Tránh "sính" giải thưởng, cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia nên thay đổi
(Dân trí) - Nhiều ý kiến nhà giáo cho rằng, nên thay đổi cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia để rà soát lại độ trung thực, tính thực tiễn của các dự án đạt giải, gây nhiều nghi ngại trong dư luận thời gian qua.
Nhiều dự án mang tầm "vĩ mô"
Trong thời gian qua, có không ít luồng ý kiến trái chiều từ dư luận về kết quả cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia. Các ý kiến đều liên quan đến độ "khủng" của các dự án/đề tài "vượt tầm" so với học sinh trung học.
Trao đổi với PV Dân trí, một thầy giáo trường THPT, nhiều năm theo dõi cuộc thi KHKT cấp quốc gia cho rằng, bản chất của cuộc thi rất ý nghĩa vì muốn tìm ra người giỏi để phát hiện và bồi dưỡng tài năng cho đất nước.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế trước nghi ngại của nhiều người về độ khách quan của kỳ thi, tính thực tiễn của các đề tài đạt giải.
Những năm gần đây, đa số học sinh tham dự cuộc thi này đều là gia đình có điều kiện. Các em được công nhận giải KHKT cấp quốc gia cũng tương đương với kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, nhiều trường lấy đó làm căn cứ để xét tuyển thẳng vào ĐH.
Theo vị giáo viên này, những đề tài/dự án được tôn vinh trong cuộc thi KHKT cấp quốc gia đa phần đều không được áp dụng vào thực tiễn, hoặc sản xuất đại trà trên thị trường.
Tầm tư duy khoa học ở tuổi học trò, các em chưa thể làm được những công trình nghiên cứu mang tầm "vĩ mô" mà ngay cả các nhà khoa học chưa nghĩ tới.
Để làm ra một loại máy móc nào đó, cần có kiến thức toàn diện về khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh).
"Khi học trò không thể làm được thì thầy sẽ làm, học trò chỉ đứng tên. Nếu không làm được, gia đình học sinh có thể bỏ tiền ra thuê người hoặc mua ý tưởng, máy móc trang thiết bị về để hoàn thành dự án. Điều nguy hiểm nhất là tạo ra sự gian dối. Cuộc thi trở nên thiếu trung thực và không còn sòng phẳng", thầy giáo này nhấn mạnh.
Cũng theo thầy giáo này, để có một công trình/đề tài KHKT được trao giải phải đầu tư không ít kinh phí. Nhưng sau khi được công nhận, các đề tài này thường không được áp dụng trong thực tiễn, phục vụ con người mà lại bị "bỏ xó", gây lãng phí.
Số tiền đầu tư cho dự án KHKT có thể còn nhiều hơn số tiền được thưởng, nhưng tại sao nhiều người vẫn muốn làm việc này? Vị thầy giáo này cho rằng, đa phần học sinh tham gia cuộc thi KHKT đều ở các trường phổ thông khối không chuyên. Với các trường chuyên, số lượng học sinh tham gia cuộc thi này thấp hơn nhiều vì các em tập trung thi học sinh giỏi quốc gia/quốc tế là chủ yếu.
Vị giáo viên này cũng nêu quan điểm, chỉ nên tiếp tục tổ chức cuộc thi nếu đảm bảo tính trung thực và sòng phẳng.
Bộc lộ nhiều bất ổn
Đồng tình với những ý kiến trên, TS Chu Văn Biên - giảng viên trường ĐH Hồng Đức cho biết, nếu vì mục đích tìm kiếm và phát triển tài năng cho những em có năng khiếu về KHKT cho đất nước là rất tốt và nên duy trì. Tuy nhiên, hiện nay cuộc thi này đã bộc lộ nhiều điều bất ổn.
Có không ít gia đình thí sinh cùng với nhà trường vì "sính" giải KHKT quốc gia đã "đầu tư" không ít tiền của để có thể mời các chuyên gia tới từ các viện nghiên cứu, trường đại học tham gia vào nhóm nghiên cứu để hướng dẫn cho con mong đạt giải.
Nếu học sinh chỉ cần có tên trong nhóm thực hiện dự án đạt giải KHKT quốc gia, các em nghiễm nhiên được tuyển thẳng vào ĐH theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài mà thí sinh đạt giải.
TS Biên cho rằng, điều này có thể nảy sinh hiện tượng, có những em không hề có kỹ năng, đam mê về nghiên cứu nhưng vẫn có tên trong nhóm đạt giải KHKT quốc gia mục đích chỉ để "hưởng sái" và được ưu tiên xét tuyển vào ĐH.
Do đó, TS Chu Văn Biên khuyến nghị, Bộ GD&ĐT nên xem xét lại cuộc thi để nghiên cứu lại khả năng ứng dụng của các dự án đã từng đạt giải trước đó. Không chỉ gây lãng phí thời gian, tiền của mà còn kéo theo hệ lụy học sinh quen với sự gian dối, đối phó.
"Một cuộc thi mà học sinh làm thì ít, chủ yếu do người lớn "làm hộ" thì tốt nhất nên dừng lại. Nếu muốn duy trì, ban tổ chức phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo khách quan, tránh "bệnh thành tích".
Nếu học sinh tham gia làm dự án ở giai đoạn nào, ban tổ chức cần có minh chứng cụ thể. Không thể cứ bố mẹ, thầy cô làm hộ học sinh, đến lúc trao giải lại vinh danh chỉ một mình các em đó sẽ tạo ra sự thiếu trung thực, gian dối", TS Chu Văn Biên nêu quan điểm.
Sẽ trình Bộ GD&ĐT xem xét bỏ ưu tiên cộng điểm
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi dự án dự thi có một giáo viên trung học (đang công tác tại cơ sở giáo dục trung học có học sinh dự thi) bảo trợ, do thủ trưởng cơ sở giáo dục trung học có học sinh dự thi ra quyết định cử.
Một giáo viên được bảo trợ tối đa 2 dự án KHKT của học sinh trong cùng thời gian. Người bảo trợ chịu trách nhiệm về mặt pháp lý của dự án dự thi. Người bảo trợ có thể đồng thời là người hướng dẫn khoa học.
Ngoài người bảo trợ, dự án dự thi có thể có thêm người hướng dẫn khoa học là các nhà khoa học chuyên ngành thuộc các trường ĐH, viện nghiên cứu, cơ sở khoa học công nghệ (có thể là cha, mẹ, người thân của học sinh).
Chính vì quy định trên của Bộ GD&ĐT, dư luận càng có quyền nghi ngại về tính trung thực của kỳ thi khi "mang tiếng" là sân chơi dành cho học sinh trung học, nhưng thực chất không phải như vậy.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho hay, mỗi dự án được đánh giá thông qua 2 vòng chặt chẽ.
Đánh giá thông qua hồ sơ dự án dự thi, thông qua poster và phỏng vấn đối với các tiêu chí về tính sáng tạo, trình bày. Mỗi giám khảo tiến hành chấm độc lập tại gian trưng bày của từng dự án được phân công. Giám khảo phỏng vấn và thí sinh phải trả lời. Nếu sản phẩm/dự án không do học sinh tự làm thì sẽ lộ ngay ở quá trình phản biện, phỏng vấn của ban giám khảo.
Cũng theo ông Thành, đơn vị này sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ GD&ĐT về việc có nên bỏ xét tuyển thẳng/cộng điểm ưu tiên vào ĐH với thí sinh đạt giải KHKT hay không. Bởi phải tôn trọng quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học.
Đại học ưu tiên xét tuyển giải Khoa học kỹ thuật kèm tiêu chí phụ
Hiện nay, đa số các cơ sở giáo dục đại học đều có phương án ưu tiên xét tuyển thí sinh đạt giải về KHKT.
Năm 2021, Học viện Tài chính tiếp tục tuyển thẳng thí sinh đạt giải KHKT quốc gia theo quy định của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển thí sinh đạt giải KHKT cấp tỉnh (có môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi về Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, Tiếng Anh, Ngữ văn) kèm theo điều kiện về xếp loại học sinh giỏi 3 năm bậc THPT, kết quả học tập lớp 12 của mỗi môn thuộc tổ hợp đăng ký phải đạt từ 7.0 trở lên…
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT, Học viện Ngoại giao dự kiến tuyển 8% tổng chỉ tiêu của mỗi ngành trong năm 2021. Thí sinh có tên trong danh sách dự thi cuộc thi KHKT cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức mà nội dung đề tài được Hội đồng tuyển sinh đánh giá là phù hợp với môn thuộc tổ hợp xét tuyển của Học viện; có điểm trung bình cộng kết quả học tập của 3/5 kỳ học lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 đạt từ 8.0 trở lên.