Bạn đọc viết:

Tốt nghiệp đại học lương không bằng công nhân, vậy sao cứ cố phải vào?

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Có một người bạn cũ đã hỏi tôi một câu: "Cầm cự 4 năm đại học nhàm chán, ra trường 2 năm lương còn thấp hơn bạn tốt nghiệp cấp 3 làm công nhân, rốt cuộc cớ sao chúng ta cứ cố chấp phải vào đại học?

Có một người bạn cũ đã hỏi tôi một câu: "Cầm cự 4 năm đại học nhàm chán, ra trường 2 năm lương còn thấp hơn bạn tốt nghiệp cấp 3 làm công nhân trong xí nghiệp, rốt cuộc thì cớ sao chúng ta cứ cố chấp phải vào giảng đường"?

Tôi muốn nói với cậu ấy 3 điều.

Tốt nghiệp đại học lương không bằng công nhân, vậy sao cứ cố phải vào? - 1

Đời người vốn dĩ trải qua rất nhiều "cuộc đua". Ngay từ khi chưa thành hình, mỗi "người" đều trải qua cuộc thi đầu tiên, ai mạnh nhất thì có được "vé" vào vòng trong, chờ đợi 9 tháng 10 ngày để nhìn thấy ánh mặt trời. Quãng thời gian học sinh với vô số bài thi căng thẳng. Rồi năm tháng trưởng thành, những gập ghềnh, ganh đua cũng chẳng buông tha một ai.

Tốt nghiệp đại học lương không bằng công nhân, vậy sao cứ cố phải vào? - 2
Khi bạn tìm được đáp án cho câu hỏi "Tôi là ai?" thì mọi ánh nhìn không tích cực cũng chẳng còn quan trọng nữa.

Dường như cuộc đời được trải ra theo lộ trình cấp học: mẫu giáo - cấp 1 - cấp 2 - cấp 3 - đại học. Chúng ta vẫn luôn mặc định, đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Bởi vậy dù "trầy da tróc vảy" thì vẫn phải cố để chạm đến giảng đường. Thậm chí, suy nghĩ "chỉ có vào được đại học thì cuộc đời mình mới tươi sáng hơn" từng là châm ngôn sống suốt 3 năm THPT của tôi, và có lẽ là hầu hết các bạn cũng như thế.

Học đại học là con đường mà hầu hết bạn trẻ chọn để viết tiếp ước mơ. Không thể phủ nhận đó là cánh cửa an toàn, nhưng chắc chắn không phải là con đường duy nhất để khẳng định bản lĩnh cá nhân. Chưa kể, nếu chọn sai đường thì suốt 4 năm bạn sẽ khó tìm thấy hứng thú, điều này bi kịch gấp nhiều lần so với việc trượt đại học.

Thực tế cho thấy, nhiều người cảm thấy mệt mỏi khi phải theo đuổi ngành học không đúng nguyện vọng, hoặc là chọn nghề theo xu hướng, hoặc nghe theo sự sắp xếp của gia đình. Bạn cứ loay hoay mãi giữa những câu hỏi "Tôi là ai?", "Tôi đang mong muốn điều gì?", "Con đường tôi đang đi liệu có đúng hay không?"... Khi bản ngã không đủ lớn, cuộc đời bạn dễ chìm trong bế tắc. Thế nên, đại học chưa bao giờ là sự lựa chọn duy nhất dành cho bạn.

Tốt nghiệp đại học lương không bằng công nhân, vậy sao cứ cố phải vào? - 3

Trong cuộc chạy đua "trường top", có những nụ cười mãn nguyện và cả vô số giọt nước mắt hối tiếc. Tôi có người bạn từng trải qua ngày tháng "chật vật" để vượt qua nỗi thất vọng trượt "trường top".

Bạn nói: "Không học trường top thì làm sao có sự nghiệp xán lạn được". Nhưng "đường dài mới biết ngựa hay", cuộc sống hiện tại của người bạn ấy đã chứng minh ngược lại: Học "trường top" không đảm bảo sự nghiệp "hàng top".

Tốt nghiệp đại học lương không bằng công nhân, vậy sao cứ cố phải vào? - 4
Dù bạn chọn lựa con đường nào thì sự cố gắng của bạn quyết định tất cả.

Sau khi ra trường, cậu ấy làm trái ngành, công việc khác hoàn toàn với những gì học được ở giảng đường đại học. Dường như, ở 4 năm đại học cậu ấy đi tìm câu trả lời rằng "Bản thân đang mong muốn điều gì". Và cuối cùng, con đường mà cậu chọn bước tiếp lại không hề liên quan đến ngành học. Cho đến bây giờ, mỗi lần gặp nhau cậu ấy vẫn cười xòa nhắc lại kỷ niệm "trượt trường top".

Thế mới thấy, một trường đại học top đầu đảm bảo chất lượng đào tạo nhưng không phải là bạn nắm chắc tấm vé sự nghiệp xán lạn. Tương lai của bạn vốn dĩ nằm trong lòng bàn tay của bạn, không ai có thể quyết định thay được. Dù học đại học hay chọn lựa con đường khác, chỉ cần đủ kiên trì, cố gắng thì "quả ngọt" hái được sẽ mọng nước. Thế giới này luôn xoay vần, ngày mai thức dậy "bạn là ai" thì chưa thể biết được…

Tốt nghiệp đại học lương không bằng công nhân, vậy sao cứ cố phải vào? - 5

Tôi vẫn luôn nghĩ, 2 năm đầu tiên sau khi ra trường là thời gian để chọn công việc. Ở một khía cạnh nào đó, mức lương đôi khi không chỉ phụ thuộc vào xếp loại bằng cấp, nó thể hiện năng lực thực tế và cả một chút may mắn.

Tốt nghiệp đại học lương không bằng công nhân, vậy sao cứ cố phải vào? - 6

Đại học chưa bao giờ là lựa chọn duy nhất.

Đa số sinh viên mới ra trường đều từng trải qua giai đoạn "vỡ mộng" với thực tại khắc nghiệt. Bạn "đầu tắt mặt tối" chạy đua với deadline, với công việc bận rộn, không còn có thời gian để suy nghĩ mộng mơ như thời sinh viên. Đó còn là may mắn hơn nhiều người vẫn còn "rải" hồ sơ xin việc dày đặc mà vẫn chưa tìm được một "chỗ ngồi" như ý.

Như câu chuyện của người bạn làm trái ngành, dù công việc của bạn là công nhân hay làm ở môi trường văn phòng thì sự nỗ lực đều được đền đáp xứng đáng. Công nhân có tay nghề, chuyên môn vững "không lo chết đói", còn cử nhân "chỉ có tấm bằng đỏ" mà không rèn giũa chỉ có thể "giậm chân tại chỗ".

Đừng chỉ nên nhìn vào "vỏ bọc" bên ngoài mà quên mất rằng, thực chất nghề nghiệp nào cũng đều đáng quý. Vốn dĩ không ai quy định, con đường đến đỉnh thành công nhất định phải thẳng băng. Đúng không?

Tốt nghiệp đại học lương không bằng công nhân, vậy sao cứ cố phải vào? - 7

Bạn sinh ra không phải chỉ để chăm chăm nghe theo lời phán xét của người khác. Hãy chọn con đường khơi dậy được niềm đam mê, có thể khiến bạn hài lòng. Bạn nên nhớ rằng "trường đại học đôi khi không dạy bạn cách sống hạnh phúc".

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả. Còn ý kiến của bạn như thế nào, xin hãy để lại bình luận phía dưới!