràng việc thay sách đã là việc không thể không làm. Song, Nhà xuất bản Giáo dục hoàn toàn có thể viết tiếp một câu chuyện “cổ tích” về sách giáo khoa như câu chuyện “cổ tích” về đôi dép mà Bộ trưởng Nhân đã từng kể. 

 

Doanh thu của Nhà xuất bản Giáo dục về tất cả các loại sách là khoảng 700 tỷ đồng/năm. Năm 2004 là 695 tỷ đồng. Năm 2005 là gần 700 tỷ đồng. Lợi nhuận từ SGK trong các năm từ 2002-2006 cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chỉ một cái phần nhỏ trích từ số lợi nhuận này cũng có thể đem niềm vui đến cho rất nhiều trẻ em nghèo...

 

Mai Minh