Vị Tiến sĩ nhắn nhủ tân SV "tránh xa cạm bẫy, chọn bạn mà chơi"

Hoài Nam

(Dân trí) - Thành phố nhiều cơ hội nhưng cũng lắm cạm bẫy, tân sinh viên cần "chọn bạn mà chơi" là lời khuyên của Tiến sĩ Trần Đình Lý gửi đến tân sinh viên.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM, đại học là một môi trường rất đặc thù đối với thế hệ trẻ. Khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học, các bạn bắt đầu làm quen với cuộc sống xa gia đình, từng bước tự chủ và chịu trách nhiệm.

Vị Tiến sĩ nhắn nhủ tân SV tránh xa cạm bẫy, chọn bạn mà chơi - 1

Sinh viên tại TPHCM kể về vướng vào bẫy đa cấp biến tướng (Ảnh: Hoài Nam).

Các bạn tự chủ về thời gian, về kế hoạch học tập và hoạch định tương lai; tự chủ về tài chính, ít nhất là phải tự cân đối chi tiêu từ khoản tiền gia đình cung cấp; tự chủ về học tập và phát triển.

Bằng sự trải nghiệm của bản thân và qua việc chứng kiến nhiều câu chuyện không hay, ông Lý nhắn nhủ đến các bạn tân sinh viên đang đứng trước thay đổi lớn về môi trường sống 10 điều cần lưu ý. 

1. Lưu ý khi thuê phòng trọ vì thành phố với rất nhiều cơ hội nhưng cũng lắm cạm bẫy. Một lời khuyên chân thành là các bạn nên chọn các nhà trọ an toàn, gần trường học, vệ sinh sạch sẽ và đặc biệt là môi trường cần lành mạnh, bao gồm cả các phòng trọ kế bên. Nếu cần thiết hãy nhờ sự hỗ trợ từ các anh chị đi trước hoặc thông qua Câu lạc bộ, Đoàn, Hội.

2. Xác định rõ tâm thế học tập: Các bạn là sinh viên và việc quan trọng nhất của các bạn khi lên thành phố là học tập. Hãy luôn nhớ điều này. 

Khi các bạn xác định việc học là quan trọng nhất thì mọi vấn đề khác xung quanh sẽ nhằm phục vụ, hỗ trợ tốt nhất cho việc học.

3. Tránh xa các cạm bẫy: Sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên ở các địa phương mới lên thành phố lần đầu rất dễ bị dụ dỗ bởi các cạm bẫy mà các bạn không lường được, không hình dung nổi. Có thể có một số bạn đã được nghe nói về các cạm bẫy đó nhưng rồi vẫn vướng vì không ngờ tới. 

Các bạn hãy tránh xa các hoạt động không rõ ràng, không có tổ chức của nhà trường bảo lãnh và giới thiệu. Tuyệt đối tránh xa đa cấp, tham gia các tôn giáo, tổ chức không rõ ràng và chưa được cấp phép.

4. Tận dụng tối đa sự hỗ trợ của nhà trường, của Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên cũng như các anh chị đi trước. 

Tân sinh viên đừng ngại ngần tiếp xúc với phòng ban chức năng, giảng viên và các tổ chức trong nhà trường. Ngay khi gặp khó khăn hoặc có vấn đề cần giải quyết hãy lập tức liên hệ với các phòng ban chức năng, giảng viên để được hướng dẫn, giúp đỡ, cả trong cuộc sống và học tập.

5. Từng bước tự lập: Là sinh viên, các bạn phải tự quyết định về kế hoạch học tập, sinh hoạt của bản thân, nhất là trong bối cảnh các trường chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Các bạn phải tự lập và tự xây dựng kế hoạch học tập và sinh hoạt một các phù hợp.

6. Tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm và các buổi ngoại khóa của nhà trường để nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ khi làm việc nhóm, một kỹ năng quan trọng sau khi ra trường và đi làm.

7. Tăng cường học tập các kỹ năng mềm: Để thành công, ngoài kiến thức nhà trường trang bị cho các bạn, sinh viên cần tăng cường các kỹ năng mềm khác và thời gian sinh viên là thời gian quan trọng nhất để các bạn trau dồi kỹ năng mềm như ngoại ngữ, tin học, giao tiếp…

8. Rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu: Môi trường đại học hoàn toàn khác xa so với môi trường ở bậc THPT, các bạn phải rèn luyện cho mình tính tự học, tự nghiên cứu liên tục và có hiệu quả.

9. Tìm kiếm công việc làm thêm, đầu tư theo khả năng. Không ai cấm sinh viên làm thêm hoặc đầu tư trong khả năng của mình. 

Vị Tiến sĩ nhắn nhủ tân SV tránh xa cạm bẫy, chọn bạn mà chơi - 2

Tiến sĩ Trần Đình Lý (Ảnh: CTV).

Việc chính của các bạn là học tập và nghiên cứu khoa học nhưng nếu sắp xếp được thời gian, các bạn nên tìm việc làm thêm phù hợp hoặc tự đầu tư vào lĩnh vực phù hợp để vừa tăng thêm thu nhập, vừa tích lũy kinh nghiệm và đặc biệt là …làm quen với khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, đừng để quá đà vào làm thêm mà sao nhãng việc học.

10. Cuối cùng, điều rất quan trọng là "chọn bạn mà chơi". Đây giai đoạn quan trọng, sinh viên tiếp xúc với bạn bè đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau.

Các bạn cần có một tình bạn trong sáng, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng thành công. Những người bạn tốt sẽ không chỉ giúp bạn thành công trong thời gian học tập, còn có thể hỗ trợ nhau trong cả thời gian công tác sau khi ra trường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm