Chát đắng dạy thêm - học thêm

(Dân trí) - Dạy thêm - học thêm được nhiều giáo viên “nâng đỡ” với lý do tự nguyện, có cầu có cung. Nhưng trên thực tế không ít tình huống hình ảnh người thầy méo mó vì dạy thêm - học thêm.

Trong một tọa đàm về giáo dục, TS. Nguyễn Khánh Trung kể về chuyện chính người thân của ông gặp phải. Cô giáo của cháu gái ông gọi cho mẹ cháu “mắng vốn” rằng cháu học còn yếu, không theo kịp bạn bè, yêu cầu gia đình nên tìm phương án, nhờ người kèm cặp để cháu được tiến bộ. Và sau đó là việc cô giới thiệu… mình dạy thêm, sẽ hỗ trợ cháu.

Ông Trung biết chuyện vô cùng bức xúc. Việc giúp học sinh tiến bộ trong học tập, nắm được bài vở cũng là trách nhiệm của thầy cô nhưng nhiều người “khước từ” và mặc nhiên cho rằng phải học thêm.

Nhiều trẻ nhỏ rũ rượi vì học thiếu thời gian nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Nhiều trẻ nhỏ rũ rượi vì học thiếu thời gian nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Tại tọa đàm này, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ họ không muốn con đi học thêm, học trước chương trình… nhưng thực tế có nhiều trường hợp, giáo viên “gợi ý” một cách công khai. Điều này làm phụ huynh rất khó xử, bối rối. Có người biết rằng cho con đi học thêm là việc không cần thiết, là không tốt cho con nhưng đành đi học vì áp lực từ giáo viên. Theo TS. Nguyễn Khánh Trung, trong những trường hợp này, chính phụ huynh phải mạnh dạn lên tiếng để bảo vệ con mình, vì nếu ai cũng im lặng chấp nhận thì cái sai sẽ tồn tại.

Trong khi ngành Giáo dục đưa ra nhiều quy định để cấm dạy thêm tiêu cực thì thực tế việc “phát hiện” được giáo viên tiêu cực không phải là chuyện dễ. Hiệu trưởng một trường THPT ở TPHCM cho biết, một khi người thầy đã không có tâm, đã có ý ép học sinh học thêm thì… học sinh rất khó tránh, còn phía quản lý cũng khó biết “tiêu cực” hay không.

“Họ vẫn dạy đủ chương trình, không cắt xén, khi kiểm tra không có vấn đề gì hết nhưng thật ra… một số thầy cô có cách dạy đủ nhưng học sinh không hiểu. Muốn hiểu bài, muốn làm được bài phải đến lớp học thêm”, bà cho hay.

Nhắc đến việc dạy thêm - học thêm, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM lại thở dài đầy tâm tư. Ông kể, trước đây, với học trò yếu kém, giáo viên sẽ tổ chức phụ đạo ngoài giờ không thu một đồng bạc nào hết. Giáo viên chủ nhiệm lớp thấy em này yếu môn này, em khác yếu môn kia sẽ gặp các giáo viên bộ môn để trao đổi, phụ đạo cho các em.

Trong khi, hồi đó giáo viên đi lại rất khó khăn, đi xe đò hoặc đi xe đạp. Đi xe đò, đi vé tháng để tiết kiệm thì vào những giờ cao điểm, xe ưu tiên khách mua vé trực tiếp, giáo viên không đón được xe. Rồi không có phòng trống, nhiều thầy cô tổ chức phụ đạo cho học sinh vào chủ nhật lẽ ra họ được nghỉ, hoặc học ở phòng thư viện… Phải thừa nhận, điều kiện đi lại, ăn ở lúc đó của thầy cô khó khăn vô cùng nhưng người thầy vẫn cố gắng mọi cách chăm lo cho học sinh.

Theo thầy Ngai, mối quan hệ thầy trò giờ đây ít nhiều thay đổi do tác động của việc dạy thêm - học thêm tiêu cực. Dù đây là nhu cầu có thật của người học lẫn người dạy nhưng lại làm "đau đầu" các cấp quản lý, phải đưa ra rất nhiều quy định về dạy thêm - học thêm vì hoạt động này có những biểu hiện tiêu cực.


Dạy thêm - học thêm là việc chỉ quản được phần cứng, còn lại tùy thuộc rất nhiều vào nhân cách của nhà giáo.

Dạy thêm - học thêm là việc chỉ "quản" được phần "cứng", còn lại tùy thuộc rất nhiều vào nhân cách của nhà giáo.

“Có giáo viên gợi ý khéo léo, có người lộ liễu. Tiêu cực từ người thầy tạo nên tâm trạng lo lắng cho học sinh, phụ huynh. Trong khi phụ huynh mong muốn, con mình đi học thêm nhưng học vì nhu cầu chứ không phải là gợi ý của giáo viên”, ông Ngai nói và nhấn mạnh, khi người thầy đã đối phó, có chiêu “ép” học sinh thì… khó ai “bắt” được. Như thầy ra bài ở lớp là những phần thầy dạy thêm, hỏi bài những em không đi học thêm ở vào những nội dung… học thêm.

Nhưng đã là tiêu cực thì luôn mất nhiều hơn được. Theo thầy Ngai, đây là vấn đề là đạo đức của người thầy, họ chỉ nhìn cái trước mắt mà không nhìn xa việc làm của mình ảnh hưởng đến mình, đến học sinh như thế nào. Ông Ngai tâm tư: “Thầy cô dạy thêm theo nhu cầu và thầy cô nào “bày trò”, các em học sinh biết hết. Họ đã tự tay hạ thấp con người và nghề nghiệp của mình”.

Phải nói, TPHCM là nơi ra văn bản, quy định để quản lý hoạt động dạy thêm nhiều nhất trong cả nước cùng với rất nhiều biện pháp xử lý. Vậy nhưng, như lời một đại biểu giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố, có thể quản lý về mặt giấy tờ, điểm số, bài vở… nhưng làm sao “quản” được thái độ của giáo viên với học sinh. Thái độ của người thầy là sự kỳ thị, phân biệt ảnh hưởng lớn nhất đến học sinh.

Bên cạnh việc phụ huynh dám lên tiếng, nói không với dạy học thêm tiêu cực thì các vấn đề nhức nhối của dạy thêm - học thêm phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức, nhân cách của nhà giáo.

Hoài Nam