Chủ nhân Nobel Vật lý và hành trình “50 năm sau khám phá bức xạ nền vũ trụ”
(Dân trí) - Sáng 17/8, Giáo sư George F. Smoot (đoạt giải Nobel Vật lý năm 2006) dự khai mạc hội thảo Vật lý quốc tế với chủ đề “50 năm sau khám phá bức xạ nền vũ trụ” do Hội Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 11 tổ chức tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Hội thảo Vật lý quốc tế lần này có sự tham gia của trên 60 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ 19 quốc gia và nhiều nhà nghiên cứu khoa học ở trong nước cùng các bạn trẻ đam mê nghiên cứu, khám phá vũ trụ học.
Giáo sư Trần Thanh Vân, người sáng lập Hội Gặp gỡ Việt Nam vui mừng chia sẻ: Hội thảo Vật lý quốc tế lần này nhằm mục đích tạo điều kiện để cho các nhà khoa học trên thế giới đến Việt Nam để chia sẻ những tiến bộ, những khám phá khoa học mới nhất cho các nhà khoa học nước nhà. Đây cũng là dịp để các em học sinh, sinh viên và những bạn trẻ đam mê khoa học không chỉ Bình Định mà cả nước có cơ hội giao lưu với các nhà khoa học trên thế giới.
Cũng trong chuỗi sự kiện lần này, sáng 18/8, tại TP Quy Nhơn, GS George F. Smoot sẽ giao lưu với các bạn trẻ đoạt giải Olympic năm nay và một số học sinh xuất sắc ở Bình Định. Chiều cùng ngày, tại Trung tâm văn hóa tỉnh Bình Định, GS đoạt giải Nobel cũng có buổi nói chuyện với công chúng yêu khoa học, học sinh, sinh viên cùng cán bộ giảng viên nghiên cứu khoa học.
Đây là lần thứ hai giáo sư George F. Smoot đến TP Quy Nhơn. Cách đây 2 năm, tháng 8/2013, giáo sư George F. Smoot cùng bốn nhà khoa học Nobel Vật lý đã đến Quy Nhơn dự chuỗi hoạt động của chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 và khai mạc hội thảo “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ”.
Giáo sư George F. Smoot (70 tuổi) là nhà thiên văn vật lý, nhà vũ trụ học người Mỹ. Hiện ông giảng dạy bộ môn vật lý tại ĐH California, Berkeley, là nhà khoa học cao cấp tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley. Ông cũng là giáo sư vật lý tại ĐH Paris Diderot, Pháp từ năm 2010.
Ông đoạt giải Nobel vật lý năm 2006 cùng với nhà vật lý John C. Mather trong lĩnh vực nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ, dẫn đến sự khám phá bức xạ nền có tính chất của vật đen và bất đẳng hướng.
Công trình nghiên cứu đoạt giải Nobel của GS George Smoot đã hỗ trợ thuyết “Vụ nổ lớn” (Big Bang) thông qua việc sử dụng vệ tinh COBE để nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ. Ngoài giải Nobel năm 2006, GS George Smoot còn được trao tặng Huân chương Einstein năm 2003 và Huân chương Oersted năm 2009.
Doãn Công
(ledoancong@dantri.com.vn)