Vì sao không tìm được chủ nhân của giải thưởng Tạ Quang Bửu 2021?

Lệ Thu

(Dân trí) - "Tôi khẳng định việc không có công trình nào được trao giải không phản ánh hết thực tế phát triển của khoa học công nghệ nước nhà", GS Ngô Việt Trung - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu nói.

Giải thưởng không tìm được chủ nhân

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là Giải thưởng thường niên của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có vai trò chính trong các công trình khoa học xuất sắc, được thực hiện tại Việt Nam, công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Giải thưởng được triển khai từ năm 2013, trong 7 năm vừa qua đã tiếp nhận hơn 360 hồ sơ đăng ký tham dự, trao tặng 16 Giải thưởng chính và 4 Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ.

Thông tin giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021 không tìm được ai đạt giải gây thắc mắc cho những người quan tâm. Vốn là Giải thưởng thường niên được trao cho các nhà khoa học Việt Nam có công trình xuất sắc vào dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Tuy nhiên, năm nay giải thưởng không tìm được chủ nhân.

Ảnh chụp Màn hình 2021-05-26 lúc 10.31.18.png

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh tặng hoa, trao bằng chứng nhận Giải thưởng cho 3 nhà khoa học nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020. 

Theo thông tin từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, ban tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021 đã tiếp nhận 41 hồ sơ đăng ký từ các tổ chức Khoa học và Công nghệ và các nhà khoa học trên khắp cả nước. Các hồ sơ tiếp nhận được phân bố ở cả 8 ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, trong đó Vật lý và Khoa học Nông nghiệp có nhiều hồ sơ nhất (9 hồ sơ/ngành).

Các hội đồng khoa học của từng ngành sẽ gửi xin phản biện cho từng hồ sơ và thảo luận bỏ phiếu đề cử những hồ sơ xuất sắc lên Hội đồng giải thưởng. Năm nay, chỉ có 2 hội đồng Khoa học Trái đất và Môi trường, Sinh học Nông nghiệp trong 7 hội đồng ngành đề cử ứng viên của mình lên khâu xét chọn cuối cùng. Mỗi hồ sơ này sẽ được gửi tiếp cho 3 chuyên gia quốc tế cùng lĩnh vực nghiên cứu đánh giá.

Ngày 29/4/2021, Hội đồng Giải thưởng năm 2021 đã họp đánh giá xét chọn các hồ sơ được đề cử chuyên ngành. Tuy nhiên, sau hơn 4 tiếng xem xét ý kiến của các hội đồng chuyên ngành và các phản biện quốc tế, Hội đồng Giải thưởng quyết định không đề xuất tặng giải cho các hồ sơ đề cử. Ngày 13/5/2021, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt đề xuất này.

Ép trao sẽ ảnh hưởng uy tín của giải

Trao đổi với PV Dân trí, GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cho biết: "Điều này có thể đã gây ra dư âm không thật sự tốt lắm nếu như mọi người chưa hiểu rõ tình hình của năm nay".

"Ở Hội đồng khoa học ngành Toán cũng có hai hồ sơ đề cử mà tôi cho là đủ chất lượng. Tuy nhiên, đến lúc bỏ phiếu thì cả hai hồ sơ này đều không đạt được 2/3 số phiếu để đề cử lên Hội đồng Giải thưởng. Tuy nhiên, tôi khẳng định việc không có công trình nào được trao giải không phản ánh hết thực tế phát triển của khoa học công nghệ nước nhà", GS Trung nhấn mạnh.

Theo đánh giá của GS Ngô Việt Trung, chất lượng công bố quốc tế của khoa học cơ bản hiện nay thì số lượng các bài báo trong các tạp chí hàng đầu đã tăng lên rõ rệt và chất lượng tốt hơn rất nhiều so với thời điểm có giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Thế nhưng, mỗi năm số lượng và chất lượng của hồ sơ đề nghị trao tặng Giải thưởng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như việc tự ứng cử của các nhà khoa học hay sự đề cử của các tổ chức nghiên cứu và đào tạo.

Các nhà khoa học rất ngại tự ứng cử cho giải thưởng, trong lúc nhiều cơ quan không quan tâm đến việc đề cử các công trình xuất sắc. Ngoài ra, việc chỉ trao giải cho một cá nhân hay cho một công trình cũng hạn chế các đề cử vì các thành tựu khoa học thường được khẳng định qua một cụm công trình và thông qua sự hợp tác của nhiều nhà khoa học.

GS Ngô Việt Trung cho rằng, việc giải thưởng không tìm được người để trao cũng là chuyện bình thường trên bình diện quốc tế. Hội đồng giải thưởng đã làm việc rất nghiêm túc, không vì việc phải có giải mà tìm cách trao bằng được, sẽ ảnh hưởng tới uy tín của giải thưởng.

Chẳng hạn, giải thưởng quốc gia cao nhất về khoa học và công nghệ của Trung Quốc (có giá trị khoảng 750.000 USD) được trao lần đầu năm 2000 đã hai lần không có giải thưởng. Đặc biệt năm 2015, không trao giải nhưng Trung Quốc có nhà khoa học được giải Nobel về Y học ngay trước khi xét giải quốc gia.

Lý giải chuyện này, Hội đồng giải thưởng của Trung Quốc nói rằng các đề cử của năm đó không đủ sức thuyết phục.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm