Vì sao cần hợp tác, "thỉnh nghiên cứu" trong hoạt động khoa học-công nghệ?

(Dân trí) - Một đại học phát triển đúng hướng phải chú trọng cả 3 mảng: giáo dục, khoa học - công nghệ và quốc tế hóa. Không thể phát triển bất cứ mảng nào đạt đẳng cấp quốc tế nếu 2 mảng còn lại chất lượng thấp.

Vì sao cần hợp tác, thỉnh nghiên cứu trong hoạt động khoa học-công nghệ? - 1

Đại học nào cũng thỉnh giảng trong hoạt động giáo dục

Về giáo dục, không có đại học nào trên thế giới này chỉ sử dụng duy nhất giáo sư, giảng viên của đại học mình mà không cần/không mời giáo sư, giảng viên nơi khác đến thỉnh giảng bởi 3 lý do:

Thứ nhất, hầu như không có ngành nào (nhất là những ngành mới mở) có thể có đủ nhân sự cơ hữu 100% thời gian (gọi tắt: full time) để phụ trách tất cả các môn/chuyên đề của nguyên 1 chương trình đại học/cao học/tiến sĩ tại đại học đó.

Thứ hai, giáo sư/giảng viên full time vẫn cần có giáo sư/giảng viên của đại học khác (nhất là những đại học đẳng cấp tương đương và tốt hơn) đến dạy để có sự trao đổi và làm mới học thuật của đại học mình.

Thứ ba, sinh viên có sự tò mò/thích học với những giáo sư/giảng viên ở những đại học khác để tìm hiểu thày-cô của mình có năng lực, trình độ, kinh nghiệm ở bậc nào so với thày-cô nơi khác.

Vì thế, đại học nào cũng thỉnh giảng trong hoạt động giáo dục. Các đại học Việt Nam thì còn khủng hơn, có trường mời thỉnh giảng đến 70, 80%. Trường ít thì cũng 10%, 20%.

Đại học danh tiếng của nước ngoài mời thỉnh giảng từ 15% đến 30% tổng khối lượng giảng dạy của một chương trình là bình thường. Việc thỉnh giảng này đem lại nhiều điều mới cho thày-trò; không hề gây ra bất cứ chất lượng, giá trị giáo dục ảo.

Tương tự, hầu như không có đại học nào chỉ dựa 100% vào điều kiện tự thân (nhân lực, trang thiết bị, phòng thí nghiệm) để bảo đảm hoạt động khoa học-công nghệ có chất lượng ở tất cả các mặt.

 Đa dạng hình thức "thỉnh nghiên cứu"

Việc “thỉnh nghiên cứu” cũng chẳng khác hoạt động “thỉnh giảng” trong giáo dục. Nó cũng đem lại những giá trị đích thực như “thỉnh giảng”. Đó là chưa nói đến một việc chẳng có đại học nào đủ phòng thí nghiệm chuyên sâu ở tất cả các lĩnh vực khoa học để nghiên cứu viên của họ có thể tự nghiên cứu tại cơ sở cơ hữu mà không cần tới ai.

Do đó, hợp tác nghiên cứu, gửi nghiên cứu viên ra nước ngoài để sử dụng Phòng thí nghiệm của đối tác mà mình không có làm việc ở các Phòng thí nghiệm nước ngoài để công bố cho Trường mình... là việc làm rất đỗi bình thường.

Việc thỉnh nghiên cứu có thể thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng như thỉnh giảng, cụ thể, nhà nghiên cứu của một đại học nước ngoài/trong nước tham gia vào 1 nhóm nghiên cứu của đại học khác cùng với nhà nghiên cứu full time của trường đó, để có công bố đứng tên chung.

Nhà nghiên cứu của đại học này phải ra nước ngoài mỗi năm một vài đợt, mỗi đợt một vài tháng để cùng làm việc, sử dụng phòng thí nghiệm của đại học nước ngoài để hoàn tất nghiên cứu, khi công bố, có đồng nghiệp nước ngoài đứng tên chung. Đây là hình thức phổ biến tại Trường đại học Tôn Đức Thắng (TDTU).

Ngoài ra, nhà nghiên cứu nước ngoài không đủ ngân sách để nghiên cứu, được một đại học tài trợ cho thực hiện nghiên cứu và yêu cầu phải để tên đại học tài trợ vào địa chỉ công bố công trình của nhà nghiên cứu.

Việc này thể hiện qua một hợp đồng làm việc chặt chẽ, có căn cứ pháp lý rõ ràng. Nhà khoa học có quyền từ chối việc chỉ ghi tên một địa chỉ duy nhất (đại học tài trợ kinh phí), hoặc có thể yêu cầu ghi cả 2 địa chỉ (đại học tài trợ và đại học mà mình đang làm việc). Đương nhiên trong cả hai trường hợp này phần kinh phí hỗ trợ sẽ khác nhau.

Nhà nghiên cứu có thể làm việc tại đại học đó hoặc không nếu nhà nghiên cứu đủ phương tiện để làm việc tại nơi đang công tác. Việc này cũng rất bình thường. Đại học của GS Nguyễn Văn Tuấn ở Úc và nhiều đại học khác đều có loại hình này.

Hiện có nhiều đại học trên thế giới, trong đó có 2 nước gần chúng ta là Hàn Quốc và Nhật Bản. Sau khi giáo sư lấy được tài trợ từ doanh nghiệp hoặc từ các Quỹ Phát triển khoa học của Chính phủ để tiến hành nghiên cứu, nhà nghiên cứu tiến hành tìm nghiên cứu sinh, học viên cao học ở các nước đang phát triển như Việt Nam, cấp học bổng để người học sang học.

Thời gian chính là làm việc tại lab của giáo sư. Học bổng do giáo sư cấp từ tiền đề tài của mình. Công trình công bố quốc tế vẫn được tính cho học viên khi bảo vệ nhưng giáo sư và đại học của giáo sư là sở hữu chủ của các công bố quốc tế trên. Đa phần, học viên là người làm chính. Như vậy, cũng chẳng khác gì giáo sư đã trả tiền thuê và hướng dẫn người làm chính công bố của mình. TDTU cũng đã và đang làm điều này.

Mới mô hình trên, Đại học chủ nhà trả tiền tài trợ/thuê, thì công bố quốc tế đó phải đứng tên và được sở hữu bởi đại học chủ nhà. Dùng từ tài trợ thì mỹ miều hơn từ thuê nhưng bản chất là một.

Dĩ nhiên đơn vị tài trợ phải giữ bản quyền, sở hữu công bố quốc tế và yêu cầu người được tài trợ phải thể hiện việc này bằng cách ghi tên đại học mình vào công bố. Chuyện ghi tên đầu hay tên thứ 2 tùy vào thỏa thuận trong hợp đồng tài trợ.

Đối với giới học thuật trên thế giới, các loại hình  hợp tác nghiên cứu, thỉnh nghiên cứu, tài trợ nghiên cứu để có cái cuối cùng là sản phẩm công bố do đại học tài trợ đứng tên. Tất cả các đại học danh tiếng đều làm như vậy.

Những đại học trẻ đều phải thỉnh giảng, thỉnh giảng nghiên cứu

Những đại học trẻ (thành lập dưới 25 năm) đều phải thỉnh giảng lẫn thỉnh nghiên cứu rất nhiều bởi không thể có ngay nhân lực giỏi để công bố quốc tế đều đặn và chất lượng để xây dựng tên tuổi nhanh.

Đại học khoa học kỹ thuật Hồng Công (HKUST) trong 10 năm đầu có đến 80% tổng công bố quốc tế đến từ việc thỉnh nghiên cứu mà dài hạn nhất là các hợp đồng làm việc 6 tháng/năm.

Đại học lâu đời cũng có bức tranh không khác bao nhiêu. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã nói hợp tác nghiên cứu và “thỉnh nghiên cứu” chiếm  hơn 50% tổng số công bố quốc tế hằng năm của đại học ông.

Trong 5 năm liên tục, trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) đã có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng các công bố quốc tế vì Nhà trường đã đầu tư rất nhiều cho 4 loại hình hợp tác nghiên cứu này; Có hơn 200 nhà khoa học nước ngoài đang cộng tác theo một trong 4 hình thức, và họ đóng góp đáng kể (gần 50%) tổng số công bố của TDTU.

Thông qua các loại hình này, nhân sự full time của Trường đã học được rất nhiều kinh nghiệm, mở rộng tầm mắt và trưởng thành rất nhanh chóng.

Giá trị của thỉnh nghiên cứu hay hợp tác nghiên cứu nói trên đối với sự phát triển chất lượng tổng thể của TDTU (giống như thỉnh giảng trong giáo dục) là không thể đo đếm hết.

Do đó, cho rằng việc tài trợ/thuê/thỉnh nghiên cứu như thế chỉ “mang lại giá trị ảo”, không có thực chất vì không phải do full time làm ra...là chưa toàn diện.

TDTU còn có nhiều chính sách khác để gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nghiên cứu. Các tạp chí khoa học được xếp hạng không chỉ dựa vào chỉ số ảnh hưởng (Impact factor –IF) tức là các tạp chí này phải thuộc hệ thống ISI, mà còn căn cứ vào chỉ số H-index của tạp chí đó.

Do đó các tạp chí thuộc hệ thống ISI được chia làm 13 hạng. Căn cứ công trình công bố quốc tế theo bảng xếp hạng này mà trả lương tương ứng cho GV và NCV. Đặc biệt là TDTU khuyến khích giảng viên phải công bố trên các tạp chí từ hạng 4 trở lên (tương ứng với 50% top trên của các tạp chí từ Q3 đến Q1 của ISI).

Với các ngành kinh tế-xã hội được chấp nhận đến hạng 7. Đó là sự chú trọng chất lượng, tương đương các đại học Top 500 theo ARWU.

Tất cả giảng viên có học vị tiến sĩ TDTU đều bắt buộc hàng năm phải có ít nhất 01 bài báo ISI/Scopus theo chuẩn trên. Nhà trường có chính sách lương rất đặc biệt cho các giảng viên có công bố ISI/Scopus tốt hơn hoặc vượt chỉ tiêu.

Ngoài ra, TDTU cấp học bổng sau tiến sỹ (Postdoc) cho tất cả các tiến sỹ vừa mới tốt nghiệp, không phân biệt quốc tịch. Cho đến nay đã có gần 20 Postdoc là người nước ngoài và gần 10 Postdoc Việt Nam đang làm việc tại TDTU.

Đồng thời, TDTU xây dựng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (FOSTECT) sẵn sàng tài trợ cho các đề tài nghiên cứu cho bất kỳ nhà khoa học nào trên thế giới miễn là đề tài đó phải được Hội đồng khoa học đồng ý cho tài trợ, hoạt động như các Quỹ phát triển khoa học của các quốc gia phát triển khác.

Nghiên cứu sinh phải có ít nhất 02 công bố ISI đối với ngành tự nhiên – kỹ thuật và 01 công bố ISI với ngành kinh tế - xã hội trước khi trình luận án tiến sĩ.

Trong những năm gần đây, TDTU đã có chính sách phát triển nguồn lực nghiên cứu là học viên cao học, nghiên cứu sinh và nghiên cứu viên post-doc.

Đi theo con đường của các đại học Top 500 thế giới, hằng năm, TDTU cấp nhiều học bổng cho 3 đối tượng trên, đặc biệt là những người có năng lực và đã từng công bố ISI/Scopus rất dễ dàng nhận được học bổng này để học, làm việc tại TDTU.