Tự chủ đại học: Có kiểm soát được lạm thu ở các trường?

(Dân trí) - Việc các trường đại học công lập thực hiện tự chủ tài chính bị áp lực tăng thu do ngân sách cấp kinh phí giảm. Điều này có thể dẫn đến tình trạng có một số trường đại học công lập thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định. Vậy làm sao để kiểm soát được điều này?

Đây là một trong những vấn đề đặt ra tại buổi tọa đàm với chủ đề “Tự chủ đại học: Nâng cao chất lượng đào tạo" sáng ngày 9/9 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Tham dự buổi tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. TS  Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. 

Tự chủ đại học: Có kiểm soát được lạm thu ở các trường? - 1

Các đại biểu tham gia tọa đàm

Các trường phải công khai minh bạch thông tin

Trả lời về vấn đề làm thế nào để kiểm soát được việc một số trường đại học công lập sẽ thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định do bị áp lực tăng thu do ngân sách giảm khi thực hiện tự chủ?

 PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, mức thu học phí, thu dịch vụ tuyển sinh, các khoản thu dịch vụ khác đã được quy định tại Nghị định 86/2015 của Chính phủ. Đối với các cơ sở thí điểm tự chủ thì thực hiện theo quyết định phê duyệt thí điểm tự chủ cho mỗi trường hiện nay.

Tuy nhiên, khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH và sắp tới là Nghị định hướng dẫn luật có hiệu lực thì đối với các cơ sở GDĐH công lập sẽ thực hiện theo điều 65 của Bộ Luật này.

Theo đó, các cơ sở GDĐH đáp ứng những quy định của khoản 2 điều 32 của Luật này đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên của mình thì được tự chủ xác định mức thu học phí.

Nhưng việc xác định mức thu như vậy phải căn cứ vào định mức mức thu kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Ngoài ra, các trường cũng phải thực hiện chế độ về quản lý tài chính về kế toán, kiểm toán, công khai minh bạch thông tin.

Về mức trần học phí mà các trường được tự quyết, bà Thủy cho hay, các trường tự chủ được tự quyết học phí trước hết đã tuân theo đề án thí điểm tự chủ đại học được Chính phủ phê duyệt.

"Trong thời gian tới, khi các trường tự xác định mức học phí, để hài hòa giữa nhà trường và sinh viên, đồng thời không gây sức ép quá lớn về tài chính cho các trường, Nhà nước cần sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng tính đủ chi phí giáo dục đào tạo để làm căn cứ để các trường ra được quyết định. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội có căn cứ để giám sát việc thực hiện của các trường về vấn đề này" - bà Thủy đề nghị.

Nhiều nhà đầu tư nản vì cơ chế

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa HN cho rằng, tự chủ tài chính gồm rất nhiều phần, không chỉ riêng học phí. Tuy nhiên, có mấy vấn đề còn vướng mắc đối với các trường chính về cơ chế tài chính.

Cụ thể, trong Luật ghi rõ các cơ chế đầu tư của Nhà nước, chính sách về tài chính đặt hàng của Nhà nước, thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, cơ chế cạnh tranh, các trường có năng lực tốt, sử dụng quỹ có hiệu quả thì sẽ được cấp kinh phí. Chúng tôi mong muốn cơ chế này sớm được triển khai. Bên cạnh đó, cơ chế khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, xã hội.

Ông Sơn cho hay, ở trường chúng tôi hiện nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp mong muốn được hợp tác đầu tư trong đào tạo, nghiên cứu bằng việc hợp tác xây dựng những phòng thí nghiệm, giảng đường, khu vực nghiên cứu phát triển. Nhưng quy trình thủ tục này chưa được hướng dẫn nên kéo dài lâu, gây nản lòng các nhà đầu tư.

"Việc tài trợ phải có cơ chế khuyến khích để các nhà hảo tâm, doanh nghiệp được hưởng lợi ích rõ ràng" - ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết, trong thời gian tới, trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Kinh tế quốc dân có dự án từ Ngân hàng thế giới với tổng kinh phí 50 triệu USD. Thế nhưng Nhà nước chỉ đầu tư ban đầu, việc vận hành tiếp theo cần sự chung tay của toàn xã hội. Do vậy, rất mong Nhà nước sớm có những cơ chế, chính sách rõ, để khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào trường đại học.Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, hiện nay, những tập đoàn của các cựu học viên thành đạt của nhà trường sẵn sàng đóng góp hàng trăm tỷ cho nhà trường nhưng đòi hỏi phải có những cơ chế linh hoạt để sử dụng.

Theo ông Sơn, quan trọng nhất là phải làm rõ được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong lĩnh vực tài chính, làm rõ bản chất của tiền học phí có phải nguồn ngân sách hay không, quản lý nó như thế nào.

Ông Chương băn khoăn cho rằng, thế nào là tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Tự chủ chúng ta hiểu rõ, nhưng tự chịu trách nhiệm thì như thế nào, chúng ta lại chưa có quy định chặt chẽ, để nhà trường tự chịu trách nhiệm một cách công khai, minh bạch, thuận lợi.

“Những cái chúng ta cần hoàn thiện, bởi trong đào tạo cũng cần nhanh nhạy như kinh doanh, khi có những xu hướng, chương trình, kỹ thuật mới thì cần cập nhật để đào tạo, để cập nhật được chi phí không nhỏ, mà lại cần phải nhanh.  

Đối với các trường công lập lớn, có uy tín, đúng quy mô, quy củ thì nên có cơ chế cho phép các trường tự chịu trách nhiệm lớn hơn, minh bạch hơn, từ đó bảo đảm chúng ta có khả năng xây dựng những trường đại học tầm cỡ quốc tế” – ông Chương nhấn mạnh.

Hồng Hạnh