Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: "Ui giời, mẹ yên tâm đi..."

(Dân trí) - Sáng sớm, Hà Nội mưa tầm tã, sấm chớp ầm ầm. Lên phòng gọi con, thì đã thấy con quần áo chỉnh tề, lại còn tô son nữa (mặc dù mẹ biết quy định là thí sinh phải đeo khẩu trang).

Tô son đi thi

Nói thật lòng trước đó mẹ cũng chỉ biết đến vậy, rằng thứ 7, chủ nhật con thi, vậy thôi, chẳng biết môn nào trước, môn nào sau. 11h đêm qua, mẹ lên phòng con còn thấy đang quấn tóc xoăn. Mẹ còn hỏi: "Mai thi Toán với Văn à, đi thi mà cũng phải đẹp thế à?" và xin ngủ với con một đêm mà con không đồng ý. Mẹ thức muộn, viết cho xong bài rồi đặt chuông báo thức.

Sáng sớm, Hà Nội mưa tầm tã, sấm chớp ầm ầm. Lên phòng gọi con, thì đã thấy con quần áo chỉnh tề, lại còn tô son nữa (mặc dù mẹ biết quy định là thí sinh phải đeo khẩu trang). Trên đường, con bảo mẹ mua cho con cốc cà phê, vì "đêm qua không ngủ được", mẹ cũng có chút lo lắng, chỉ sợ con buồn ngủ quá mà không làm được bài, con trấn an: "Ui giời, mẹ yên tâm đi".

Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Ui giời, mẹ yên tâm đi... - 1

Sáng nay mẹ đưa con đi thi, như một cuộc rong chơi. Con tô son rạng rỡ...

Nói thật, mẹ luôn cảm thấy yên tâm về con

Suốt 4 năm cấp 2, mẹ chưa từng sờ đến sách vở của con, chưa từng dạy con học bất kỳ một bài học nào, kể cả Văn (dù có thể đó là môn mẹ khá khẩm nhất). Con cũng chưa phải xuất sắc nhất ở lớp, cũng không phải là đứa chăm chỉ học, nhưng mẹ vẫn tin con ổn.

Trước ngày thi, mẹ còn bảo con thôi cứ chơi đi, đằng nào chả phải thi. Ngày xưa mẹ còn chả đỗ vào chuyên lớp 10 (như mong muốn của mẹ), vậy mà vẫn vào Học viện Báo chí, rồi ra trường vẫn làm ở tờ báo điện tử lớn của Việt Nam đó thôi.

Nói vậy cũng không hẳn là mẹ không quan tâm đến việc học của con. Mỗi kỳ con thi, kiểm tra, mẹ đều dành thời gian để đọc rất kỹ các bài văn con viết, từng câu, từng chữ, nhớ đến từng cảm xúc của con trong mỗi bài viết và bằng kinh nghiệm của người làm báo, mẹ thấy Văn con ổn, vậy là được.

Họp phụ huynh cuối năm, cuối buổi, mẹ gặp và chỉ hỏi cô giáo chủ nhiệm, cũng là cô giáo dạy Văn của con 4 năm, duy nhất một câu: "Xin cô cho biết là cháu có khả năng đỗ vào trường Phan Đình Phùng như cháu mơ ước không?" (Ngôi trường cũng thuộc loại top 3 của Hà Nội, và con muốn vào đó vì có "nhiều trai xinh, gái đẹp"). Cô bảo: "Con quảng giao, học chắc, tiếp thu nhanh, có khả năng thi đỗ vào Phan Đình Phùng, nếu phong độ của con tiếp tục ổn định như thế này". Vậy là mẹ mừng, mẹ yên tâm, mẹ rong chơi, và kệ con học, theo cách của con.

Sáng nay mẹ đưa con đi thi, như một cuộc rong chơi, cũng chẳng thấy áp lực gì lắm, bởi với mẹ, con học ở đâu cũng được, miễn là mình vui. Và bởi mẹ cũng biết, con sẽ đạt được mong muốn của mình, theo cách mà con muốn.

Mẹ nhớ hồi đầu năm lớp 7, mẹ bắt đầu cho con đi thử xe bus đi học (cách nhà tới 7-8km). Một lần con đi học, quên cặp sách trên xe bus (mà tuyến cuối của nó ở tận Bờ Hồ). Con gọi điện cho mẹ, mẹ đã xác định là thôi bỏ chiếc cặp đó đi, về mua lại cặp sách, sách vở mới. Vậy mà không, bằng một cách "vi diệu" nào đó, đến giờ mẹ cũng chả nhớ được, con vẫn đến trường và vẫn lấy lại được cặp sách của mình.

Từ đó, mẹ biết là "con được đấy", con sẽ xoay sở được mọi việc, theo cách của con. Ở tuổi nổi loạn, con ít nói, khó tính hơn và rất kiệm nói lời yêu thương với mẹ (chẳng giống như chị gái của con), nhưng mẹ tin con vẫn luôn yêu mẹ, theo cách của con.

Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Ui giời, mẹ yên tâm đi... - 2

Con học ở đâu cũng được, miễn là mình vui.

Luôn yêu con, theo cách của mẹ

Sáng nay, đưa con vào phòng thi ở trường Phan Đình Phùng, mẹ đi bộ ra Hồ Tây, ngồi ghế đá gần 4 tiếng chờ đợi. Mẹ ngắm mây trời, ngắm chim, ngắm mấy anh chàng đẹp trai cơ bắp cuồn cuộn đạp xe (ba con mà biết thì cũng gay đấy) và tận hưởng một buổi sáng Hà Nội thật đẹp, thật trong trẻo.

Đón con, nụ cười tươi rói, mẹ đoán và tin con đã "đặt được một chân vào ngôi trường này rồi". Vậy là mai thi môn cuối, mình sẽ bước tiếp, thật tự tin con nhé. Cố lên cô gái, phiên bản giống mẹ nhất, trong 3 đứa con gái của mẹ.

Mẹ viết lên đây, để mỗi năm facebook lại nhắc lại, để cho con thấy rằng mẹ đã yêu con như thế nào (dù đúng là hình như chúng mình cũng kiệm lời nói yêu thương với nhau hơn, so với chị và em gái của con). Và cũng chỉ muốn con biết rằng, mẹ sẽ luôn yêu con, theo cách của mẹ.