Bộ GD&ĐT: “Sẽ xử lý nghiêm nếu nhà trường để xảy ra lạm thu”

(Dân trí) - Đầu năm học luôn “nóng” với câu chuyện lạm thu trong nhà trường. Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đơn vị này đã có quy định về thu/chi. Tuy nhiên, nếu đơn vị nào không nghiêm túc thực hiện, sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Là một ngôi trường ở vùng quê nhưng Trường Tiểu học Yên Phong (Thanh Hóa) có đến ngót 30 khoản thu (đối với học sinh bán trú). Trong đó bao gồm cả những khoản thu theo quy định, những khoản không được phép thu và thu xã hội hóa. Tổng cho 30 khoản ấy, phụ huynh phải đóng đến gần 8 triệu (bao gồm cả tiền ăn) cho con.

Ngoài những khoản thu theo quy định, hàng loạt các khoản thu được giáo viên viết lên bảng như: lệ phí tuyển sinh lớp 1: 50.000đ; học bạ+ phong bì: 20.000đ; thẻ HS: 25.000đ; vở ô ly theo quy định (tùy theo từng khối mà nhà trường bắt lấy 6 cuốn hay 10 cuốn), giá cho 1 cuốn là 7.000đ; giấy thi: 70.000đ/HS; trông trẻ ngoài giờ: 935.000đ; bàn ghế HS (đối với HS lớp 1): 180.000đ; Qũy hội cha mẹ HS: 150.000đ; sách vở nhà trường: 101.000đ; đồng phục mùa đông: 170.000đ; đồng phục mùa hè 170.000đ; ghế sân trường; sách Tiếng Anh, Câu lạc bộ... 

Bộ GDĐT: “Sẽ xử lý nghiêm nếu nhà trường để xảy ra lạm thu” - 1

30 khoản thu của "trường làng" Tiểu học Yên Phong (Thanh Hóa) khiến dư luận bức xúc. (Ảnh:  M. Thùy). 

Đáng lưu ý, ngay cả khoản thu đã có quy định trong Công văn của Sở GD&ĐT không được thu nhưng trường này vẫn “đè cổ” phụ huynh thu tiền bảo vệ trường với mức: 40.000đ/hs; tiền sửa điện, máy tính: 40.000đ/HS….

Hay như câu chuyện nhiều phụ huynh phản ánh ở Trường tiểu học Dĩ An, thị xã Dĩ An, Bình Dương, trường này cũng có hàng loạt khoản “tiền trường” từ "chính" đến "phụ".

Theo đó, có những khoản như sinh hoạt phí (35.000 đồng/tháng/HS), cấp dưỡng phục vụ (60.000 đồng/tháng/HS), phí giữ trưa (90.000 đồng/tháng/HS), tiền học buổi sáng 130.000 đồng, điện nước (60.000 đồng/tháng/HS)

Ngoài ra, có một số khoản như: tiền giấy bao, phù hiệu, sổ liên lạc, phí thuê phòng... 

Nhiều phụ huynh thắc mắc, họ đã phải đóng tiền ăn, lại phải đóng thêm tiền gas, tiền giấy, tiền cấp dưỡng... liệu có chồng chéo hay không?

Bộ GDĐT: “Sẽ xử lý nghiêm nếu nhà trường để xảy ra lạm thu” - 2

Hàng loạt khoản “tiền trường” từ "chính" đến "phụ" ở Trường tiểu học Dĩ An, thị xã Dĩ An, Bình Dương. (Ảnh: H. Nam). 

Về vấn đề này, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm học 2019-2020, Bộ GD&ĐT đã có 2 công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, các địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo điều hành giá và các khoản thu trong các cơ sở giáo dục; đồng thời chỉ đạo kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh kịp thời việc thu chi trái quy định trong trường học; có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm.

Ông Khanh khẳng định, khi xảy ra sai phạm, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu ngành Giáo dục và hiệu trưởng các trường.

Do vậy, trách nhiệm công tác thanh kiểm tra và phát hiện tình hình phải do địa phương chịu trách nhiệm.

Bộ GDĐT: “Sẽ xử lý nghiêm nếu nhà trường để xảy ra lạm thu” - 3

Phụ huynh phản ánh các khoản thu đầu năm gần 8 triệu đồng ở "trường làng" Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội).  (Ảnh: Mỹ Hà). 

Trao đổi thêm với PV Dân trí, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD&ĐT) cho biết, vấn đề lạm thu trong nhà trường, Bộ GD&ĐT có văn bản quy định rõ khoản gì được thu và không được thu.

Trong đó, có một số các khoản quy định không được thu liên quan đến cơ sở vật chất nhưng nhiều trường vẫn vi phạm.

Nguyên nhân một phần do một số phụ huynh lo ngại học sinh nóng bức, thiếu thốn nên bàn bạc hùn nhau góp quỹ mua sắm thêm các vật dụng cho con.

Về phía nhà trường, một số đơn vị không nghiêm túc thực hiện quy định của Bộ GD&ĐT, muốn trường mình đạt chuẩn, thu hút học sinh bằng cách huy động cha mẹ bổ sung thêm vật dụng đắt tiền, gây bức xúc dư luận.

Do đó, Bộ quy định rõ, nhà trường nào không nghiêm túc thực hiện sẽ bị xử lý. Và thực tế đã có một số cơ sở giáo dục bị xử lý kỷ luật về việc thực hiện thu một số khoản thu không có trong quy định như tại trường Tiểu học Nam Dinh - Bố Trạch (Quảng Bình); trường Tiểu học Sơn Đồng - huyện Hoài Đức (Hà Nội); trường THCS Minh Tân - huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng)...

Trường hợp phụ huynh học sinh muốn tặng, biếu nhà trường, cũng phải theo quy định. Bộ GD&ĐT khuyến khích xã hội hóa nhưng phải đúng quy định.

Đại diện cha mẹ học sinh không được thu 7 khoản sau:

1. Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường.

2. Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh.

3. Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường.

4. Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

5. Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

6. Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục.

7. Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ, quà biếu, tặng tại các cơ sở giáo dục được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Mỹ Hà