Bắc Ninh: Lập đoàn kiểm tra xác minh nghi vấn tiêu cực tuyển dụng GV

(Dân trí) - Tỉnh uỷ Bắc Ninh đã yêu cầu Uỷ ban kiểm tra, Ban Nội chính của tỉnh xác minh làm rõ những vấn đề “nghi vấn” mà báo <i>Dân trí</i> đã nêu. UBND huyện Yên Phong, Sở Nội vụ cũng đã có những phản hồi về những nghi vấn này.

UBND huyện Yên Phong khẳng định tuyển dụng nghiêm túc

Theo Ông Nguyễn Duy Phúc - Chánh văn phòng UBND huyện Yên Phong thì việc thành lập thành viên kiểm sát, giám sát là đúng quy định. Tại khoản 3, điều 23 Quy chế thi tuyển, xét tuyển viên chức (Ban hành theo Thông tư số 16/2012/TT-BNV ngày 28/12/2012 của Bộ Nội vụ): Tiêu chuẩn thành viên Ban sát kiểm tra, sát hạch: Người được cử làm thành viên Ban kiểm tra, sát hạch phải là công chức từ ngạch chuyên viên chính trở lên, viên chức ở chức danh nghề nghiệp hạng II trở lên, nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên có trình độ chuyên môn trên đại học; Không cử thành viên Ban kiểm tra, sát hạch đối với những người là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người dự thi, những người là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của bên vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng của người dự xét tuyển và những người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật.

Căn cứ vào các quy định trên, UBND huyện đã thành lập Ban kiểm tra, sát hạch gồm 6 người có đủ điều kiện nêu trên, trong đó có một người là chuyên viên chính, 5 người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ (trong đó 3 người tốt nghiệp ĐH Chính quy ngành sư phạm, đến nay có 2 người thạc sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục, 1 người là tiến sĩ chuyên ngành lý luận và phương pháp dạy học môn sinh học) và 2 thạc sĩ chuyên ngành khác. 6 thành viên Ban kiểm tra, sát hạch được chia làm 3 bàn phỏng vấn và mỗi bàn đều có một người có chuyên môn về giáo dục.

Theo lý giải của UBND huyện Yên Phong thì kế hoạch có thể hiện nhưng trong
Theo lý giải của UBND huyện Yên Phong thì kế hoạch có thể hiện nhưng trong bảng chỉ tiêu không thể hiện tường minh (ảnh chụp thông báo kế hoạch tuyển dụng).

Nội dung phỏng vấn vừa có phần kiến thức pháp luật về viên chức, về ngành giáo dục, vừa có kiến thức về chuyên môn theo từng vị trí việc làm. Đề phỏng vấn do một đơn vị độc lập ra đề, có đáp án và thang điểm cụ thể, có số đề dư so với số thí sinh theo đúng quy định, nên đảm bảo đánh giá đúng năng lực của người dự thi.

Mặt khác, trong Nghị định 29/2012/NĐ-CP và Thông tư 16/2012/TT-BNV ngày 28/12/2012 của Bộ Nội vụ, cũng không có điều nào quy định người phỏng vấn, kiểm tra, sát hạch phải có trình độ chuyên môn đúng của người dự thi.

Liên quan đến việc tốt nghiệp chuyên ngành khác vẫn được trúng tuyển vào viên chức Thiết bị, Thí nghiệm, ông Phúc giải thích: Trong kế hoạch về xét tuyển viên chức ngành GD-ĐT năm 2013 chúng tôi đã có quy định khá rõ ràng. Cụ thể, đối với viên chức Thiết bị, Thí nghiệm thì ưu tiên tuyển dụng đối tượng đào tạo đúng chuyên môn, sau đó nếu còn chỉ tiêu thì xem xét các đối tuợng được đào tạo các bậc học ngành sư phạm tương ứng và có chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác Thiết bị ở trường phổ thông.

Do số lượng dự tuyển đúng chuyên môn ở ngành này ít nên mở rộng thêm đối tượng như theo quy định ở trên. Thực tế thì mã viên chức này có 11 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển đuợc có 7.

Trước câu hỏi, với việc nhiều người thuộc con cháu, người nhà lãnh đạo huyện có điểm thi phỏng vấn cao, trong đó có những người mới tốt nghiệp ĐH thì có phải là dấu hiệu bất thường hay không?

“Quá trình phỏng vấn được diễn ra minh bạch, công khai dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng. Việc cho điểm người dự thi được dựa trên kết quả trả lời của thí sinh theo câu hỏi được bố thăm ngẫu nhiên, đối chiếu theo thang điểm đáp án. Nên không có cơ sở khẳng định việc ưu tiên điểm phỏng vấn cho con cháu, người nhà lãnh đạo huyện” - ông Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phúc, điểm phỏng vấn, Ban kiểm tra, sát hạch cho điểm độc lập. Kết quả trúng tuyển không chỉ căn cứ vào điểm phỏng vấn mà phải căn cứ vào điểm học tập, điểm tốt nghiệp của người dự tuyển. Trong thời gian diễn ra phỏng vấn, cán bộ ban kiểm tra, sát hạch bị cách ly hoàn toàn và có sự giám sát của ban giám sát Sở Nội vụ (do chủ tịch UBND tỉnh thành lập), cán bộ phòng PA83 Công an tỉnh, cán bộ công an huyện tham gia giám sát, bảo vệ 24/24.

Ban giám sát không thấy dấu hiệu bất thường

Trao đổi với PV Dân trí xung quanh về những hiện tượng “nghi vấn” trong việc tuyển dụng giáo viên ở huyện Yên Phong, ông Nguyễn Trọng Bình - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Công Trình - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh) đều khẳng định không có dấu hiệu bất thường trong quá trình giám sát (Theo quyết định của chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh thì ông Nguyễn Trọng Bình là trưởng ban giám sát, ông Nguyễn Công Trình là thành viên Ban giám sát).

Ông Nguyễn Công Trình thẳng thắn cho biết: Sau khi hết hạn nộp hồ sơ tuyển dụng ở huyển Yên Phong thì Sở Nội vụ đã cử thành viên Ban giám sát xuống kiểm tra để đưa ra quyết định hồ sơ đủ điều kiện, hay không đủ điều kiện tham gia dự tuyển. Hội đồng cũng đã họp bàn và cân nhắc với những mã tuyển dụng mà Dân trí đề cập tới.

Ông Nguyễn Công Trình - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh)
Ông Nguyễn Công Trình - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh).
Đối với mã viên chức Thiết bị, Thí nghiệm thì khi kiểm tra hồ sơ chỉ có 7 người tham gia, trong đó chỉ có 2 người có bằng đúng chuyên môn. Bên cạnh đó, trong kế hoạch đã có quy định rõ ràng nên Hội đồng không thể loại hồ sơ được. Ở đây có lỗi là trên bảng liệt kê chỉ tiêu không thể hiện hết được bảng kế hoạch tuyển dụng.

Về việc tuyển thẳng ứng viên tốt nghiệp ĐH loại Giỏi ngành Công nghệ Sinh học vào làm giáo viên Sinh học thì Hội đồng khi họp cũng đã trao đổi rất kỹ trước khi quyết định chấp nhận hồ sơ.

“Theo quy định thì có thể tuyển dụng những người tốt nghiệp ngoài Sư phạm nhưng có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và cũng yêu cầu tốt nghiệp chuyên ngành phù hợp với vị trí tuyển dụng. Việc nói Công nghệ sinh học có phù hợp với việc dạy Sinh học hay không thì cũng rất là khó. Chính vì thế Hội đồng xét duyệt quyết định không loại hồ sơ” - ông Trình nói.
 
Cũng theo ông Trình, việc thay đổi kế hoạch yêu cầu nộp bảng điểm trong ngày đi thi phỏng vấn thì Yên Phong không có văn bản xin ý kiến Sở Nội vụ. Khi biết được kế hoạch thu bảng điểm trước thì Sở Nội vụ đã yêu cầu Yên Phong bố trí bộ phận thu bảng điểm với khu vực thi phỏng vấn là tách biết hẳn ra. Yêu cầu thu bảng điểm của từng bàn thi của từng phòng thi, từng buổi thi sau đó niêm phong. Khu vực thu bảng điểm cách vị trí phỏng vấn từ 15-20m. Nếu để lọt thông tin điểm học tập là không có.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Trọng Bình
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Trọng Bình.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Trọng Bình chia sẻ thêm: Trong quá trình thực hiện phỏng vấn chúng tôi yêu cầu phải hoán đổi bàn phỏng vấn ở từng buổi thi. Kết quả phỏng vấn được ở mỗi buổi thi đều được niêm phong dưới sự giám sát của các đơn vị liên quan. Sau này, khi mở kết quả phỏng vấn để vào máy tính thì Ban giám sát, lực lượng công an cũng có mặt. Giám sát từ việc đọc điểm cho đến khi nhập vào máy.

“Quá trình giám sát chúng tôi khẳng định là không có dấu hiệu bất thường và được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy định” - ông Bình khẳng định.

Nguyễn Hùng