“Tiếng kẻng học bài” ở xã vùng cao Ch’ơm

(Dân trí) - Tại xã miền núi cao Ch’ơm - xã xa nhất trung tâm hành chính huyện Tây Giang, Quảng Nam nơi việc đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa, Hội Khuyến học xã đã kết hợp chặt chẽ với nhà trường tổ chức phát động phong trào “Tiếng kẻng học bài”.

Phong trào “Tiếng kẻng học bài” được thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao chất lượng sự nghiệp trồng người ở huyện vùng cao Tây Giang.   

Dù việc mất liên lạc, tắc đường giao thông là lẽ bình thường, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, song tinh thần ham học luôn được người dân xã Ch’ơm nêu cao. Đến quý 2 năm nay, xã Ch’ơm đã trở thành điểm sáng trong phong trào “Tiếng kẻng học bài” nơi vùng cao biên giới.

Đến thôn Rét (cách trung tâm xã Ch’ơm gần 2km), chúng tôi chứng kiến cảnh hơn 20 em học sinh tiểu học đang tập trung xếp hàng ngang rồi tiến vào nhà sàn của ông Bh’riu Nhoon, trưởng ban quản trị thôn.

Chúng tôi hỏi ông trưởng thôn: “Hôm nay các cháu làm gì mà tập trung đông thế?”, ông Nhoon vui vẻ cho biết: “Đã mấy tuần nay rồi, các cháu tới nhà tôi tự học theo phát động của nhà trường với Hội Khuyến học xã”.

Chúng tôi đang ngồi uống nước trà cùng chủ nhà thì nghe tiếng kẻng của thôn “keng keng keng”. Nhìn trong nhà, các cháu đã ngay ngắn trên sàn học tập và không còn nghe thấy tiếng nói cười gì nữa. Ông Nhoon giới thiệu: “Tiếng kẻng vừa nãy là tiếng kẻng báo hiệu các cháu tự vào học chiều”. Tôi nhìn đồng hồ vừa đúng 14 giờ. Các cháu ai nấy tự giác ngồi học theo nhóm lớp riêng, cách nhau một gian nhà, có nhóm đang học vần, có nhóm đang làm bài tập toán cộng trừ; có nhóm đang tập viết chữ đẹp...

“Tiếng kẻng học bài” ở xã vùng cao Ch’ơm - 1
Cô Bh’Ling Thị Đẹp - chủ tịch Hội Khuyến học xã Ch'ơm đang hướng dẫn cho các em học sinh trong một buổi tự học.

Tranh thủ bắt chuyện các cháu, tôi hỏi: “Các cháu học tập trung thế này có thích không?”, một cháu trai nước da ngăm đen đứng dậy trả lời bằng tiếng Cơ Tu: “Kính thưa các bác các chú chúng cháu học thế này thích lắm, Amế (mẹ), và Ama (ba) ở nhà cũng thích lắm”.

“Thế buổi tối các cháu có tự học nữa hay nghỉ?” - một cháu gái khác đứng bên cạnh nhanh miệng nói: “Buổi chiều chúng cháu học đến 16 giờ 30 rồi nghỉ về nhà giúp cha, mẹ. Buổi tối chúng cháu tự học tại nhà từ 7 giờ đến 9 giờ ạ”.

Đang ngồi trò chuyện ở nhà ông trưởng thôn, chúng tôi may mắn được gặp cô Bh’Ling Thị Đẹp, chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ch’ơm kiêm chủ tịch Hội Khuyến học từ năm 2008 đến nay. Cô Bh’Ling Thị Đẹp đến thăm các cháu trong giờ tự học. Cô cho biết, người Cơ Tu bây giờ học lớp 12 không phải còn hiếm như cách đây 10 năm ở đất Tây Giang này nữa.

Cô Bh’Ling Thị Đẹp cho biết, toàn xã có 516 hội viên Hội Khuyến học xã, 26 gia đình hiếu học và tộc họ khuyến học có tâm huyết nhiệt tình với hoạt động khuyến học. Đây là động lực trực tiếp tạo dựng phong trào thi đua “Tiếng kẻng học bài’, 8/8 thôn của xã thực hiện quy chế giờ tự học ở từng thônấyáng từ 7 giờ đến 9 giờ 30; chiều từ 13 giờ đến 16 giờ; tối từ 19 giờ đến 21 giờ.

Theo báo cáo của chủ tịch Hội Khuyến học xã, số học sinh tiểu học tự học theo phong trào “Tiếng kẻng học bài” đạt tỷ lệ từ 70-80%. Đặc biệt như thôn Z’rượt, thôn Réh, số học sinh tiểu học tự học, tự quản đạt 85-90%. Số học sinh học khá giỏi trong năm học vừa qua tăng hơn năm học 2008-2009.

“Tiếng kẻng học bài” ở xã vùng cao Ch’ơm - 2
Ông ARất Hơn - chủ tịch Hội Khuyến học Tây Giang (bên phải) đang trao đổi công việc với cô Bh’Ling Thị Đẹp - chủ tịch Hội Khuyến học xã Ch’ơm.

Bài và ảnh: Công Bính