TPHCM: Dẫn đầu môn "đội sổ", vui không nổi!

Lê Đăng Đạt

(Dân trí) - Điểm môn tiếng Anh "đội sổ" trong số 9 môn thi tốt nghiệp THPT 2020 với những con số đáng cảnh báo. Nơi dẫn đầu là TPHCM có điểm trung bình chỉ 5,86 với nhiều người như một nốt thăng buồn.

Môn quan trọng "đội sổ" 

Nhiều người phải thở dài, thậm chí là hoang mang trước kết quả thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT: Đứng ở hàng "đội sổ", là môn duy nhất có điểm trung bình dưới 5, tỷ lệ học sinh đạt dưới trung bình rất cao... 

TPHCM: Dẫn đầu môn đội sổ, vui không nổi! - 1

Tiếng Anh là môn "đội sổ" trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Trong khi, phải nói đây là môn học, nhiều năm qua, từ góc độ gia đình đến nhà trường, không riêng gì ở các thành phố lớn, dốc không ít công sức, tiền bạc để đầu tư cho con trẻ học tiếng Anh. Nhưng kết quả thu lại không chỉ là gây thất vọng mà là sự lo lắng. 

Chưa kể, kết quả này chỉ mới về mặt điểm số, học sinh chủ yếu chỉ đáp ứng về mặt ngữ pháp, kiến thức ngôn ngữ... mà đã rất thấp. Còn thực tế, còn việc sử dụng tiếng Anh trong thực tiễn còn khủng khiếp hơn nữa. 

Theo phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, tiếng Anh là môn duy nhất có điểm trung bình dưới 5. 

Cụ thể, điểm trung bình là 4,58 điểm, điểm trung vị là 4,2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,4 điểm. 

Đây cũng là môn thi duy nhất mà điểm số "lệch trái" trên biểu đồ phổ điểm, nghĩa là số lượng dưới trung bình rất cao. Số thí sinh đạt điểm tiếng Anh dưới trung bình chiếm tỷ lệ trên 63%. 

ThS Lê Nguyệt, cô giáo được mệnh danh là "phù thủy phát âm", người sáng lập  một trung tâm tiếng Anh có tiếng bày tỏ, thực trạng học tiếng Anh là chuỗi... các vấn đề từ trong đào tạo giáo viên ngoại ngữ, từ người thầy lẫn người học.

Về phía người dạy, bà Nguyệt ví von, trong nhà trường, tiếng Anh vẫn được thầy cô dạy như dạy toán, trong khi lẽ ra phải dạy như thể dục.

Việc học tiếng Anh phải thật sự theo quy trình nghe xong mới nói, nói được mới đọc, sau cùng là viết. Và phải luyện tập hàng ngày chứ không phải tập trung vào những quy tắc ngữ pháp. 

Theo cô Nguyệt, chính giáo viên trước đây họ cũng không được học nói, chỉ học để làm bài tập, nhiều giáo viên tiếng Anh... gặp người nước ngoài là lúng túng ngay. Giáo viên tiếng Anh làng nhàng thì không thể dạy được học trò. 

"Hồi tôi học cao học, có thầy giáo là giáo sư giờ lên lớp vẫn cầm cuốn giáo trình cách đây hơn 40 chục năm đọc. Trong khi, nhiều người chúng tôi đã học giáo trình đó từ cấp 3 và đã thay đổi cải tiến rất nhiều".

Phổ điểm môn tiếng Anh "lệch" hẳn về phía bên trái, thí sinh đạt điểm dưới trung bình áp đảo 

Phía người học, cô Nguyệt cho hay cần biết học đúng cách, phải nỗ lực hết mình, có mục tiêu rõ ràng. Mục tiêu thế nào thì kết quả mang lại sẽ như thế, nhiều gia đình cho con học tiếng Anh để thi cho qua môn, để đi du học... 

Học trò đạt điểm trung bình trên 8,7 vẫn không vui 

Năm nay, TPHCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về điểm trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, điểm tiếng Anh trung bình của thành phố cũng chỉ... 5,86 điểm. 

Phải nói, TPHCM rất đầu tư, quan tâm và có nhiều "bước đầu" trong dạy học tiếng Anh như đã thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường từ 20 năm qua, học sinh được học tiếng Anh từ lớp 1 và hiện nay tỷ lệ học sinh lớp 1 được học tiếng Anh trong trường học tiểu học của thành phố rất cao, khoảng 95%.  

TPHCM: Dẫn đầu môn đội sổ, vui không nổi! - 2

Học tiếng Anh trong trường tiểu học ở TPHCM 

Ngoài ra, trong trường học các em được lựa chọn một trong nhiều chương trình học khác nhau như chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh đề án, tiếng Anh tự chọn, chương trình Tích hợp... 

Thành phố cũng ken đặc trung tâm ngoại ngữ, không ngừng tăng lên từng ngày. Theo số liệu từ Sở GD&ĐT TPHCM, thời điểm này, có 854 trung tâm ngoại ngữ tin học trên địa bàn thành phố. 

Phải nói, từ nhà trường cho đến gia đình ở TPHCM, dốc rất nhiều cho tiếng Anh nên việc TPHCM liên tục dẫn đầu điểm tiếng Anh trong kỳ thi quốc gia là không bất ngờ. 

Tuy nhiên, dẫn đầu mà nhiều người vẫn chưa vui vì điểm trung bình thấp, Chưa kể, với môn tiếng Anh, điểm thi với thực tiễn còn là một khoảng cách rất xa. 

Anh Võ Anh Triết, quản lý và cũng là giáo viên một trung tâm Anh ngữ tại TPHCM chia sẻ, bản thân anh là người trong cuộc, anh không tự hào về kết quả này.

Mà ngược lại, anh rất nặng lòng cho dù trong kỳ thi vừa rồi, học trò của anh Triết có điểm trung bình là 8,71/10, cao hơn hẳn con số trung bình 5,86. 

"Lẽ ra tôi cần phải tự hào, nhưng tôi chỉ thấy hài lòng với kết quả đó, đủ giúp các học trò đóng góp vào tổng điểm 3 môn để xét tuyển vào đại học", anh bộc bạch.

Anh thẳng thắn cho biết, ngay cả những học trò của mình, với điểm trung bình cao như thế nhưng chỉ khoảng 50% là đủ sức sử dụng tiếng Anh để học tập và làm việc trong những ngày sắp tới. 50% còn lại phải nỗ lực nhiều hơn, với thái độ tốt nhất thì hoạ may mới sử dụng được sau này.

Anh Võ Anh Triết kể, vài năm trước, anh phụ trách kiểm tra tiếng Anh các ứng viên vào một công ty lớn. Anh gặp rất nhiều người trẻ, dân Sài Gòn, tốt nghiệp đại học lớn, và nửa chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng ấp úng.

Theo anh, giữa một thành phố lớn nhất nước, nơi tiếng Anh được dạy trong hầu như tất cả trường học, nơi trình độ giáo viên càng ngày càng tốt, điểm trung bình 5,86 cao nhất nước nổi lên như một nốt thăng thật buồn.

Về phía người học, anh Triết bộc bạch, phải làm sao để các em thấy được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh. Đừng vội trách thầy cô, hay hệ thống giáo dục. 

Không ai có thể dạy cho bạn giỏi lên nếu bạn không muốn học, và không hiểu học để làm gì? Mỗi người học phải tự trách bản thân mình khi tự từ chối cơ hội được học tập.

Anh Triết nói: "Tôi vẫn luôn nói rằng tiếng Anh sẽ mở ra cho các con những cánh cửa lớn, nhưng quả thực không nhiều học trò xem việc học điều đó là nghiêm túc".  

Trong khi, theo các chuyên gia thời đại hội nhập, việc hạn chế tiếng Anh không chỉ đánh mất cơ hội cá nhân mà còn ảnh hưởng đến sự phát đất nước.