Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng đại học: “Không cổ súy cho mô hình này”

(Dân trí) - “Tôi không cổ súy cho việc xây dựng hay nhân rộng mô hình hiệu trưởng kiêm nhiệm nhưng tôi cũng không cho rằng khi có chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng trường ĐH là đã vô hiệu hóa hội đồng trường”.

Đó là ý kiến của chuyên gia giáo dục đại học TS Nguyễn Thị Kim Phụng về vấn đề Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng trường đại học Hạ Long đang gây xôn xao dư luận.

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Kim Phụng về vấn đề này.

Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng đại học: “Không cổ súy cho mô hình này” - 1

Chuyên gia giáo dục TS Nguyễn Thị Kim Phụng

Phóng viên: Thưa bà, việc Chủ tịch tỉnh kiêm Hiệu trưởng đại học có phạm luật không?

TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, tiêu chuẩn hiệu trưởng trưởng đại học phải "Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ tiến sĩ, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật".

Luật GDĐH không quy định rõ hiệu trưởng trường đại học phải là cán bộ cơ hữu của trường như đã quy định đối với chủ tịch hội đồng trường.

Tuy nhiên, Luật đã quy định: Hiệu trưởng trường đại học là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở GDĐH; là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học công lập… cũng là sự thể hiện  tinh thần/chủ trương không kiêm nhiệm.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, việc tréo ngoe ở đây, chủ tịch tỉnh là cấp trên của Hội đồng trường, Hiệu trưởng lại chịu sự quản lý của Hội đồng trường, mà ở trường đại học theo quy định, Hội đồng trường mới có quyền lực. Như vậy, ở đây là vô hiệu hóa Hội đồng trường. Bà nghĩ sao?

TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Đối với trường ĐH thuộc địa phương thì Chủ tịch tỉnh là người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp nhà trường. Hiệu trưởng do Hội đồng trường lựa chọn và trình cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm và Hiệu trưởng cũng là thành viên đương nhiên của Hội đồng trường.

Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. HĐT có quyền ban hành các văn bản nội bộ chủ yếu của trường (quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ cơ sở) tương tự như “cơ quan lập pháp” trong trường.

 Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trong trường đại học, chỉ Hội đồng trường mới có quyền lực.

Luật GDĐH đã quy định: Hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở GDĐH, chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở GDĐH theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Như vậy, Hiệu trưởng cũng có thẩm quyền của cơ quan quản lý hành chính - “cơ quan hành pháp” trong trường.

Tôi không cổ súy cho việc xây dựng hay nhân rộng mô hình hiệu trưởng kiêm nhiệm nhưng tôi cũng không cho rằng khi có chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng trường đại học trực thuộc tỉnh là đã vô hiệu hóa hội đồng trường.

Có vô hiệu hóa hay không phụ thuộc vào mục đích của sự kiêm nhiệm, vào xử sự của Chủ tịch tỉnh – hiệu trưởng và bản lĩnh của Hội đồng trường.

Nếu mục đích của sự kiêm nhiệm là nhằm quản lý sâu sát, nhanh chóng huy động nguồn lực của toàn tỉnh để phát triển trường ở thời điểm nhất định; không dùng quyền của Chủ tịch tỉnh để thâu tóm quyền lực trong trường và không chi phối các hoạt động của hội đồng trường, không làm ảnh hưởng tới quyền tự chủ của nhà trường và các thiết chế khác trong trường;

Nếu Hội đồng trường nhận thức đúng và sử dụng hiệu quả các thẩm quyền mà luật quy định, trong đó có cơ chế quyết định theo đa số… thì cũng không vì thế mà dễ dàng bị vô hiệu hóa.

Thực tế, trước đây đã từng có một vài trường hợp cán bộ lãnh đạo của cơ quan chủ quản (cơ quan quản lý trực tiếp) được cử kiêm nhiệm hiệu trưởng trường đại học nhưng những trường hợp này không nhiều, rất hạn hữu và hầu hết là để giải quyết tình thế trong những bối cảnh, những giai đoạn nhất định và chỉ trong một thời gian ngắn…

Trong thời gian tạm thời kiêm nhiệm đó, trường đại học sẽ có đủ điều kiện lựa chọn hiệu trưởng tốt nhất cho nhiệm kỳ tiếp theo - là cán bộ cơ hữu để chuyên tâm quản lý, điều hành hiệu quả các hoạt động của trường.

Phóng viên: Đại học là môi trường học thuật cao. Vậy, Hiệu trưởng có cần phải là nhà khoa học không thưa bà?

TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Luật quy định tiêu chuẩn để làm Hiệu trưởng là phải có uy tín khoa học, phải có bằng tiến sĩ - là nhà khoa học. Tuy nhiên, khi đã là Hiệu trưởng thì trước hết đó là nhà quản lý hay là nhà khoa học làm công tác quản lý.

Hiệu trưởng có phải tiếp tục thực hiện các hoạt động khoa học hay không phụ thuộc vào việc Hiệu trưởng có là giảng viên hay không và phụ thuộc vào yêu cầu của công việc, sự ưu tiên của hiệu trưởng ở từng thời điểm hoặc trong nhiệm kỳ.

Nếu hiệu trưởng là giảng viên thì giảng viên đại học là nhà khoa học; nếu không phải là giảng viên, nhà trường và hiệu trưởng cần ưu tiên cho các công việc quản lý thì Luật không bắt buộc Hiệu trưởng phải tiếp tục thực hiện các hoạt động của nhà khoa học.

Xin trân trọng cám ơn bà!

Hồng Hạnh (thực hiện)