Thanh Hóa:
Dạy nghề giúp người khuyết tật vươn lên thoát nghèo
(Dân trí) - Hơn 1.000 người khuyết tật được đào tạo nghề đã thoát nghèo, hàng trăm người là chủ cơ sở, hợp tác xã, công ty… đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tạo sinh kế
Thanh Hóa hiện có 217.000 người khuyết tật, thời gian qua để tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống cho nhóm đối tượng yếu thế này, hàng nghìn người đã được địa phương tạo điều kiện hỗ trợ, đào tạo nghề.
9 tuổi chị Phạm Thị Thắm (ở phường Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa) được phát hiện mang căn bệnh viêm tủy. Căn bệnh đã bắt Thắm phải gắn chặt cuộc đời trên chiếc xe lăn. Học hết lớp 9, hoàn cảnh gia đình khó khăn, vất vả, trường học lại xa nhà, Thắm đành từ bỏ ước mơ cắp sách tới trường.
Thời gian này, Thắm được học nghề thêu sau đó tự làm ra sản phẩm kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, được một thời gian, Thắm lên mạng học được nghề may từ một người thầy nên đã chuyển hẳn sang nghề này.
Đến nay, sau 10 năm, chị Thắm đã có một cửa hàng may riêng cho mình. Không chỉ có thu nhập nuôi sống bản thân, chị Thắm còn đào tạo, dạy nghề miễn phí và tạo điều kiện việc làm tại chỗ cho nhiều người khuyết tật ở địa phương và cả những người bình thường.
Còn với chị Lê Thị Thuận, ở thôn Viên Khê 1, xã Đông Khê (Đông Sơn), sau khi bị tai nạn đã trở thành người khuyết tật. Thế nhưng, không đầu hàng số phận, chị Thuận tìm đến Hội người khuyết tật để được học nghề.
Sau khi được học và thành thạo với nghề mây tre đan, chị Thuận đã đứng ra thành lập doanh nghiệp "Tạo việc làm tươi sáng" để đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Hiện nay doanh nghiệp của chị thu hút hơn 100 lao động.
Các mặt hàng được doanh nghiệp chị sản xuất như: Túi xách, cặp đựng tài liệu, giỏ hoa, mâm, làn, hộp đựng giấy… Sản phẩm không chỉ được bán ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Doanh thu sau khi trừ chi phí đạt 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho lao động với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng…
Được biết, trong năm qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa đã chọn được 22 nghề phù hợp với người khuyết tật như: Chế biến cói mỹ nghệ, mây tre đan, làm tranh lưu niệm bằng đá quý, tranh gạo rang, may, thêu ren, làm chổi đót, trồng trọt, sửa chữa điện dân dụng, nấu ăn, cắt tóc...
Trên cơ sở chọn nghề phù hợp với nhu cầu và phù hợp với dạng tật của người khuyết tật, Hội đã xây dựng kế hoạch, báo cáo các cấp thẩm quyền và vận động các Hợp tác xã, làng nghề truyền thống ở các địa phương mở lớp học từ 20 - 30 người theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Những học viên sau khi kết thúc khóa học đều được bố trí việc làm và được tạo điều kiện tiêu thụ những sản phẩm do họ làm ra.
Hơn 1.000 gia đình người khuyết tật thoát nghèo
Trong 10 năm qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã trực tiếp huy động nguồn lực, chủ trì phối hợp với các tổ chức và các Hợp tác xã, doanh nghiệp, mở được 65 lớp học nghề cho 1.853 học viên là người khuyết tật.
Hội cũng phối hợp với Trường Trung cấp Nghề thanh thiếu niên khuyết tật đặc biệt khó khăn tỉnh Thanh Hóa dạy nghề cho 4.895 học viên. 80% người khuyết tật sau khi học nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định; 1.072 hộ có người khuyết tật thoát nghèo, 286 người khuyết tật trở thành chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ông Lê Hồng Lương, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Dạy nghề gắn với bố trí việc làm cho người khuyết tật có ý nghĩa giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập bền vững với cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm tự tin sống tự lập.
Bên cạnh đó giúp hàng nghìn người khuyết tật có việc làm, có thu nhập, nhiều gia đình người khuyết tật thoát nghèo, hòa nhập xã hội, sống độc lập tự chủ. Đồng thời, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh và chương trình an sinh xã hội".
Năm 2017, Câu lạc bộ "Thanh thiếu niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển" ra đời đến nay đã có 420 hội viên. Sự ra đời câu lạc bộ đã mang lại hiệu quả cao, số thanh niên khuyết tật được học nghề tăng lên rõ rệt, khơi dậy niềm tin, nghị lực tài năng của cộng đồng người khuyết tật trong tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp.