Quảng Bình:

Thích ứng, linh hoạt trong công tác đào tạo nghề giữa đại dịch Covid-19

Tiến Thành

(Dân trí) - Đào tạo nghề không chỉ giúp người lao động tạo sinh kế mà còn duy trì, phát triển các làng nghề, nâng cao giá trị sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Linh hoạt trong đào tạo nghề

Quảng Bình là một địa phương còn nhiều khó khăn, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động còn những vướng mắc, cơ sở hạ tầng còn thiếu, do đó kết quả đạt được còn khá khiêm tốn.

Trong những năm qua, hiểu được tầm quan trọng trong công tác đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều giải pháp linh hoạt, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giúp người dân có công việc, thu nhập để tạo dựng cuộc sống và vươn lên.

Lao động

Dịch Covid-19 thời gian qua ảnh hưởng rất lớn đến người lao động cũng như công tác đào tạo nghề.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Bình, năm 2021, tỉnh này có kế hoạch tuyển sinh đào tạo cho 16.000 học viên trình độ các hệ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, từ đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 66%. Tuy nhiên, khi bắt đầu thực hiện kế hoạch thì dịch Covid-19 xảy ra, gây nhiều khó khăn, trở ngại trong tuyển sinh và dạy nghề.

Trước thực tế đó, các cơ giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, linh hoạt thực hiện biện pháp tư vấn, tuyển sinh trực tuyến và điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp, bảo đảm nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Nhiều trường tổ chức dạy trực tuyến phần lý thuyết, còn phần thực hành thì trực tiếp bằng cách chia nhóm nhỏ, bảo đảm quy định phòng, chống dịch.

Đặc biệt, từ giữa tháng 10/2021 đến nay, khi tỉnh Quảng Bình cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 thì các cơ sở dạy nghề trở lại dạy học trực tiếp với nhiều cách, các lớp dạy nghề ngắn hạn được mở lại ngay tại địa bàn dân cư để hạn chế di chuyển cho học viên.

Với các lớp đào nghề dài hạn thì học viên được bố trí ăn, ở, học tập ngay tại các trường nghề một cách khép kín. Phần thực hành trong xưởng thì chia nhóm nhỏ; trên bãi tập lái xe, máy thì tổ chức theo ca, kíp nhằm phòng, chống dịch nhưng bảo đảm trình độ, tay nghề của học viên.

Nhờ những nỗ lực vượt khó và thích ứng, linh hoạt trong công tác đào tạo nghề nên tỷ lệ tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp của Quảng Bình năm 2021 cao hơn so năm 2020, với 19.536 người, đạt 122 % kế hoạch.

Thích ứng, linh hoạt trong công tác đào tạo nghề giữa đại dịch Covid-19 - 2

Quảng Bình đang nỗ lực đào tạo để nâng cao trình độ của lao động nông thôn.

"Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát nhưng với sự thích ứng, nỗ lực của các đơn vị, số lượng lao động đăng ký học nghề ngắn hạn tại Quảng Bình đã tăng đột biến. Các nghề ngắn hạn như lái xe, chăn nuôi, thú y, mây đan... được người lao động lựa chọn nhiều", bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình cho biết.

Đào tạo để lao động phát triển bền vững

Từng là một lao động tự do với đủ thứ nghề, cuộc sống trước đây của chị Nguyễn Thị Hồng, trú tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới hết sức khó khăn nhưng nhờ được đào tạo nghề, chị đã có bước đệm để phát triển kinh tế gia đình.

Theo chia sẻ của chị Hồng, khi xã biển Bảo Ninh, quê hương chị trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn, chị đã nghĩ tới các nghề dịch vụ để phục vụ khách du lịch. Nhưng với một lao động phổ thông, công việc làm dịch vụ gặp không ít khó khăn. Do vậy, khi nghe tin chính quyền thành phố phối hợp Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình mở lớp nghiệp vụ nhà hàng thì đăng ký học ngay.

Sau 3 tháng đào tạo, chị Hồng được cấp chứng chỉ nghề, cùng những kiến thức và kỹ năng tích lũy từ khóa học, chị mở cửa hàng giải khát ngay tại nhà. Thực đơn phong phú và các loại đồ uống pha chế chất lượng, quán thu hút đông khách, góp phần nâng cao thu nhập gia đình.

Dịch bệnh làm công việc kinh doanh của chị Hồng và nhiều người khác ở địa phương gặp khó khăn nhưng chị tin rằng, khi lĩnh vực du lịch sôi động trở lại, công việc dịch vụ của chị cũng khởi sắc hơn.

Thích ứng, linh hoạt trong công tác đào tạo nghề giữa đại dịch Covid-19 - 3

Thông qua lớp đào tạo, nhiều người có dịp rèn luyện, nâng cao tay nghề để tạo ra sản phẩm có giá bán cao, qua đó góp phần giữ nghề truyền thống.

Còn với chị Phạm Thị Quý, trú tại xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, quê hương chị Quý vốn có nghề truyền thống mây tre đan. Tuy nhiên, với chị Quý và nhiều người dân khác ở xã Quảng Văn, chủ yếu đan phần thô, mà sản phẩm ở công đoạn này thì giá bán không cao.

Trong khi đó, để sản phẩm mỹ nghệ có giá trị cao trên thị trường đòi hỏi phải đẹp và tinh xảo. Được hướng dẫn, chị Quý và nhiều lao động địa phương đã quyết định tham gia lớp đào tạo nghề mây tre đan do Trung tâm Khuyến công Quảng Bình mở.

"Có đi học và đào tạo nghề thì tay nghề mình mới lên, với những gì được học, các sản phẩm mây tre đan tôi thực hiện nhanh hơn, đẹp và đa chủng loại hơn. Bên cạnh đó, qua đào tạo, tư duy thị trường của tôi cũng được nâng cao hơn, nắm bắt được xu thế thì mới biết sản phẩm nào cần, đang là thị hiếu, qua đó dễ bán, thu nhập cũng sẽ cao hơn", chị Quý chia sẻ.

Nói về nghề mây tre đan của địa phương, lãnh đạo xã Quảng Văn cũng cho biết, đã có lúc, nghề truyền thống này có nguy cơ mai một, trong đó có nguyên nhân thiếu lao động có tay nghề cao. Thông qua lớp đào tạo, nhiều người có dịp rèn luyện, nâng cao tay nghề để tạo ra sản phẩm có giá bán cao, qua đó góp phần giữ nghề truyền thống.

Quảng Bình hiện có khoảng 15 nghìn lao động từ phía Nam trở về quê. Xác định đây là nguồn lực quan trọng phục vụ sản xuất, vì thế, ngành LĐ-TB&XH phối hợp chính quyền các địa phương, tìm hiểu nguyện vọng, hỗ trợ lao động đào tạo lại nghề để tìm việc làm ngay tại quê hương, qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho người dân trong giai đoạn khó khăn này.