TPHCM đề xuất kéo dài năm học: Bộ Giáo dục & Đào tạo nói gì?
(Dân trí) - Theo khung chương trình năm học, các nhà trường có 2 tuần dự phòng cho những trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, Chủ tịch UBND các tỉnh thành được quyền quyết định kéo dài năm học không quá 15 ngày.
Như vậy, các địa phương sẽ có một tháng để thực hiện và hoàn thành chương trình trong trường hợp đặc biệt, không cần phải xin phép kéo dài thêm.
Trên đây là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) về đề xuất kéo dài năm học của UBND TPHCM.
Trao đổi với PV Dân trí chiều 30/8, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, theo Công văn số 2551/QĐ-BGDĐT về khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyền quyết định thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày, để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục trong trường hợp đặc biệt.
Cũng theo khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD-ĐT là 37 tuần, trong khi chương trình thực học thì được thiết kế 35 tuần.
Như vậy, mỗi học kỳ đều có thêm một tuần đệm, như là tuần dự phòng để đảm bảo có thể linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương.
Tính tổng cộng hai tuần dự phòng, cộng với quyền quyết định của Chủ tịch UBND các tỉnh thành, địa phương sẽ có một tháng để thực hiện và hoàn thành chương trình trong trường hợp đặc biệt mà không cần phải xin phép kéo dài thêm.
Ngoài ra, cũng theo ông Thành, trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học có hướng dẫn các địa phương cố gắng bố trí cho các trường dạy nhiều hơn 6 buổi/tuần.
Cụ thể, thời gian thực học là 35 tuần với chương trình 1 buổi/ngày, 6 buổi/tuần nhưng nếu trường bố trí nhiều hơn 6 buổi/tuần, có thể khoảng thời gian thực đến trường có thể nhỏ hơn 35 tuần thực tế mà vẫn đảm bảo đúng chương trình.
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc, hiện một số tỉnh thành đang giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nếu việc giãn cách tiếp tục kéo dài thì tình hình học tập của học sinh sẽ như thế nào?
Ông Thành cho hay, nếu xảy ra tình huống đó, Bộ GD-ĐT sẽ bàn bạc với các địa phương để có phương án tương tự như năm 2019-2020.
"Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục căng thẳng kéo dài, Bộ GD-ĐT luôn sát cánh và đồng hành cùng các địa phương để thống nhất với các tỉnh thành nhằm có một mốc chung cho cả nước", ông Thành nói.
Được biết năm ngoái, Bộ GD-ĐT đã hai lần điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học và lùi thời gian thi tốt nghiệp THPT do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Lần lùi thứ nhất, thời điểm kết thúc năm học được quyết định vào trước 30/6/2020 và thi tốt nghiệp THPT vào ngày 23- 26/7/ 2020.
Ở lần lùi thứ hai, thời gian kết thúc năm học là 15/7/2020, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức vào các ngày 8 ,9, 10, 11/8/2020.
Tại buổi họp trực tuyến mới đây, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, do tình hình dịch Covid-19, năm học 2021-2022 tại TPHCM không thể bắt đầu theo hình thức trực tiếp.
Trong thời gian này, giáo dục trung học bắt đầu năm học từ 1/9. Khối tiểu học bắt đầu muộn hơn một tuần, tức 8/9. Thầy cô sẽ dành 10 ngày đầu hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học trên Internet cho học sinh, phụ huynh.
Thành phố chỉ đạo tăng cường xây dựng kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với thực tế và chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho việc học trực tuyến hết học kỳ I.
Các địa phương kiểm soát dịch tốt sẽ tổ chức dạy trực tiếp ngay khi đủ điều kiện, tận dụng tối đa thời gian vàng dạy trực tiếp, đặc biệt với lớp 1, lớp 2, lớp đầu và cuối cấp.
Do dịch bệnh, hiện ở TPHCM chỉ hơn 60% SGK theo chương trình Giáo dục phổ thông mới được chuyển đến các trường.
Thành phố đã chỉ đạo các địa phương tìm giải pháp phân phối sách sớm nhất cho học sinh tùy tình hình khu vực.
Ngoài ra, thành phố tiến hàng cung cấp SGK điện tử cho lớp 1-12 trên Internet và thông tin đến phụ huynh tạm sử dụng trong thời gian đầu.