Trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận lại “gặp khó”

(Dân trí) - Mặc dù Điều lệ trường ĐH mới ban hành đã quy định rất rõ về tổ chức và quản lý trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận nhưng khi thực hiện, một số trường đại học tư thục đã hoạt động không vì lợi nhuận nhiều năm nay lại “gặp khó” với nhiều lý do.

Vừa qua, tại Hà Nội, Trường ĐH Hoa Sen và trường ĐH Phan Châu Trinh đã tổ chức buổi Tọa đàm về thực hiện mô hình: “Đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận” trong điều kiện Việt Nam. Buổi tọa đàm đã có rất nhiều nhà giáo, nhà khoa học tâm huyết với giáo dục đại học Việt Nam tới dự.

 

Trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận lại “gặp khó” - 1

Gỡ khó cho Quy chế không hợp lý tồn tại 10 năm

Để định hướng cho hoạt động của cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH Tư thục tại Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg ngày 17/1/2005, sau đó Quy chế này được thay thế bằng quy chế mới ban hành tại Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng và được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg ngày 10/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên trong cả 2 quy chế trên, trường ĐH tư thục chỉ mới được hiểu theo mô hình công ty cổ phần, điển hình cho kiểu trường đại học tư thục đi theo cơ chế vì lợi nhuận.

Sự tồn tại trong hơn 10 năm các quy chế 14 và 61 đã tạo thuận lợi cho những người nhiều tiền có hội chiếm đoạt một trường đại học dễ hơn chiếm đoạt một doanh nghiệp (bởi vì chỉ cần thỏa mãn điều kiện sở hữu 51% góp vốn). Mô hình trên cũng đang đưa tới tình trạng “mua bán trường” ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí không ít trường đang rơi vào tình cảnh cùng quẫn, rất không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Phát hiện thấy bất hợp lý như trên, nhiều đề xuất đã được đưa ra nhằm sớm xác lập dự hiện diện của mô hình trường đại học hoạt động không vì lợi nhuận.

Đáp ứng mong mỏi nhiều năm, Điều lệ trường đại học mới ban hành gần đây tại Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã dành mục 4 chương 3 quy định về tổ chức và quản lý của trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận. Điều 29 khẳng định Hội đồng quản trị đại diện cho quyền sở hữu chung của cộng đồng nhà trường là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường. Ngoài ra, đại diện cho các thành viên góp vốn sẽ không chiếm tỉ lệ cao mà chỉ chiếm không quá 20% tổng số thành viên của Hội đồng quản trị.

Theo ông Chu Hảo thành viên sáng lập trường ĐH Phan Châu Trinh, những quy định mới của Điều lệ trường ĐH mở ra hành lang pháp lý cho những nhà giáo, nhà khoa học, nhà đầu tư muốn lập mới các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, những trường tư thục ngay từ đầu đã quyết định đi theo hướng không vì lợi nhuận đã buộc phải thừa nhận quy chế 61 gặp khó khăn lớn, thậm chí vô vọng khi muốn chuyển về loại hình trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận như mong muốn ban đầu.

Nguyên nhân của khó khăn tập trung ở quy định tại điểm b, khoản 2, điều 34 của Điều lệ trường đại học là: Phải thu đủ sự ủng hộ của đại diện tối thiểu 75% tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn. Quy định này có thể là thích hợp với Công ty cổ phần hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích của các cổ đông nhỏ nhưng hoàn toàn không phù hợp với hoàn cảnh của các trường đại học tư thục hiện đang hoạt động theo QĐ 61 và QĐ 63 của Thủ tướng Chính phủ.

C:\Users\User\Desktop\trao doi.jpg

Nhiều ý kiến đại biểu dự tọa đàm kiến nghị: Chính phủ xúc tiến nhanh việc hình thành hệ thống các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Kiến nghị thực hiện thí điểm trường tư thục không vì lợi nhuận

Hiện ở Việt Nam có 9 trường đại học tư tuyên bố phi lợi nhuận trong Quy chế/ tuyên ngôn về tầm nhìn, sứ mạng; chưa kể các trường dân lập chưa chuyển sang tư thục vì thiếu đảm bảo không vì lợi nhuận. ..Có một số trường đại học như trường ĐH Thăng Long, trường ĐH Hoa Sen, trường ĐH Phan Châu Trinh là những trường ngay từ khi thành lập đã có yếu tố phi lợi nhuận.

Mặc dù từ khi thành lập, trường ĐH Hoa Sen thực hiện theo mô hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận và hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận. Nhưng khi có Điều lệ ĐH 2014, UBND TP.HCM yêu cầu trường ĐH Hoa Sen cũng phải chuyển đổi lại thực hiện theo quy định mới.  Lãnh đạo trường ĐH Hoa Sen cho rằng, như vậy là không phù hợp thực tế của Trường ĐH Hoa Sen.

Bà Bùi Trân Phượng đại diện trường ĐH Hoa Sen cho hay, đại hội cuối cùng trước khi Điều lệ đại học 2014 có hiệu lực, 100% thành viên góp vốn của trường tham dự đều đồng ý giữ nguyên Quy chế tổ chức và hoạt động phi lợi nhuận của trường.

Bà Phượng cho rằng, trường ĐH Hoa Sen đã minh định mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận ngay từ khi khai sinh và thực hiện xuyên suốt theo quy định của pháp luật từng thời kỳ. Khi điều lệ ĐH 2014 có hiệu lực, trường đã báo cáo đầy đủ quá trình thực hiện và đồng thời trình hồ sơ xin Thủ tướng xác nhận là trường ĐH Tư thục hoạt động không vì lợi nhuận theo quy định ngày càng cụ thể của pháp luật Việt Nam.

Còn trường ĐH Phan Châu Trinh, vào tháng 3/2015 đã có công văn gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị được tiến hành thí điểm về triển khai mô hình trường ĐH không vì lợi nhuận của Việt Nam và cho ý kiến giải quyết một số vướng mắc.

Trong khi đó, tại địa phương một mặt vẫn luôn luôn nhất quán tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trường ĐH Phan Châu Trinh thực hiện mục tiêu xây dựng trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Nhưng, mặt khác cũng thông báo chính thức là sẽ thu hồi 5ha đất hiện cho trường tạm thuê và 15ha đất tạm phân cho trường nếu trường không chuyển sang cơ chế không vì lợi nhuận. Một số nhà tài trợ cũng đặt vấn đề chỉ góp vốn nếu trường thực sự hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, thành viên sáng lập trường ĐH Phan Châu Trinh kiến nghị, cho các trường ĐH tư thục ngay từ lúc thành lập đã lựa chọn định hướng không vì lợi nhuận và trên thực tế đã hoạt động trên tinh thần đó được đặc cách không phải đáp ứng thỏa mãn khoản 2b, điều 34 Điều lệ trường đại học khi muốn chuyển sang trường không vì lợi nhuận. Trước mắt cho trường ĐH Phan Châu Trinh được phối hợp với Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam tiến hành thí điểm tại trường ĐH Phan Châu Trinh mô hình trường ĐH không vì lợi nhuận.

Lãnh đạo nhiều trường đại học tư thục đề nghị Chính phủ sớm có các chính sách cụ thể về qui hoạch mạng lưới và về chế độ ưu đãi để xúc tiến nhanh việc hình thành hệ thống các cơ sở đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận trong hệ thống giáo dục quốc dân.

(Buổi Tọa đàm đã có nhiều ý kiến chuyên gia phát biểu như bà Tôn Nữ Thị Ninh, GS Hồ Ngọc Đại, GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Minh Thuyết, GS Đặng Vũ Minh, GS Lâm Quang Thiệp… chúng tôi sẽ đăng tải ý kiến của các GS vào bài viết sau)

Hồng Hạnh

 

Trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận lại “gặp khó” - 3