Giáo sư đoạt giải Nobel Vật lý giao lưu với giới trẻ Bình Định

(Dân trí) - Chiều 28/7, Giáo sư Jerome Friedman (quốc tịch Mỹ, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990) đã có buổi giao lưu với học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học ở TP Quy Nhơn (Bình Định) về chuyên đề “Con đường tới Quark và xa hơn”.

1-dee78

Giáo sư Jerome Friedman giao lưu với học sinh, sinh viên tỉnh Bình Định

Buổi giao lưu xoay quanh vấn đề giải thích về cấu tạo của bên trong vật chất là gì; bên trong nguyên tử thì có hạt nhân, electron; bên trong hạt nhân thì có proton, và notron. Đặc biệt, ông đã phát hiện bên trong hạt proton và notron có những hạt là Quark. Việc phát hiện hạt Quark đã giúp ông đạt giải thưởng Nobel Vật lý năm 1990.

Không khí buổi giao lưu thật sự sôi động với phần giao lưu đặt câu hỏi của các bạn học sinh, sinh viên cho Giáo sư Friedman. Rất nhiều câu hỏi rất thú vị được đặt ra cho giáo sư như: Việc phát hiện ra hạt Quark có ứng dụng gì trong cuộc sống hay việc tìm ra hạt Quark có làm đảo lộn lý thuyết vật lý đã có từ trước đây không? Sự tương tác của các hạt Quark, vì sao lại gọi là hạt Quark…

5-88377

Người già cũng đến nghe GS. Friedman nói chuyện về khoa học.

Trả lời câu hỏi về ứng dụng của việc phát hiện ra hạt Quark, GS. Friedman cho rằng: Nghiên cứu khoa học không nhất thiết phải đặt vấn đề ứng dụng của nó sẽ như thế nào. Nhưng chúng ta có thể tin rằng trong tương lai, những nghiên cứu đó sẽ có ứng dụng rất lớn đối với cuộc sống chúng ta. Cũng như lần đầu tiên các nhà khoa học tìm ra thuyết Maxwell thì không nhất thiết là ứng dụng của nó sẽ như thế nào. Tuy nhiên, đến giờ chúng ta có điện, có máy tính… là nhờ vào thuyết này.

Tại buổi trò chuyện, GS. Jerome Friedman chia sẻ: Tôi không có điều kiện tiếp xúc với các bạn sinh viên Việt Nam nhưng qua buổi giao lưu hôm nay, tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam có những câu hỏi rất hay, các bạn rất đam mê nghiên cứu khoa học. Tôi cũng được biết có nhiều sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài và họ rất giỏi không thua kém sinh viên của các nước trên thế giới”.

Phần giao lưu kết thúc, đông đảo bạn trẻ, học sinh, sinh viên ùa lên sân khấu để chụp hình lưu niệm, xin chữ ký GS. Jerome Friedman.

8-4e66c
Nhiều câu hỏi thú vị được đặt ra cho GS. Friedman trả lời

Tại buổi giao lưu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, ông Nguyễn Thanh Tùng, đã tặng hoa lưu niệm cho GS. Jerome Friedman và vợ chồng GS. Trần Thanh Vân - người sáng lập ra Hội Gặp gỡ Việt Nam.

Giáo sư Jerome Friedman (85 tuổi, quốc tịch Mỹ) hiện đang công tác tại Đại học Chicago. Năm 1990, Giáo sư Jerome Friedman đoạt Giải Nobel Vật lý về hạt Quark. Trước đó 1 năm, ông được trao Giải Panofsky - giải thưởng hàng năm dành cho các nhà khoa học trên khắp thế giới có những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực Vật lý hạt.

Đây là lần thứ ba Giáo sư Jerome Friedman đến Việt Nam và là lần đầu tiên ông về với Bình Định để tham dự Hội nghị Khoa học Vật lý quốc tế. Ông là Giáo sư đoạt Giải Nobel thứ 7 đến Bình Định tham dự chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” theo lời mời của GS Trần Thanh Vân.

6-73fb7
GS. Friedman cho rằng bạn trẻ Việt Nam rất đam mê khoa học

Trước đó, ngày 27/7, Giáo sư Jerome Friedman đã tham dự khai mạc Hội nghị khoa học Vật lý quốc tế với chủ đề “Các va chạm ion nặng trong kỷ nguyên LHC (máy va chạm năng lượng cao) và xa hơn” lần thứ 2, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành.

7-a344b

Một em nhỏ đặt câu hỏi tới GS. Friedman.