Tự chủ đại học: Không có "cá lớn nuốt cá bé" mà là "nhanh thắng chậm"

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Đại học không tự chủ thì làm sao giải phóng được sức sáng tạo nhà trường, làm sao phát triển nhanh trong nền kinh tế trí thức không theo quy luật "cá lớn nuốt cá bé" mà là quy luật "nhanh thắng chậm".

Tại hội nghị tự chủ đại học vừa qua, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT cho rằng, thực hiện tự chủ đại học là một điểm nhấn quan trọng trong phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Mặc dù đến nay vẫn đang còn các băn khoăn, vướng mắc, các nhận thức khác nhau về tự chủ, nhiều trường đại học vẫn đang từng bước đi vào lộ trình này.

Tự chủ đại học: Không có cá lớn nuốt cá bé mà là nhanh thắng chậm - 1

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT.

Sứ mạng của đại học là kiến tạo tương lai

Theo TS Lê Trường Tùng, tự chủ trong giáo dục đại học vẫn là xu hướng toàn cầu, thậm chí còn có cả ý kiến kêu gọi không đưa tên trường đại học ở các quốc gia có sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào các bảng xếp hạng đại học quốc tế. Cũng hợp lý, khi sứ mạng của đại học là kiến tạo tương lai, dẫn dắt kinh tế xã hội chứ không phải là đi sau để xã hội hiện tại dẫn dắt.

Nếu như đại học không tự chủ thì làm sao giải phóng được sức sáng tạo của nhà trường, làm sao phát triển với tốc độ nhanh trong nền kinh tế trí thức không theo quy luật "cá lớn nuốt cá bé" mà là quy luật "nhanh thắng chậm", nhanh theo tốc độ mở của hàm mũ?

Nếu như đại học không tự chủ thì làm sao tạo lập được môi trường đổi mới và đào tạo được lớp người có tư duy sáng tạo? Nếu như không được đào tạo trong môi trường đổi mới, sáng tạo thì làm sao sinh viên sau này có thể cạnh tranh bởi sự khác biệt, làm sao có tư duy tốt, làm sao vượt lên khỏi các công việc mang tính quy trình sẽ là việc dành cho robot và trí tuệ nhân tạo sau này?

Nếu xem giáo dục đại học như một ngành cung ứng dịch vụ, thì cách đây không quá lâu, việc bán gì (mở ngành), bán cho ai (tuyển sinh), bán giá bao nhiêu (quy định học phí), hợp tác với đối tác nào (liên kết) đều phải xin phép và phê duyệt ở cấp Nhà nước. Không có một ngành dịch vụ phục vụ đám đông nào có thể có phát triển, có thể có chất lượng và năng lực cạnh tranh quốc tế khi tuân thủ mô hình kế hoạch hóa này.

Hiện nay, khi bàn về tự chủ trong giáo dục đại học, chất lượng thường là yếu tố được nhấn mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, nên chăng mục tiêu chiến lược là kết hợp hài hòa giữa chất lượng, số lượng và hiệu quả.

Nan giải bài toán tài chính 

Theo TS Lê Trường Tùng, bài toán tài chính cho các trường đại học bao giờ cũng là vấn đề nan giải, luôn là một trong những công việc trọng tâm của các trường đại học kể cả trong và ngoài nước. Không giải quyết được vấn đề tài chính (có nền tảng tài chính vững chắc, với trường tư còn là kết hợp hài hòa giữa trách nhiệm xã hội và lợi ích kinh tế) thì các trường đại học không phát triển được.

Tài chính của trường đại học có thể đến từ nhiều nguồn như từ học phí người học (tự đóng hoặc vay tín dụng), từ ngân sách Nhà nước, từ hiến tặng, từ các nguồn thu qua hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ và đầu tư.

TS Lê Trường Tùng đưa ra bức tranh doanh thu đại học của các nước có nền giáo dục lớn. Ở Australia, doanh thu của cả hệ thống giáo dục đại học năm 2019 là 34 tỷ đô la Úc, trong đó từ hỗ trợ ngân sách là 18 tỷ đô (chiếm 54%), học phí chiếm 31%. Học phí thu chủ yếu từ sinh viên ngoại (chiếm 85% tổng thu học phí), mức thu của sinh viên nội địa chỉ bằng khoảng 1/4 học phí sinh viên ngoại quốc.

Ở Mỹ, doanh thu của cả hệ thống giáo dục đại học năm 2019 là 671 tỷ USD, trong đó tài trợ từ chính phủ là 198 tỷ (chiếm 29%), học phí chỉ chiếm 25% (171 tỷ). Với các trường công, tài trợ nhà nước lên đến 41%.

Ở Anh, doanh thu giáo dục đại học năm 2019 là 40.5 tỷ bảng Anh, trong đó doanh thu từ học phí gần 20 tỷ (chiếm 49%), tài trợ từ Nhà nước 5.3 tỷ, chiếm tỷ lệ thấp hơn Australia và Mỹ - chỉ 13%.

Tự chủ đại học: Không có cá lớn nuốt cá bé mà là nhanh thắng chậm - 2

Doanh thu các trường đại học Autralia (Nguồn: Finance 2017)

Tự chủ đại học: Không có cá lớn nuốt cá bé mà là nhanh thắng chậm - 3

Doanh thu các trường đại học Mỹ (Nguồn: US Postsecondary Education Revenue)

Tự chủ đại học: Không có cá lớn nuốt cá bé mà là nhanh thắng chậm - 4

Doanh thu các trường đại học Anh (Nguồn: Higher education finance statistics)

TS Tùng cho rằng giáo dục đại học là một dịch vụ vừa mang tính "công ích" (tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao vị thế cạnh tranh của quốc gia, giảm tệ nạn xã hội - việc phải chăm sóc xã hội thường tập trung vào những người văn hóa thấp), vừa mang tính "tư ích" (đáp ứng nhu cầu học tập, tạo cơ hội có thu nhập cao hơn cho từng cá nhân).

Cho nên, giáo dục đại học nói chung đều phải hoạt động với nguồn thu từ cả công và tư, theo nguyên tắc ai hưởng lợi người đó trả tiền.

Ở Việt Nam, nguồn lực công cho giáo dục đại học thể hiện qua đầu tư xây dựng cơ bản, chi ngân sách hàng năm cho trường công và hỗ trợ các trường tư qua chính sách miễn giảm thuế, ưu đãi đất giáo dục. Nguồn lực tư là đầu tư mở trường từ các thành phần ngoài công lập. Quan trọng nhất cho cả trường công và tư là từ nguồn học phí của người học.

Chi từ ngân sách cho giáo dục đại học không chỉ là thực hiện chính sách phúc lợi cho người học, mà thực tế là nghĩa vụ của Nhà nước chi cho những gì mà quốc gia được thụ hưởng sau này.

Việc quá nhấn mạnh yếu tố tự túc như điều kiện tiên quyết của tự chủ sẽ dẫn đến một nền giáo dục đại học xây dựng dựa trên học phí của người học. Nền giáo dục này sẽ như thế nào và đi về đâu? Chưa có một nền giáo dục đại học nào thành công theo mô hình "tự túc" này.

Cũng giống như Khoán 10 trong lĩnh vực nông nghiệp 30 năm trước, việc mở rộng tự chủ giống như tháo gỡ rào cản để giải phóng nguồn lực bị kìm nén, sẽ có nhiều thay đổi tích cực trong thời gian đầu.

Tuy nhiên, đây không phải là nền tảng để phát triển bền vững, để xây dựng một nền giáo dục đại học tốt, cũng như chỉ Khoán 10 là chưa đủ để phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao, liền thửa, quy mô lớn.

Nâng cao mức chi phí đào tạo

TS Lê Trường Tùng chỉ ra rằng, vấn đề hiện nay hệ thống giáo dục đại học đang phải đối mặt là ngân sách Nhà nước hạn chế, ngân sách giáo dục cần dành chi nhiều hơn cho giáo dục phổ thông; còn với giáo dục sau phổ thông thì ngân sách Nhà nước chỉ tập trung chi cho các trường, ngành trọng điểm và đối tượng người học cần ưu tiên; còn lại dựa vào nguồn thu học phí, nguồn tín dụng, nguồn thu khác của trường. Chúng ta đang lồng nội dung "tự túc" này vào việc tự chủ trong các chỉ đạo.

Dù đầu tư từ nguồn nào, thì một trong các yếu tố để đảm bảo chất lượng là chi phí đào tạo/sinh viên (định mức kinh tế kỹ thuật) phải đủ lớn. Hiện nay, mức chi phí trung bình đào tạo đại học ở Việt Nam dưới 1000 đô la Mỹ/năm/sinh viên, chỉ bằng 1/20 chi phí của Australia.

Trong các năm tới, Việt Nam cần phải nâng chi phí đào tạo lên, từ nhiều nguồn, phải lên gấp 5 con số này trong 10 năm tới (tương đương với Thái Lan và bằng 5-10% Mỹ, Australia hiện nay) để có điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ở mức tối thiểu. Tự chủ đại học cần phải góp phần giải quyết vấn đề này.

Do ngân sách hạn chế, Việt Nam chỉ thể tăng chi phí đào tạo/sinh viên theo 3 cách: (i) thực hiện lộ trình tự chủ gắn với lộ trình tăng học phí trường công như hiện nay, (ii) tăng tỷ trọng sinh viên trường tư song song với giảm tỷ trọng sinh viên trường công để tối ưu việc sử dụng ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục đại học, (iii) tín dụng, vay tương lại tiêu cho hiện tại.

Cách (i) không thể tăng học phí quá nhiều, cho nên sẽ đến lúc phải dùng đến cách (ii), giới hạn sinh viên trường công từ khoảng 85% hiện nay xuống còn khoảng 65% là tạm ổn (chẳng hạn mỗi năm giảm 5% chỉ tiêu trường công), cũng để tỷ lệ sinh viên trường công trường tư tương xứng với các nước khác trong khu vực. Cách (iii) cần có giải pháp và cách đi phù hợp vì liên quan đến cả tín dụng đầu tư và tín dụng sinh viên.

"Cần xây dựng hành lang pháp lý cho việc vay, bảo lãnh nợ vay và trả nợ vay, đặc biệt là cho các trường công tự chủ tài chính. Vay từ các nguồn như vay ngân hàng, phát hành trái phiếu học đường, vay cán bộ giảng viên… để đầu tư phát triển trường là một giải pháp phát triển nhanh. Tuy nhiên, việc trả nợ (là nợ công vì của trường công) trong tương lai có thể lại thuộc về nhiệm kỳ tiếp sau và nếu như không trả nợ được thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp" - TS Tùng nhấn mạnh. 

8 kiến nghị nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học

Thứ nhất, cần hiểu tự chủ là một khái niệm mang tính triết học, xã hội. Khi gắn tự chủ với tự túc thì khái niệm này mang thêm tính kinh tế, gắn với tự trị thì khái niệm này mang tính chính trị.

Thứ hai, tự chủ hiện đang được hiểu là tự quyết và gắn với mức độ tự túc. Thực chất, tự chủ không nhất thiết liên quan đến tự túc, vì hỗ trợ từ ngân sách cho giáo dục đại học là nghĩa vụ của Nhà nước. Tự chủ cũng không phải là tự trị, bỏ cơ chế chủ quản; không phải là bỏ cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước với trường.

Thứ ba, tự quyết phụ thuộc vào hành lang pháp lý nhiều hay ít, rộng hay hẹp và cách vận dụng quy tắc "không cấm thì được làm" hay "chưa có hành lang thì chưa được đi". Tự túc cũng có nhiều mức độ khác nhau từ từng phần đến toàn phần.

Thứ tư, để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cần nâng cao nhiều lần chi phí trung bình chi cho việc đào tạo một sinh viên. Cần kết hợp tự chủ với sử dụng hợp lý ngân sách và xã hội hóa để giải quyết việc này.

Thứ năm, cần có quy định kịp thời về tự chủ của các trường đại học trong "thu hút vốn đầu tư", trong đó có việc vay, bảo lãnh, trả nợ của trường công. Cũng cần mở rộng cơ chế tín dụng sinh viên. Lấy tương lai đầu tư cho hiện tại.

Thứ sáu, gỡ bỏ các quy định bất cập về hành lang cho việc tự chủ (thay chính sách "chất lượng đi trước" bằng chính sách "chất lượng trong quá trình") và về đối tượng được/không được tự chủ (bỏ việc phạt 3-5 năm mất quyền tự chủ hoặc cấm hoạt động, thay bằng thời hạn ngắn hơn nếu cần), về nguồn lực (đất đai, giảng viên) hợp lý cho giáo dục đại học. Có các quy định về tiêu chí riêng cho đại học định hướng nghiên cứu và đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng.

Thứ bảy, mở rộng quyền tự chủ giáo dục đại học liên quan đến sử dụng giảng viên, cán bộ nghiên cứu là người nước ngoài và việc công nhận văn bằng do đại học nước ngoài cấp.

Thứ tám, sớm cụ thể hóa việc công bố mẫu Báo cáo đại học thường niên và yêu cầu các trường đại học công bố hàng năm để nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch thông tin.