Trẻ sẽ được học khởi nghiệp, tư duy tài chính từ bậc Tiểu học
(Dân trí) - Tư duy về tài chính và khởi nghiệp cần được nhen nhóm trong học sinh từ sớm. Đáng tiếc, phụ huynh hoặc giáo viên thường có suy nghĩ "trẻ con biết gì mà nói về tiền hay khởi nghiệp"…
Bộ GD-ĐT đang có Dự thảo Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Điểm đột phá của Thông tư chính là đưa giáo dục hướng nghiệp, mà điển hình là tư duy khởi nghiệp dạy cho học sinh từ bậc tiểu học.
Sao người lớn rất ngại nói với con trẻ về tiền, về khởi nghiệp?
PGS.TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đã đưa yếu tố giáo dục hướng nghiệp vào cấp tiểu học. Đây là điều rất cần thiết.
Theo ông Nam: "Công tác giáo dục cần làm sớm hơn, có những phần cần phải đưa vào tiểu học vì chuyện đấy là cần thiết. Giáo dục hướng nghiệp nên dựa trên các hoạt động chủ đạo của các em. Giai đoạn 3 tuổi, các em bắt đầu chơi đóng vai đã là giai đoạn đầu tiên để nhận biết về nghề nghiệp. Bây giờ, chúng ta cũng phải thay đổi cách nhìn của cộng đồng".
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, cộng đồng chúng ta đang nói nhiều điều dựa trên cảm nhận. Chẳng hạn, nhiều người cho rằng lớp 4 - lớp 5, giáo dục giới tính về xâm hại tình dục cho trẻ em thì sợ quá... Nhưng thực tế, bây giờ lứa tuổi bị xâm hại tình dục nhiều nhất là 8-9 tuổi.
"Hay nói về tiền, mọi người cũng rất ngại nói với các em từ bé nhưng bây giờ có rất nhiều bạn trẻ sớm thành công. Và muốn thành công như vậy, các em phải có tư duy về tài chính sớm, nhất là cấp tiểu học.
Chúng ta cần phải xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Có rất nhiều chỉ số để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia nhưng hai thành tố rất quan trọng để góp phần tạo nên điều này có giáo dục khởi nghiệp ở bậc phổ thông và sau phổ thông", ông Nam nêu quan điểm.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, Thông tư mới của Bộ GD-ĐT sẽ đáp ứng được việc đưa giáo dục hướng nghiệp, giáo dục khởi nghiệp vào trong nhà trường ngay từ bậc phổ thông. Và khi đưa vào nhà trường, sẽ tạo nên động lực giúp cho học sinh học tập rèn luyện, thức sớm hơn về thế giới nghề nghiệp hay tinh thần khởi nghiệp hoặc cách thức để tạo ra những giá trị trong cộng đồng. Do đó, Thông tư sẽ bổ sung, hoàn thiện thêm vào các chương trình đã có hiện hành.
Ông Nam nhấn mạnh, hướng nghiệp ở đây chính là cách thức để cha mẹ, thầy cô phát hiện sở thích và năng lực nổi trội của các em học sinh qua việc quan sát từ những hoạt động giải trí, học tập, khả năng hứng thú, hoạt động hướng nghiệp. Hiện tại, do không có hành động như thế nên nhiều phụ huynh có những sai lầm trong quá trình hướng nghiệp cho con. Cứ nghĩ con còn bé chưa biết gì, bé tí thì cần gì phải giáo dục nghề…
Đặt trong bối cảnh hiện nay, nghề của thế hệ chúng ta toàn là nghề truyền thống nhưng nghề của con trẻ mơ ước có thể sẽ không có trong bản đồ nghề hiện tại và các em không thể hình dung ra. Nếu phụ huynh không hiểu con, chưa hiểu con có khả năng như thế nào, cách thức đưa vào sớm hoạt động giáo dục hướng nghiệp ra sao sẽ dễ mắc sai lầm…
"Xét về triết lý giáo dục, mỗi một đứa trẻ là một tài năng độc đáo, có những năng lực và trí thông minh đa dạng. Trong nền giáo dục 4.0 và nền giáo dục hiện hành thay đổi rất nhanh chóng, quan điểm mới thì việc tư vấn giáo dục nghề nghiệp ngay từ sớm là điều cần thiết. Bởi nếu tìm hiểu ra, giáo dục nghề nghiệp không hề đơn giản.
Thứ hai, để hiểu nghề thì phải cập nhật liên tục nghề nghiệp, về các môi trường đào tạo, thị trường lao động từng ngành nghề ra sao... Ngành nghề các em thích cần có phẩm chất, năng lực gì. Các em phải đo bản thân mình xem mình có hợp với nhu cầu của ngành nghề đó không.
Nếu đợi đến trung học phổ thông, các nhà trường mới giáo dục hướng nghiệp thì quá muộn. Do vậy, giáo dục tư duy tài chính và tư duy khởi nghiệp phải sớm hơn. Trên thế giới, nhiều người tầm 20 tuổi đã có sự nghiệp vì có tư duy tài chính, tư duy khởi nghiệp sớm".
4 cấp độ tư vấn nghề nghiệp
Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Tiến Dũng - Vụ Giáo dục Công tác Học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh: "Hướng nghề hướng nghiệp phải phát hiện từ rất sớm. Trên cơ sở hiểu bản thân các em có thể định hướng lựa chọn nghề nghiệp. Trong giáo dục nghề nghiệp có 4 tầng. Tầng thứ nhất làm thuê, tầng thứ hai là kinh doanh nhỏ lẻ, tầng thứ ba là khởi nghiệp, tầng thứ tư (đẳng cấp nhất) là ông chủ tập đoàn hoặc nhà đầu tư lớn".
Theo ông Dũng, trong thế giới nghề nghiệp khoảng 900 nghề thì phụ huynh, học sinh mới chỉ nắm bắt được 1/10 nghề nghiệp (khoảng 80-90 nghề), vì chúng ta được giáo dục hướng nghiệp muộn.
"Nếu không định hướng và phát triển sớm, chúng ta sẽ không có những tài năng bóng đá như Quang Hải. Chúng ta phải phát hiện tài năng sớm trên nhiều lĩnh vực: bóng đá, nghệ thuật, văn học… như Hoàng Anh Gia Lai lựa chọn từ khi các em còn nhi đồng. Chúng ta phải bồi dưỡng, phát hiện nhân tài. Nội dung Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục sẽ góp phần thực hiện phát hiện tài năng sớm", ông Dũng nói.
Thông tư quy định một số kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo, tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp cho học sinh từ sớm. Bởi hiện nay, việc học sinh được tiếp cận với đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là nhu cầu cấp thiết của tất cả các ngành, lĩnh vực và của nhiều nước trên thế giới.
Nội dung thông tư này chính là một phần để giáo viên tăng cường khả năng đổi mới sáng tạo, tích cực nghiên cứu lồng ghép các nội dung thực tế trong các bài giảng bài giảng giúp học sinh đến những mục tiêu cụ thể hơn.
"Việc gắn bó giữa tư vấn nghề nghiệp và khởi nghiệp là không tách rời. Nói riêng về khởi nghiệp có 3 giai đoạn: Tinh thần khởi nghiệp - Giải pháp khởi nghiệp - Quản trị các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong 3 quá trình này, không quá trình nào không gắn với giáo dục khởi nghiệp. Trước hết, tinh thần khởi nghiệp liên quan đến rất nhiều môn học khác nhau.
Nội dung Thông tư đi theo quy trình 4 bước hình xoáy trôn ốc đi lên: Quan sát, nhận biết (Bậc tiểu học) - Thử nghiệm (THCS) - Thực hành và kết luận (THPT) và Phát triển nghề nghiệp (Đại học)", ông Dũng cho biết thêm. Đây là một điểm đột phá của Thông tư khi đã quy định đầy đủ quy trình tổ chức các hoạt động tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh đối với các cấp bậc học một cách phù hợp theo từng giai đoạn.