Vụ giáo viên "body shaming" học sinh: Cách bạo lực học đường nguy hiểm!

Phương Thảo

(Dân trí) - Chế giễu ngoại hình (body shaming) được xem là một trong những hình thức bạo lực học đường nguy hiểm, có thể gây ra hệ lụy khôn lường.

Body shaming hay còn được gọi là miệt thị cơ thể, đây là hình thức dùng ngôn ngữ để chê bai hay chế giễu ngoại hình người khác, việc này khiến nạn nhân cảm thấy tổn thương vì bị xúc phạm.

Những lời nói sâu cay

Những năm gần đây, hình thức "bạo lực học đường" bằng lời nói, đánh vào tâm lý này càng trở nên phổ biến. Không chỉ có học sinh nói xấu, chê bai nhau mà có cả trường hợp chính giáo viên cũng là những người tham gia vào cuộc trò chuyện đầy châm biếm ấy.

Gần đây, trên mạng xã hội xôn xao về vụ việc 1 nữ sinh trung học bị giáo viên cũ chê xấu, body shaming cơ thể với hàng loạt từ ngữ phản cảm như: "béo như ***", "như khúc giò", "ngực như bát ô tô"...

Đáng nói là cô giáo này lại là người trực tiếp dạy môn Văn của nữ sinh suốt 3 năm cấp 2. Người tham gia group nói xấu lại là những bạn học cũ - học cùng lớp với nữ sinh này.

Bên cạnh chê bai ngoại hình, nữ giáo viên còn hùa với học sinh nói xấu hoàn cảnh gia đình, nhờ người chụp lén để cùng bình phẩm ngoại hình của em học sinh này.

Vụ giáo viên body shaming học sinh: Cách bạo lực học đường nguy hiểm! - 1
Đôi khi những lời nói tưởng chừng như vô hại lại khiến người khác thấy tuyệt vọng. (Ảnh minh họa)

Trước sự việc này, chị Hoàng Thị Dung (Vĩnh Phúc) bày tỏ: "Cũng có con đang là học sinh cấp 2, tôi cảm thấy vô cùng phẫn nộ với vụ việc này. Đặc biệt là khi có sự tham gia của chính giáo viên đã từng giảng dạy em. Điều đó cho thấy đạo đức của một bộ phận giáo viên đang đi xuống rất nhiều".

Tương tự, anh Hoàng Minh (Nam Định) nói rằng: "Thật buồn khi con tôi cũng là một nạn nhân của body shaming ở trường học. Vậy nên, tôi cảm thấy rất thông cảm cho cháu bé trong câu chuyện này. Có đôi khi những lời nói, lời bình phẩm tưởng như vô tư cũng làm tổn thương rất nhiều người. Điều này cũng chính là một hình thức của bạo lực học đường".

Nói về sự việc trên, cô Phạm Thúy Quỳnh (giáo viên Trường mầm non quốc tế Sakura Montessori ) cho biết: "Cũng là một giáo viên, tôi nghĩ rằng việc một nhà giáo mà có hành động, suy nghĩ như vậy là không đúng, thiếu sự tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, đặc biệt là học sinh ở trong trường hợp này. Điều đó không đúng với phẩm chất, đạo đức của một người giáo viên, gây ra sự thiếu tôn trọng của học sinh đối với thầy cô. Sự việc không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các em học sinh mà còn ảnh hưởng đến chính hình ảnh của những nhà giáo như chúng tôi".

"Bình thường, khi bị ai đó bị chê bai, nói xấu chúng ta đã không hề cảm thấy không vui vẻ hay thích thú rồi. Đằng này, nạn nhân lại là các em học sinh - những người còn quá trẻ, tâm hồn còn quá mỏng manh, thử hỏi xem khi bị "tấn công" như vậy làm sao các em chịu nổi được", cô Hoàng Tình, giáo viên một trường cấp 2 cho hay.

Một lời nói đôi khi có thể "giết chết một tâm hồn"

Từng là nạn nhân của body shaming bởi chính các bạn học cùng lớp, em T.T.L, học sinh lớp 9 một trường THCS ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: "Hồi lớp 6 em được chuyển vào một lớp khác hoàn toàn xa lạ. Trong khi các bạn thân quen với nhau, chỉ có mình em lạc lõng. Lúc ấy em nặng 70kg, các bạn bảo em béo như "con lợn", không một ai trong lớp nói chuyện với em cả. Em luôn là tâm điểm để mọi người trêu đùa.

Em bị như vậy trong suốt hơn một năm. Em không nói cho ai biết, kể cả bố mẹ. Em đã rất buồn. Việc đến trường học với em như 1 cực hình vậy. Một thời gian dài phải gặm nhấm những lời nói sâu cay ấy khiến em đã dần thu mình lại đến mức gần như trầm cảm và chỉ muốn chết quách cho rồi".

Trong chúng ta, có lẽ cũng đã từng là thủ phạm của nạn body shaming mà chúng ta không hề ý thức được. Chỉ những câu nói tưởng chừng như vui đùa: "Ăn gì mà béo thế? Trông có khác gì con lợn không?", "Mặt gãy như cái lưỡi liềm!", "Ngực như cái bát ô tô" ", " Thằng này ẻo lả như con gái"... lại có thể ảnh hưởng đến một tâm hồn thậm chí là tính mạng của người khác.

Em N.T.N, học sinh lớp 11 một trường THPT ở Hải Phòng tâm sự: "Body shaming là một chuyện thường xuyên xảy ra, nhất là ở trường học. Thực ra em cũng đã từng là một "thủ phạm" nói xấu, chê bai cơ thể của người khác. Đó là hồi cấp 2, khi vẫn còn là học sinh THCS, em đã hùa cùng cả lớp nói xấu một bạn. Lúc đầu thấy vui, thấy cả lớp đoàn kết hơn khi cùng làm một việc. Em không biết đó là xấu cho đến khi biết được bạn đó đã mắc chứng bệnh trầm cảm. Đến giờ nghĩ lại em cảm thấy rất hối hận vì hành động của mình".

Chúng ta nhiều khi vẫn đang nhầm lẫn giữa đùa vui và miệt thị. Đùa vui không gây cảm giác khó chịu, chỉ giới hạn trong những người thân quen. Còn vượt ra khỏi ranh giới đó, khi lời nói của mình gây khó chịu, xúc phạm đến người khác thì đó chính là body shaming.

Chia sẻ với PV Dân Trí, một giáo viên cho biết: "Trong từng ấy năm làm nghề, tôi cũng đã chứng kiến vài vụ việc về body shaming ở học đường. Hậu quả để lại sau những sự việc ấy cũng khá nhiều và đau lòng.

Tôi còn nhớ, một em học sinh ở trường tôi sau khi bị bè bạn nói xấu, chê bai về ngoại hình em đã rất tự ti, đến trường toàn xa lánh các bạn, không dám tiếp xúc với ai, thu mình lại. Rồi đến một hôm gia đình phát hiện thấy em tự rạch tay mình như một cách để giải tỏa những căng thẳng khi bị quá nhiều lời đàm tiếu về ngoại hình, rất may là em đã không sao. Thế mới thấy những lời nói có "sức nặng" vô cùng, và đôi khi cũng có thể giết chết một tâm hồn ai đó".

Vụ giáo viên body shaming học sinh: Cách bạo lực học đường nguy hiểm! - 2

Đằng sau những lời nói miệt thị ấy, rất nhiều hậu quả đau lòng đã xảy ra khi các nạn nhân bị xúc phạm, chê bai ngoại hình. (Ảnh minh họa)

Đằng sau những lời nói miệt thị ấy, rất nhiều hậu quả đau lòng đã xảy ra khi các nạn nhân bị xúc phạm, chê bai ngoại hình. Họ phải luôn tự ti, che dấu những khuyết điểm, hay thu hẹp bản thân, cách xa với mọi thứ xung quanh, nhẹ thì buồn chán, còn nặng thì rối loạn tâm lý, thậm chí là dẫn đến tuyệt vọng rồi tự tử.

Cần có những quy định để chấm dứt tình trạng này

Ngày nay, với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, mạng xã hội lại trở thành một "nơi lý tưởng" cho những kẻ thích tấn công người khác, mà công cụ cụ thể là ngôn từ.

Đó chính là một phương tiện khiến cho nạn "Body shaming'" càng lan rộng và khó kiểm soát. Học sinh lại là những đối tượng tham gia và hoạt động trên mạng xã hội nhiều, vì vậy cũng trở thành số đông trong những nạn nhân của body shaming.

Phụ huynh Hoàng Minh nói: "Khi không giải quyết một cách công bằng với nhà trường cũng như gia đình của thủ phạm, tôi sẽ báo với cấp trên hoặc cơ quan công an để có thể làm rõ sự việc. Vì việc bạo lực bằng lời nói ở nhiều trường hợp cũng có thể định tội phỉ báng, có lời nói cử chỉ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".

"Mặc dù cảm thấy rất đáng tiếc vì những trường hợp xảy ra, nhưng sự thật là vẫn chưa hề có những quy định cụ thể về việc xử lý những đối tượng có hành vi không nhân văn này. Nếu tôi có con là nạn nhân, chắc chắn tôi sẽ phải làm việc với nhà trường thật kỹ để tìm ra cách có thể trừng phạt một cách xứng đáng với hành vi đã làm của thủ phạm", chị Hoàng Thị Dung cho hay.

Để vấn nạn này không còn là một điều nhức nhối trong trường học nữa thì cần sự vào cuộc cũng như chung tay của rất nhiều người.

Về phía nạn nhân, để đẩy lùi nạn "Body shaming", cách tốt nhất là hãy lên tiếng. Các em học sinh cần lên tiếng khi bản thân bị miệt thị ngoại hình; lên tiếng khi nhìn thấy người khác bị đùa cợt, bởi vì khi các em im lặng, chính là vô tình tạo cơ hội cho những kẻ bắt nạt làm tổn thương các em nhiều hơn.

Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường với sự chung tay của các giáo viên cần nâng cao nhận thức của học sinh về body shaming; lên án các hành vi xúc phạm dưới mọi hình thức; đồng thời cần quan tâm, gần gũi học sinh để hạn chế ảnh hưởng của vấn nạn này. Nhà trường cần có những quy định và nội quy cụ thể để giáo dục và xử lý thật nghiêm những hành động có tính chất body shaming. Có như thế nạn bắt nạt học đường này mới có thể chấm dứt.

"Môi trường học đường là một môi trường khác biệt với tất cả những môi trường khác. Trường học không chỉ là nơi cung cấp cho người học những tri thức mới, hiện đại mà còn phải là môi trường văn hóa, nơi dạy cho các em những bài học về lối sống và đạo đức. Vậy nên các em học sinh hãy hành xử văn minh cho đúng với lứa tuổi của mình. Đặc biệt là các thầy cô giáo, hãy thể hiện làm sao cho đúng chuẩn là một người giáo viên, để các em còn nhìn theo học tập", cô Hoàng Tình chia sẻ.

Và cuối cùng, điều cốt yếu nhất là hãy giúp các em có "kháng thể" trước nạn body shaming - chính là bồi dưỡng cho các em sự tự tin về bản thân, yêu thương bản thân nhiều hơn. Các em hãy biết trân trọng chính mình. Bởi vì mỗi chúng ta là một cá thể duy nhất, khác biệt, không bắt buộc phải giống với ai khác.