Xin hãy cởi trói cho người thầy thoát khỏi áp lực của chỉ tiêu, thi đua…

Nguyễn Thanh

(Dân trí) - Chỉ tiêu chất lượng như "cái khuôn" ép người thầy phải bằng mọi cách đạt chỉ tiêu, nếu không muốn bị "điểm danh"!

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Bộ GD-ĐT đã đề nghị phải "học thật, thi thật, nhân tài thật" cách đây chưa lâu. Thiết nghĩ lời đề nghị của Thủ tướng cũng là khát khao và ước mơ lớn lao mà xã hội đặt kỳ vọng vào ngành giáo.

Xin hãy cởi trói cho người thầy thoát khỏi áp lực của chỉ tiêu, thi đua… - 1

Vẫn còn tình trạng người thầy phải gồng mình đi thi giáo viên giỏi, phải "diễn" một bài dạy hoàn hảo trước mặt học sinh và ban giám khảo (Ảnh: minh họa).

Muốn có "nhân tài thật" - những con người vừa hồng vừa chuyên, đủ tài đủ đức cống hiến cho quê hương đất nước thì trước hết phải neo đậu chắc chắn hai khâu quan trọng của vòng tròn khép kín: "học thật" và "thi thật".

Bao giờ dạy học và đánh giá đúng thực chất? - Câu hỏi đầy trăn trở ấy đã hiện diện từ lâu, nay lại càng nhức nhối hơn khi một vài gam màu xấu xí thỉnh thoảng tô vẽ nguệch ngoạc lên bức tranh giáo dục.

Đó là tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" ở nơi này nơi kia cứ râm ran và truyền tai nhau suốt rồi khi truyền thông vào cuộc mới phát hiện trẻ lớp 6 vẫn đọc không thông, viết không thạo. Nhiều phụ huynh từng bộc bạch rằng biết năng lực của con cái còn hạn chế nên xin lưu ban nhưng không được chấp thuận. Trẻ vẫn lên lớp đều đều, thầy cô dạy mướt mồ hôi mà phụ huynh cứ lo thon thót.

Đó là tình trạng người thầy phải gồng mình đi thi giáo viên giỏi, phải "diễn" một bài dạy hoàn hảo trước mặt học sinh và ban giám khảo. Để rồi bi hài thay khi học sinh thắc mắc cực kỳ ngây thơ rằng "Sao cô/ thầy không giống như hằng ngày?".

Rồi khi gặp trở ngại về máy móc hoặc thiếu hụt sự tương tác của học sinh, giáo viên đã từng bật khóc bởi không đem được thành tích về để đánh giá và thi đua.  

Đó là tình trạng mỗi mùa thi về, học sinh ê a học thuộc lòng đề cương dài dằng dặc với chi chít chữ được giáo viên soạn sẵn, đánh máy rõ ràng với từng gạch đầu dòng. Bởi "thương trò" và "lo rớt chỉ tiêu" nên giáo viên nhúng tay vào tất tần tật mọi công đoạn của đề cương, trò chỉ việc học và học để làm bài đúng đáp án, đạt điểm cao và ghi thành tích.

Đó là tình trạng khoe giấy khen rần rần trên mạng xã hội mỗi mùa "thu hoạch" cuối năm. Chưa bao giờ mà tỉ lệ học sinh giỏi lại tăng đột biến như thời gian qua. Những tấm bằng khen danh dự được phát ào ào nên phôi pha ít nhiều giá trị. Những học bạ "đẹp như mơ" xuất hiện nhan nhản để nhà nhà đăng ký vào các trường tốp đầu. Những giải thưởng liên quan học sinh giỏi văn hóa, giỏi năng khiếu, giỏi về phong trào… cứ thế mà nhân lên về số lượng.

Những mảnh ghép chưa hoàn hảo ấy cứ âm thầm mà dữ dội tồn tại khiến nỗ lực của ngành giáo và thành tích thực chất của giáo dục cứ bị nghi vấn, phủ nhận khiến cõi lòng người thầy chân chính cứ nhoi nhói niềm đau.

Ngành giáo dục đang khởi động những bước đầu tiên trong công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản. Chương trình giáo dục phổ thông mới lấy học sinh làm trung tâm, tập trung phát triển năng lực và phẩm chất người học. Tiếc thay, những biểu hiện của căn bệnh "sính thành tích" đang khiến quá trình dạy học và đánh giá ở nhiều nơi rơi vào lối mòn: thành tích ảo!

Căn bệnh "sính thành tích" ấy là lỗi của ngành giáo ư? Khẳng định như thế e rằng có phần thiệt thòi cho nhà trường, bởi ngay trong chính mỗi gia đình, mầm mống của bệnh chuộng thành tích đã và đang đâm chồi mọc rễ trong tư tưởng của không ít bố mẹ muốn con phải giỏi toàn diện, phải đạt điểm tối đa, phải thi trường chuyên lớp chọn…

Song song với kỳ vọng không giới hạn từ gia đình là căn bệnh thành tích trong nhà trường mà dư luận đã lên tiếng khá nhiều, luận bàn khá nhiều, "kê đơn thuốc" khá nhiều vẫn chẳng thể dứt bệnh!

Nhà giáo nơi nơi vẫn đang bị chi phối bởi áp lực thành tích từ cấp trên. Nhà giáo nơi nơi vẫn đang đau đầu tìm cách đạt chỉ tiêu chất lượng đã đăng ký đầu năm, mà bao giờ cũng vậy, chỉ tiêu giáo viên đăng ký không được thấp hơn mặt bằng chung của ngành. Chỉ tiêu chất lượng như "cái khuôn" ép người thầy phải bằng mọi cách đạt chỉ tiêu, nếu không muốn bị "điểm danh"! 

Quả thật, giáo dục nước nhà đang tiến từng bước đầy khó khăn, trở ngại trên con đường đổi mới toàn diện. Và bao giờ mà chất lượng giáo dục còn chưa thực chất, thành tích ảo còn ngự trị thì giấc mơ về "nhân tài thật" hẳn còn xa vời.

Xin hãy cởi trói cho người thầy thoát khỏi áp lực của chỉ tiêu, thi đua… Và mong lắm thay, trong mỗi gia đình, phụ huynh cũng cần thay đổi tư duy về thành tích, bằng cấp để chấp nhận năng lực thật sự của mỗi đứa trẻ!