Vụ 12 giáo viên mất việc kiện Phòng Giáo dục huyện: Tòa bác kháng cáo

Trung Thi

(Dân trí) - Cho rằng bị buộc thôi việc trái pháp luật, 12 giáo viên ở huyện Tây Hòa (Phú Yên) đã gửi đơn kiện Phòng Giáo dục huyện.

12 giáo viên được bồi thường hơn 840 triệu đồng

Chiều 15/9, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên án phúc thẩm vụ án "Tranh chấp về chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt HĐLĐ" giữa 12 giáo viên (GV) huyện Tây Hòa với Phòng GD-ĐT huyện này.

Tại phiên tòa, 12 GV yêu cầu: "Hủy bỏ Thông báo thôi HĐLĐ đối với các nguyên đơn ngày 15/8/2017; Nhận các nguyên đơn vào giảng dạy và chuyển sang ký HĐLĐ không xác định thời hạn theo quy định khoản 2 Điều 22 BLLĐ; Bồi thường các khoản phí tổn thất tinh thần do bị cho thôi việc trái luật".

Qua phần tranh luận của người đại diện hợp pháp cho nguyên đơn, bị đơn và ý kiến của VKSND tỉnh Phú Yên, căn cứ các quy định của pháp luật, TAND tỉnh Phú Yên đã bác kháng cáo của 12 GV, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Vụ 12 giáo viên mất việc kiện Phòng Giáo dục huyện: Tòa bác kháng cáo - 1

Các giáo viên trong vụ kiện tại phiên tòa phúc thẩm (Ảnh: Trung Thi).

Cụ thể, tòa phúc thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của 12 GV; buộc bị đơn Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa phải trả cho các GV khoản tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày các nguyên đơn không được làm việc từ ngày 5/9/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm (19/4/2019) là 20 tháng; cộng với 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ.

Đồng thời, bồi thường cho các nguyên đơn khoản tiền tương ứng với tiền lương của các nguyên đơn trong những ngày không báo thôi việc là 25 ngày.

Tổng số tiền 12 GV được bồi thường là hơn 840 triệu đồng. Trong đó 4 GV có hệ số lương 2,10 được nhận hơn 65 triệu đồng/GV, 8 GV hệ số lương 2,34 được nhận hơn 72 triệu đồng/GV.

Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn yêu cầu hủy bỏ Thông báo thôi HĐLĐ đối với các nguyên đơn.

Không chấp nhận yêu cầu nhận các nguyên đơn vào giảng dạy và chuyển sang ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường tiền tổn thất tinh thần của các GV.

Giáo viên cần việc làm

Vụ án trên xuất phát từ việc ngày 9/8/2017, Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa ra thông báo, gửi 51 GV tại huyện Tây Hòa về việc chấm dứt HĐLĐ vì lý do thừa GV.

Hầu hết các 51 GV này làm việc từ năm 2011 đến nay, với 4 lần ký HĐLĐ ngắn hạn và trong số đó có người đang mang thai và nuôi con nhỏ.

Cho rằng việc chấm dứt HĐLĐ của phòng GD là trái quy định, 12 giáo viên đã quyết định đưa đơn kiện nhờ pháp luật phân xử.

Tại phiên tòa phúc thẩm, tất cả các GV đều có nguyện vọng sẽ được nhận lại làm việc. Ngoài ra, đại diện luật sư của 12 GV yêu cầu bị đơn là phòng GD-ĐT huyện phải bồi thường khoản tiền từ 290 đến 320 triệu đồng (tùy hệ số lương) do mất việc từ ngày 5/9/2017 đến phiên xét xử phúc thẩm.

Cựu giáo viên Lê Thị Thu - giảng dạy môn Công nghệ trình bày trước tòa: "Tôi thật sự cần việc. Khi nhận được thông tin cho tôi nghỉ việc, bản thân đã trình bày với nhiều cấp rằng chuyển tôi qua làm công việc văn thư, tạp vụ gì cũng được. Sau đó, tôi có thể học bổ sung bằng cấp để nếu sau này tuyển dụng tôi tự thi tuyển lại nhưng vẫn không được chấp nhận".

Cựu giáo viên Trần Thị Hiền trình bày: "Bản thân đang nuôi con nhỏ, nhưng vẫn bị buộc cho thôi HĐLĐ, liệu như vậy có đúng luật?".

Đối đáp lại trình bày của các GV, đại diện phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa cho rằng đơn vị không thể tham mưu lên huyện được khi vị trí việc làm không còn hoặc các GV không có bằng cấp đúng vị trí việc làm. Khi bố trí không đúng thì không thể chi trả tiền lương.

Đối với chị Hiền, do không còn vị trí việc làm nên buộc phải thôi HĐLĐ, từ đó xác định không trái luật.

Bà D. cũng khẳng định, giai đoạn năm 2017, do số học sinh giảm nên các lớp học giảm, đồng thời UBND tỉnh Phú Yên có văn bản yêu cầu cắt giảm 100 GV biên chế, nên muốn cắt giảm 100 biên chế này phải tính đến chuyện cắt GV hợp đồng trước.

"Đến nay, cả 51 GV đã bị cho thôi việc, không người nào được tuyển dụng lại" - đại diện Phòng GD-ĐT huyện nói.

Cũng theo đại diện Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa, vào năm 2019, Bộ Nội vụ có công văn hướng dẫn "Tuyển dụng đặc cách các giáo viên", nhưng cả 12 người trên đều không đủ điều kiện để tuyển dụng đặc cách.

"Cả 12 người đều thôi HĐLĐ vào năm 2017, còn Bộ yêu cầu chỉ tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đang còn HĐLĐ theo vị trí việc làm. Ngoài ra các vị trí việc làm của 12 GV trên không còn nên không thể tuyển dụng" - đại diện Phòng GD-ĐT huyện đưa ra dẫn chứng.

Phía đại diện VKSND tỉnh Phú Yên cho rằng bản án sơ thẩm đã xem xét khách quan, thấu tình đạt lý nên đề nghị tuyên y án sơ thẩm.

Sau khi nghị án, TAND tỉnh Phú Yên đã bác kháng cáo của 12 giáo viên, tuyên y án sơ thẩm.