Tương lai của siêu đại học toàn cầu

(Dân trí) - Những xu hướng trên thị trường giáo dục đại học thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay đã mang lại dự báo về sự hình thành của một thể chế mới: Siêu đại học - một tổ chức giáo dục và nghiên cứu liên kết điện tử giữa tất cả các giảng viên tốt nhất và hầu hết sinh viên có năng lực trong cộng đồng đại học toàn cầu...

Cũng như nhiều lĩnh vực khác, thị trường giáo dục đại học ngày càng mang tính toàn cầu với sự thống lĩnh của các học viện Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp những dự đoán cho rằng ảnh hưởng của các trường đại học toàn cầu có trụ sở tại Mỹ sẽ tăng lên khi những rào cản địa lý và kỷ luật giảm xuống, kỷ nguyên của “Siêu đại học” toàn cầu dường như vẫn chưa thể trở thành sự thật.

 

Kỳ thi đầu vào

 

Tháng 6/2006, sinh viên trường Cao đẳng Thặng Đạt (Shengda) ở Tân Trịnh (Xinzheng), Trung Quốc đã biểu tình khi họ nhận được bằng tốt nghiệp có in tên của trường Shengda chứ không phải tên của đại học Trịnh Châu (Zhengzhou) - trường đại học uy tín hơn – như họ đã được hứa khi nhập trường. Sinh viên cảm thấy họ bị lừa gạt khi phải trả học phí cao gấp 5 lần so với sinh viên của trường Trịnh Châu và lo rằng những tấm bằng kém giá trị này sẽ đẩy họ ra khỏi cuộc “chiến” việc làm đầy khốc liệt.

 

 

Tương lai của siêu đại học toàn cầu - 1
 

Mô hình khuôn viên đại học Trịnh Châu, một trong những
trường đại học có chất lượng được thừa nhận trên thế giới
của Trung Quốc. 

 

Sự kiện trên cho thấy vai trò của giáo dục đại học trên thị trường toàn cầu. Nó cũng cho thấy tấm bằng đại học là “giấy thông hành” không thể thiếu trong nền kinh tế tri thức toàn cầu hoá thế kỷ 21. Giáo dục đại học hiện đang được hầu hết các nước coi là công cụ chiến lược không thể thiếu để định hướng, hướng dẫn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Từ cuối thế chiến thứ 2, Mỹ đã được công nhận là đứng đầu thế giới về giáo dục đại học. Không một nước nào có nhiều trường cao đẳng, đại học, số sinh viên nhập học và tốt nghiệp như nước Mỹ. Và cũng không một nước nào đầu tư nhiều tiền của vào giáo dục đại học và nghiên cứu như nước Mỹ. Mỗi năm có đến nửa triệu người nước ngoài đến học tại Mỹ. Trong bảng xếp hạng 100 trường đại học hàng đầu thế giới, hơn 1/2 trường nằm ở Mỹ, và đáng chú ý hơn là 17 trong số 20 trường đại học hàng đầu đặt tại nước Mỹ.

 

Thị trường giáo dục toàn cầu ngày càng phát triển và vai trò thống lĩnh của Mỹ cũng liên tục tăng cả ở Mỹ và các nước khác. Làm cách nào các tổ chức giáo dục đại học của Mỹ, nhất là hệ thống trường đại học tư và đại học nghiên cứu công nổi tiếng thế giới, có thể thích nghi được với môi trường liên tục thay đổi? Liệu lĩnh vực này, tương tự nhiều lĩnh vực khác trong quá khứ, có chứng kiến sự nổi lên của một số “người chơi” toàn cầu – các cường quốc giáo dục – những người sẽ thống lĩnh và xác lập đặc điểm cho nền giáo dục này? Liệu thế kỷ 21 có phải là kỷ nguyên của “Đại học Toàn cầu” (Global U)?

 

Xe lửa, máy bay và đại học

 

Trước kia, việc đi lại của của phần lớn các học giả cũng như hầu hết mọi người rất hạn chế, tốc độ phổ biến kiến thức rất chậm. Kết quả là kiến thức và trình độ của học giả cũng như giảng viên chỉ được đánh giá ở cấp độ vùng và khu vực.

 

Ngày nay, kiến thức được truyền đi chỉ sau vài giây và thông tin không chính xác hay chưa đầy dủ sẽ nhanh chóng bị phát hiện. Đây là kết quả của cái gọi là “hiện tượng IT-IT”: việc đi lại trên phạm vi quốc tế ít tốn kém hơn kết hợp với công nghệ thông tin có mặt khắp nơi đã đưa kiến thức và chuyên gia đi khắp nơi trên thế giới. 

 

Các bài phát biểu, bài báo xuất hiện trên Internet ngay khi chúng được công bố hoặc xuất bản. Các học thuyết được chứng minh hoặc bác bỏ thông qua mang lưới học giả quốc tế - những người ngay lập tức tiếp cận những phát hiện mới nhất. Bên cạnh đó, việc đi lại bằng máy bay đỡ tốn kém hơn cũng giúp các chuyên gia - người đưa ra kiến thức – trở nên “cơ động hơn”.

 

Kết quả của hiện tượng IT-IT là kiến thức/học giả/chuyên gia được đánh giá trên phạm vị toàn cầu thay vì phạm vi khu vực như trước đây.

 

Những chuyên gia và học giả toàn cầu luôn yêu cầu “giá cao nhất”. Hiện tượng Michael Jordan là ví dụ điển hình. Khi chơi bóng rổ cho đội Chicago Bull, Jordan có thể kiếm được 33 triệu USD/năm, trong khi đồng đội của anh - một cầu thủ giỏi và tài năng không kém Jordan - chỉ kiếm được vài trăm nghìn USD. Tại sao vậy?

 

Đơn giản vì Jordan thực sự là “cầu thủ toàn cầu” về bóng rổ và có thể ảnh hưởng quyết định đối với khán giả trên toàn thế giới. Trong khi đó, người đồng đội của Jordan chỉ có ảnh hưởng nhất định đối với khán giá ở Chicago, nhưng không có sức lôi cuốn trên kênh thể thao nổi tiếng toàn cầu ESPN.

 

Sự tập trung vào chuyên gia cấp độ toàn cầu gây ra cơn sốt tìm kiếm, trên phạm vi quốc tế, những tài năng có khả năng giúp trường đại học tiếp cận những nguồn lực lớn nhất. Cũng như các khía cạnh khác trong cuộc sống, “người giàu” có xu hướng giàu hơn và “kẻ nghèo” sẽ càng khó bắt kịp.

 

 

Tương lai của siêu đại học toàn cầu - 2
 

Trường đại học Princeton, một trong những đại học

hàng đầu thế giới.

 

Tính đến 30/6/2005, giá trị tài sản của Harvard là trên 25 tỷ USD; Yale, Stanford, Princeton và đại học Texas là trên 10 tỷ USD mỗi trường; 24 trường cao đẳng và đại học khác của Mỹ có tài sản trị giá 2 tỷ USD hoặc hơn; và gần 60 trường có tài sản trị giá ít nhất 1 tỷ USD.

 

Trong khi đó, cuộc khảo sát năm 2003 về giáo dục đại học ở Anh cho thấy, chỉ 5 trường đại học của nước này có tài sản trị giá ít nhất 200 triệu USD so với 207 trường của Mỹ. Chỉ có Oxford và Cambridge - với tài sản trị giá trên 4 tỷ USD mỗi trường - nằm trong tốp 150 trường đại học hàng đầu thế giới với vị trí số 15.

 

Ngoài Mỹ, chỉ có các nước với nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Singapore mới có khả năng đầu tư đáng kể để đưa các trường đại học của họ lên tầm quốc tế. Còn các nước với tốc độ tăng trưởng chậm hơn, các trường đại học ngày càng phụ thuộc nhiều hơn và nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ.

 

Trong môi trường toàn cầu như vậy, những vị giáo sư giỏi nhất cần tiếp cận những sinh viên tốt nhất và kết quả là cuộc tìm kiếm tài năng được tiến hành ở cấp độ toàn cầu. Điều này giải thích tại sao trong các trường đại học của Mỹ ngày nay, có đến 1/3 sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học và xây dựng và hơn 1/2 sinh viên học tiến sĩ là người nước ngoài.

 

Siêu đại học cho thế giới?

 

Tất cả những xu hướng trên thị trường giáo dục đại học ngày nay đã dẫn đến sự hình thành của một thể chế hoàn toàn mới: Siêu đại học - một tổ chức giáo dục và nghiên cứu liên kết điện tử giữa tất cả các giảng viên tốt nhất và hầu hết sinh viên có năng lực trong cộng đồng đại học toàn cầu. Liệu một nhóm trường giàu nhất và năng nổ nhất sẽ đưa ra hình mẫu và xác định đặc điểm của trường đại học toàn cầu ?

 

Cuối thế kỷ 20, trên tạp chí Forbes, nhà kinh tế học Peter Drucker đã nói rằng mô hình đại học truyền thống đã chết, và dự đoán rằng những khu khuôn viên rộng lớn của các trường đại học lớn sẽ trở thành “di tích” sau 30 năm nữa. Gần đây, giáo sư kinh tế học của trường Princeton, Alan Blinder, cũng dự đoán rằng bất kỳ dịch vụ nào có khả năng truyền qua Internet, nhất là giáo dục đại học, cuối cùng sẽ chuyển từ khu vực chi phí cao sang khu vực chi phí thấp: khi tiền học phí đại học ngày càng đắt hơn thì việc gửi thông điệp và kiến thức bằng phương tiện điện tử xem ra hợp lý hơn.

 

Bất chấp những dự báo trên, kỷ nguyên của những siêu đại học toàn cầu dường như vẫn chưa thể thành sự thật. Có 3 yếu tố cản trở.

 

Thứ nhất là ảnh hưởng của truyền thống và giá trị quan trọng nhưng khó xác định mà người trúng tuyển các trường uy tín mang lại. Đi học cao đẳng hoặc đại học là một cách nâng cao trình độ học vấn thông qua việc tiếp thu kiến thức. Về truyền thống, sinh viên cao đẳng/đại học là những người đang có một thời giao thoa giữa tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành. Họ dành thời gian này để khám phá, lựa chọn và gặp gỡ đối tác tương lai và bạn đời ngay trong môi trường đại học.

 

Thứ hai là vấn đề về biên giới quốc gia. Các nhà kinh tế học nhận thấy rằng quyền lực của các nước đã giảm nhưng vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Các trường đại học và các nước tồn tại trong hình thức cộng sinh chặt chẽ. Mỗi nước, theo cách này hoặc cách khác, đầu tư rất nhiều tiền vào các trường đại học và đòi hỏi khả năng thu hồi đáng kể  - cả về số sinh viên tốt nghiệp đủ trình độ và lợi ích kinh tế.

 

Yếu tố thứ ba là sự có mặt của Đại học Toàn cầu sẽ làm xuất hiện câu hỏi về tiền. Rất nhiều nhà sáng lập trường đại học được những người giàu có hẫu thuẫn và tài trợ. Mô hình đại học này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Điều duy nhất có thể thay đổi là địa vị và cấp bậc. Các trường đại học thời cổ và trung đại là sở thích tốn kém của những người giàu và hoàng gia. Thực tế, các trường đại học lớn ngày nay đều phụ thuộc vào nguồn tài chính của chính phủ, học phí thu từ sinh viên (chỉ có thể đáp ứng phần nhỏ chi phí giáo dục), nguồn hỗ trợ của những người hảo tâm để chi trả chi phí hoạt động. Thậm chí như vậy, tài chính vẫn thực sự là vấn đề khó khăn. Để thành công và ổn định hoạt động, trường đại học toàn cầu phải có nguồn hỗ trợ tài chính đáng tin cậy từ nhiều nước cùng một lúc.

 

... trên phạm vi toàn cầu

 

Các trường đại học, giống như nhà thờ, đền chùa, chỉ là một trong số ít các tổ chức tồn tại một cách cơ bản và không thay đổi trong nhiều thế kỷ, bất chấp sự thịnh suy của các chế độ, sự biến đổi của xã hội. Tuy nhiên, chính do cấu trúc đặc thù mà các trường đại học rất chậm nếu không muốn nói là không thể thay đổi. Chính sự trì trệ này lại là lợi thế nội tại của các trường đại học. Nhưng ngày nay các trường đại học cũng đang vấp phải những thách thức do toàn cầu hoá mang lại.

 

Hơn nữa, đã có nhiều bất đồng xung quanh những vấn đề như ai sẽ có quyền đối với sở hữu trí tuệ do tập thể giảng viên tạo ra, tính lưu động ngày càng tăng của các giáo sư và nhà nghiên cứu, và trách nhiệm của các trường đại học đối với đội ngũ giáo viên. Khả năng của các trường đại học để tái định hình những nỗ lực nghiên cứu và giáo dục sẽ phụ thuộc vào sự nhạy bén của đội ngũ giáo viên và sự mềm dẻo của các ranh giới truyền thống.

 

Gần 1/4 thế kỷ, hoạt động nghiên cứu khoa học phần lớn được tiến hành ở Mỹ và Châu Âu. Ngày nay, các quốc gia mới nổi - nhất là ở Châu Á - có đóng góp ngày một nhiều hơn vào lĩnh vực khoa học và công nghệ và xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

 

Các trường đại học nghiên cứu đương thời có khả năng mất vai trò dẫn đầu trừ khi có thể thành lập hoặc gia nhập mạng lưới toàn cầu các nhà nghiên cứu đang làm việc trong lĩnh vực tri thức. 

 

Nguyễn Anh

Theo Foreign Affairs