Thiếu giáo viên khắp cả nước: Bộ GD&ĐT không giải quyết được

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Thiếu giáo viên là việc lớn mà tầm của Bộ GD&ĐT không giải quyết được. Thực hiện Nghị định 116, phải có sự vào cuộc của các bộ ngành khác và UBND các tỉnh, thành phố.

Báo động về đội ngũ giáo viên nếu chậm triển khai Nghị định 116

Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021- 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề cập đến tầm quan trọng của việc triển khai đồng bộ Nghị định 116 của Chính phủ (quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, cũng như đặt hàng trường sư phạm trong đào tạo giáo viên).

Ông nhấn mạnh tới việc cần thiết có sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ đối với các bên liên quan để thực hiện Nghị định này.

"Nếu chậm, trong vài năm nữa sẽ báo động về đội ngũ giáo viên", GS Minh nhấn mạnh.

Thiếu giáo viên khắp cả nước: Bộ GDĐT không giải quyết được - 1
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Liên).

Thực tế, tình trạng thiếu giáo viên đang trở nên nghiêm trọng ở nhiều tỉnh thành hiện nay.

Chia sẻ tại Hội nghị, một số địa phương cho biết thiếu hàng nghìn giáo viên, nhất là với chương trình phổ thông mới.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân hiện chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018. 

Cụ thể, thiếu giáo viên môn tiếng Anh, Tin học đối với cấp tiểu học; thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật với cấp THPT khi áp dụng chương trình mới. Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng, chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở những địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn,…

Theo GS Minh, Nghị định 116 là giải pháp ưu việt thu hút người giỏi theo học và phục vụ trong ngành sư phạm. Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là việc làm của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp, là chế độ chính sách, cơ hội phát triển của đội ngũ giáo viên.

"Tôi nghĩ rằng đây là việc lớn mà tầm của Bộ GD&ĐT không giải quyết được. Kính mong Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, chỉ đạo để ngành phát triển hơn", GS Minh nói. Ông nhấn mạnh, Nghị định 116 nếu một mình Bộ GD&ĐT thực hiện sẽ rất khó, phải có sự vào cuộc của các bộ ngành khác và UBND các tỉnh, thành phố.

Cũng tại Hội nghị, GS Minh đề cập tới việc tiếp cận bình đẳng trong giáo dục. Đây là vấn đề nâng cao dân trí, không đơn thuần là kết quả học tập, điểm số, bằng cấp, thi cử. Theo ông, dù chúng ta đã có những nỗ lực, nhưng chưa có giải pháp căn cơ và bền vững để vực lên tình hình giáo dục của các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên. Biểu hiện rất rõ là trong nhiều năm vừa qua, kết quả thi tốt nghiệp THPT tại các vùng này vẫn chưa được cải thiện nhiều.

GS Minh cho rằng cần có các giải pháp kiên cố hóa trường học, xây nhà công vụ cho giáo viên, có chế độ với thầy cô, học sinh ở các vùng khó khăn và coi đây như tâm điểm cần đầu tư trọng điểm. "Trong điều kiện hiện tại, với sự phân hóa giàu nghèo và việc lựa chọn môi trường công tác thuận lợi hơn, nên chăng cần những giải pháp cụ thể để có thể có đội ngũ giáo viên ở các vùng khó khăn", GS Minh chia sẻ.

Bảo đảm nguyên tắc "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp"

Tại báo cáo Hội nghị Tổng kết năm học 2021- 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT cho biết đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ giáo dục để thực hiện tốt các quy định về tuyển dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành Giáo dục; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi.

Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp", ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018. Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026. Đến nay, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương trong cả giai đoạn 2022-2026.

Về nguồn nhân lực cho việc triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT thông tin, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục của các địa phương đã hoàn thành bồi dưỡng các mô đun ưu tiên, được trang bị kiến thức và kỹ năng để thực hiện chương trình mới.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành các khóa bồi dưỡng đại trà cho 641.240 giáo viên (trong đó có 322.082 giáo viên tiểu học, 216.204 giáo viên THCS, 102.954 giáo viên THPT) và 48.422 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (trong đó, cấp tiểu học có 25.562 người, THCS có 16.784 người, THPT có 6.076 người).

Ngoài ra, hoàn thành bồi dưỡng 6 mô đun ưu tiên cho 30.127 giáo viên cốt cán (đạt 105,3% so với mục tiêu đề ra) và 3.815 cán bộ quản lý cốt cán (đạt 106% so với mục tiêu đề ra).

Bộ GD&ĐT cho biết thời gian tới sẽ tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo. Trong đó, ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình GDPT 2018.

Bộ cũng tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo quy định tại Nghị định 71 ngày 30/6/2020 của Chính phủ; chú trọng bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học.

Vấn đề đào tạo giáo viên sẽ gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt, bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3.