Thầy giáo xứ Nghệ "xung trận" chống Covid-19

Hoàng Lam

(Dân trí) - 130 viên chức giáo dục trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) được huy động cho các chốt phong tỏa chống Covid-19. Với kiến thức phòng dịch vừa được phổ biến, các thầy giáo bắt tay vào phần việc của mình...

Thầy giáo xứ Nghệ "xung trận" chống Covid-19.

Mùa hè trên chốt chống dịch

Khi có thông tin ngành giáo dục huy động lực lượng tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, nhiều viên chức các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đăng ký tình nguyện tham gia. 130 giáo viên, nhân viên y tế trường học được chọn cho "chiến dịch" này.

Thầy giáo xứ Nghệ xung trận chống Covid-19 - 1

Thầy giáo Nguyễn Doãn Hùng thực hiện nhiệm vụ trên chốt chống dịch đường Phạm Hồng Thái, TP Vinh, Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam).

Trong đó gần 100 giáo viên nam được phân công trực ở 13 chốt phong tỏa các cửa ngõ ra vào thành phố. Hơn 30 nhân viên y tế trường học được bổ sung cho các khu cách ly, các đội lấy mẫu xét nghiệm.

Đại úy Nguyễn Trọng Hùng (Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP Vinh), thực hiện nhiệm vụ tại chốt phòng dịch nối đường Phạm Hồng Thái với đường tránh Vinh, nói: "Chúng tôi là lực lượng vũ trang, thức đêm thức hôm, đứng giữa nắng quen rồi. Các thầy đứng trên bục giảng, ra chốt thực hiện nhiệm vụ là một nỗ lực, quyết tâm lớn. Sự tận tâm và trách nhiệm của các thầy cũng như các lực lượng tình nguyện khác giúp chúng tôi giảm được áp lực công việc rất nhiều".

Thầy giáo xứ Nghệ xung trận chống Covid-19 - 2

Thầy giáo Trần Văn Linh - Tổ trưởng tổ giáo viên trực chốt Quốc lộ 1, đoạn qua xã Nghi Liên, TP Vinh. Đây là chốt có lưu lượng người và phương tiện giao thông lớn nhất thành phố (Ảnh: Hoàng Lam).

Thầy giáo Trần Văn Linh (Trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh) được phân công làm tổ trưởng, phụ trách điểm chốt trên Quốc lộ 1, đoạn qua xã Nghi Liên - cửa ngõ phía Bắc thành phố. Đây là chốt có lưu lượng người và phương tiện qua lại đông đúc, kéo dài từ rạng sáng đến đêm.

"Chúng tôi có nhiệm vụ hỗ trợ khai báo y tế, đo thân nhiệt và kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 của các tài xế và người dân đi qua chốt. Tổ hỗ trợ chia làm 4 ca, mỗi ca 2 người, 6 tiếng đồng hồ.

Đi vào thực tế cùng với tuyến đầu, mới thấu hiểu hơn sự nhọc nhằn, căng mình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng chức năng. Chúng tôi còn được ở trong mái che, nhưng chiến sĩ công an phải đứng ngoài kiểm soát người và phương tiện. Bên trên mặt trời rọi nắng gay gắt, dưới mặt đường nhựa hơi nóng bốc lên...", thầy Linh chia sẻ.

Thầy giáo xứ Nghệ xung trận chống Covid-19 - 3

Để đảm bảo tốt nhất công tác hỗ trợ lực lượng bám chốt, các thầy giáo cũng phải phân ca trực, mỗi người 6 tiếng đồng hồ, bất kể là đêm hay ngày (Ảnh: Hoàng Lam).

Ca trực đầu tiên của thầy Lê An (giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Tập) là 0h ngày 24/6. Chưa từng phải thức xuyên đêm, thầy An phải cố gắng hết sức để chống lại cơn buồn ngủ, hoàn thành nhiệm vụ của mình. "Nay thì nhịp sinh học đã kịp thích ứng với nhiệm vụ mới rồi nên trực ca ngày hay ca đêm không vấn đề gì nữa. Những lúc mệt quá, anh em thay nhau chợp mắt một lát rồi lại ra làm việc.

Qua báo đài, biết anh chị em trên tuyến đầu vất vả, cực nhọc nhưng ra đây rồi mới thấm thía những khó khăn, nhọc nhằn mà mọi người đã và đang trải qua. Bởi vậy chúng tôi động viên nhau cố gắng hỗ trợ được mọi người càng nhiều càng tốt, để giảm bớt áp lực cho các đồng chí trực chốt", thầy Lê An chia sẻ.

Bao giờ hết phong tỏa mới về

Với kiến thức phòng dịch vừa được phổ biến, các thầy giáo bắt tay vào phần việc của mình. Trang bị cho mình khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay, mũ áo chống nắng để tự bảo vệ an toàn cho bản thân, phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ.

Thầy giáo xứ Nghệ xung trận chống Covid-19 - 4

Thầy giáo Lê An: "Chúng tôi động viên nhau cố gắng hỗ trợ được mọi người càng nhiều càng tốt, để giảm bớt áp lực cho các lực lượng trực chốt" (Ảnh: Hoàng Lam).

Thầy Nguyễn Văn Phúc - Trường Tiểu học Hưng Đông được phân công thực hiện nhiệm vụ tại chốt cầu Chợ Già, trên tuyến Quốc lộ 46B, nối TP Vinh và huyện Hưng Nguyên. Hai đầu chốt là hai khu công nghiệp lớn của cả tỉnh, lượng công nhân đi qua chốt để làm việc lớn. Đây cũng là tuyến đường vận tải từ các huyện phía Tây vào thành phố Vinh.

Để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch, công nhân hai khu công nghiệp được doanh nghiệp tổ chức ô tô đưa đón qua chốt. Các thầy giáo hỗ trợ kiểm tra giấy tờ, số lượng người trên xe đảm bảo đúng quy định.

Thầy giáo xứ Nghệ xung trận chống Covid-19 - 5

Những người thầy đã quen bục giảng, nay ra mặt đường, đối diện với nắng nóng có khi lên tới gần 50 độ C là một thử thách không hề nhỏ (Ảnh: Hoàng Lam).

"Cũng có vài trường hợp do có lý do nào đấy không đi xe đưa đón mà chạy xe máy, giấy tờ xét nghiệm SARS-CoV-2 không đảm bảo, chúng tôi không đồng ý cho đi qua thì chị ấy đi vào đi ra, năn nỉ đúng 6 lần. Biết là công việc cần thiết nhưng không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, chúng tôi nhất quyết không cho đi qua. Sau khi kiên trì giải thích, chị ấy cũng hiểu và chấp hành", thầy Phúc kể.

Tính tới thời điểm này, TP Vinh đã thực hiện cách ly xã hội được 10 ngày, tuy nhiên không phải người dân nào cũng nắm được quy định khi ra, vào thành phố. Không đủ điều kiện đi qua chốt, không thể năn nỉ được, nhiều người sẵn sàng to tiếng, thậm chí xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ. Những tình huống này, nghiệp vụ sư phạm, khả năng thuyết phục của các thầy lại được phát huy, "hóa giải" sự căng thẳng trên chốt phòng dịch.

Thầy giáo xứ Nghệ xung trận chống Covid-19 - 6

Các thầy giáo hỗ trợ nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người dân qua chốt phòng, chống Covid-19 trên quốc lộ 46B (Ảnh: Hoàng Lam).

"Công việc của chúng tôi chỉ mang tính chất hỗ trợ, không quá nặng nhọc, căng thẳng, vất vả hơn vẫn là lực lượng chức năng. Chúng tôi cũng không biết mình sẽ thực hiện nhiệm vụ đến lúc nào, nhưng anh em xác định khi nào thành phố hết lệnh phong tỏa thì mình mới nghỉ.

Ở chốt, chúng tôi cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm bởi tiếp xúc với rất nhiều người nhưng anh em chưa được tiêm vắc xin, bản thân tôi xét nghiệm SARS-CoV-2 cách đây hơn một tuần. Bởi vậy, rất mong các cấp các ngành quan tâm, hỗ trợ xét nghiệm và tiêm chủng để anh em yên tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ", thầy Nguyễn Doãn Hùng - Trường tiểu học Lê Lợi, thực hiện nhiệm vụ trực chốt trên tuyến đường Phạm Hồng Thái chia sẻ.