Xôn xao thông tin trường học 105 tuổi đề nghị đốn hạ 12 cây cổ thụ

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Trường THPT Marie Curie (TPHCM) - ngôi trường nổi tiếng với bề dày lịch sử và văn hóa - đề nghị kiểm tra 12 cây sọ khỉ cổ thụ, có cây đã đến hơn 100 tuổi.

Xôn xao thông tin trường học 105 tuổi đề nghị đốn hạ 12 cây cổ thụ - 1

Trường THPT Marie Curie được hệ thống cây xanh cổ thụ bao phủ (Ảnh: Hoàng Giám).

Nhà trường đang đề nghị xem xét

Dư luận đang xôn xao trước thông tin Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) vừa đề nghị đốn hạ 12 cây sọ khỉ cổ thụ trong khuôn viên trường.

Tại TPHCM, ngôi trường trung học mang tên Marie Curie - người từng hai lần đạt giải Nobel Vật lý và Hóa học - nổi tiếng không chỉ bởi là một trong những ngôi trường lâu đời nhất thành phố mà còn vì vẻ đẹp cổ kính và hàng chục cây cổ thụ phủ bóng mát trong khuôn viên.

Trường THPT Marie Curie (thành lập năm 1918) là ngôi trường lớn, nổi tiếng với bề dày lịch sử và văn hóa. Năm 2015, trường được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa và Danh lam thắng cảnh của TPHCM.

Trường được bao phủ bởi hệ thống cây xanh. Chỉ tính riêng cổ thụ cũng đã vài chục cây, trong đó nhiều cây từ 100 năm tuổi trở lên.

Chính vì thế, thông tin Trường THPT Marie Curie đề nghị đốn hạ 12 cây cổ thụ khiến nhiều người tiếc nuối, lo lắng bởi cây xanh trở thành một phần quan trọng tạo nên nét đẹp của ngôi trường này.

Ngày 25/4, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Vân Yên - Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie - cho biết, nhà trường cũng rất bất ngờ trước thông tin này. Ông cho hay, mới đây, nhà trường chỉ có văn bản đề nghị khảo sát xem tình trạng sức khỏe cây như thế nào. 

"Nhà trường mới đề nghị khảo sát chứ chưa đề xuất đốn hạ", ông Yên khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Quế Vân - Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất - cũng thông tin nhà trường đang nhờ Sở Xây dựng cho bộ phận chuyên môn hỗ trợ kiểm tra cây cối trong trường. 

"Nhà trường chỉ có thể kiểm tra bằng mắt thường nên không biết được tình trạng thực sự của cây. Cây trồng đã hơn 100 năm nên phải kiểm tra kỹ càng chứ không phải muốn đốn hạ là được", bà Vân chia sẻ.

Xôn xao thông tin trường học 105 tuổi đề nghị đốn hạ 12 cây cổ thụ - 2

Hệ thống cây xanh bao phủ trong và xung quanh ngôi trường 105 tuổi (Ảnh: Hoàng Giám).

Theo thiết kế, trường có kiến trúc vòm nên từ lâu, việc chăm sóc, kiểm tra, khảo sát hệ thống cây xanh... mất rất nhiều công sức, thời gian và tốn kém. Đặc biệt là các cây có độ cao trên 40m thì càng vất vả hơn.

Được biết, cách đây khoảng 5 năm, từng có trường hợp một cây lớn đổ ngang xuống sân trường. May mắn, sự việc xảy ra lúc 2h sáng nên không có trường hợp đáng tiếc xảy ra. Khi kiểm tra, nhà trường thấy dù bên ngoài cây xanh tốt nhưng trong thân đã mục rỗng.

Sở Xây dựng đề nghị cân nhắc

Trong văn bản số 5698 ngày 21/4 được Sở Xây dựng TPHCM gửi tới các sở ngành và Trường THPT Marie Curie cho biết đơn vị này nhận được văn bản số 72 ngày 10/4 của trường đề nghị đốn hạ 12 cây sọ khỉ cổ thụ do rễ các cây có hiện tượng bị mục, có nguy cơ ngã đổ.

Về vấn đề này, Sở Xây dựng cho rằng hiện chưa nhận được cơ sở đánh giá tình trạng từng cây và hình ảnh kèm theo, do đó, đề nghị Trường THPT Marie Curie khẩn trương liên hệ Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật và đơn vị chuyên ngành duy tu cây xanh có năng lực và kinh nghiệm để được hỗ trợ, tham vấn, cân nhắc lựa chọn giải pháp xử lý phù hợp cho từng cây (đốn hạ, chọn chủng loại cây trồng thay thế; chăm sóc, cắt tỉa để tiếp tục duy trì cây,...).

Sau khi kiểm tra kỹ, trường hợp cây có thể gây nguy hiểm, cần phải đốn hạ ngay, Trường THPT Marie Curie căn cứ vào Nghị định số 64/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị để thực hiện, xử lý các trường hợp cần chặt hạ cây ngay do tình thế khẩn cấp, do thiên tai hoặc cây đã chết, đã bị đổ gãy có thể gây nguy hiểm đến người và tài sản (trường hợp miễn giấy phép).

Xôn xao thông tin trường học 105 tuổi đề nghị đốn hạ 12 cây cổ thụ - 3

Sân trường THPT Marie Curie có nhiều cây cổ thụ (Ảnh: Hoàng Giám).

Đối với các trường hợp cây cần đốn hạ khác, Sở Xây dựng giao Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật hướng dẫn Trường THPT Marie Curie thực hiện thủ tục đốn hạ cây xanh theo đúng quy định. 

UBND quận 3 sẽ xem xét cấp giấy phép đốn hạ, di dời cây xanh trong khuôn viên trụ sở của các tổ chức và cá nhân theo địa bàn quản lý.

Về giải pháp đảm bảo an toàn cây xanh trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng đề nghị Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật khẩn trương tăng cường thực hiện kiểm tra, rà soát toàn diện về tình hình sinh trưởng, phát triển và khả năng đảm bảo an toàn của cây xanh (rễ, thân, cảnh, tán lá).

Từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp đối với những trường hợp cây xanh có nguy cơ gãy, đổ gây mất an toàn.

Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật cũng cần phối hợp UBND các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức, Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chi tiết về trồng, chăm sóc và cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân.

Đối với những cây xanh có kích thước lớn, cây cổ thụ nằm trong khuôn viên trụ sở, thuộc trách nhiệm quản lý của các cơ quan, đơn vị, Sở Xây dựng đề nghị các địa phương yêu cầu từng đơn vị thường xuyên kiểm tra, chăm sóc định kỳ. Đồng thời, có trách nhiệm thực hiện kịp thời các biện pháp xử lý cây xanh phù hợp để đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, thiệt hại về người và tài sản, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến.

Năm 2020, một cây phượng ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3) bật gốc khiến 1 học sinh tử vong, nhiều em bị thương.

Mới đây, sáng 3/4, một cây điệp trong khuôn viên Trường THCS Trần Văn Ơn (đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM) bất ngờ bật gốc, ngã ra đường khiến 7 người bị thương phải nhập viện cấp cứu, nhiều tài sản bị hư hại.

Ngày 15/4, Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản yêu cầu các trường học thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống cây xanh trong trường học.

Ngày 23/4, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) vừa phối hợp Công ty Công ích quận 1 đốn hạ 3 cây phượng có tuổi đời từ 10 đến trên 60 năm trong khuôn viên trường.

Kết quả đốn hạ gây bất ngờ khi phát hiện bên trong thân cây mục rỗng nghiêm trọng, trong khi bên ngoài cây vẫn xanh tốt, ra hoa.