Thầy cô gánh xe máy vượt sông, mang con chữ vào nơi "thâm sơn cùng cốc"
(Dân trí) - Dù phải băng rừng, vượt suối, đối diện với muôn vàn khó khăn, vất vả, thậm chí cả hiểm nguy nhưng để các em học sinh được đến trường, có con chữ, các thầy cô giáo dường như bất chấp tất cả.
Gánh xe máy băng suối vào điểm trường
Theo lời hẹn từ trước, 5h30, chúng tôi và các thầy cô đã có mặt tại chân cầu treo đập Phà Lài, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An). Trời mùa đông còn nhá nhem tối, sương mù dày đặc phủ trắng cả một vùng trời miền biên viễn. Tiếng gà báo thức vang lên mỗi lúc một dày hơn. Sau công tác chuẩn bị, đoàn chúng tôi bắt đầu xuất phát vào điểm trường xa xôi nhất của Trường Tiểu học Môn Sơn, huyện vùng cao Con Cuông.
Trong cái giá lạnh nơi miền biên viễn, những đôi môi thâm tím run lên cầm cập. Men theo con đường mòn khúc khủyu, đất đá lởm chởm, nhiều đoạn một bên dốc dựng đứng, một bên là vực thẳm...
Để vượt hơn 20 km trên cung đường gian nan này, những con "ngựa sắt" của các giáo viên được quấn thêm lớp xích dài để chống trơn trượt. Phía sau yên xe lỉnh kỉnh những túi lương thực, thực phẩm... được buộc chặt. Đây là nguồn thức ăn chuẩn bị cho cả tuần cắm bản.
Đã có thâm niên 24 năm cắm bản, thầy Nguyễn Thanh Ngọc (SN 1970, giáo viên Trường Tiểu học 2 Môn Sơn) tâm sự: "Từ trung tâm xã đi vào điểm trường Khe Búng khoảng 20 km nhưng phải mất gần 3 giờ đồng hồ, đường đi khó khăn, vất vả lắm. Nhưng đó là vào mùa khô ráo, còn nếu vào mùa mưa thì phải mất cả buổi mới tới được bản".
"Trước đây đường đi bản Búng còn khó khăn hơn rất nhiều. Ðể đi vào bản, chúng tôi phải men dọc theo bờ suối, vừa đi vừa cầm dao phát cỏ, bám theo lối mòn được dân bản đánh dấu. Tôi nhớ lần ấy, mất gần hai ngày mới tới được bản. Giờ đây đã có đường mòn nhìn rõ như thế này là tốt lắm rồi", thầy Ngọc nhớ lại.
Do ảnh hưởng của những trận mưa, con đường vào bản Búng nhiều đoạn sạt lở, đất đá lởm chởm, nhiều đoạn phải qua suối, nước cao ngang bụng, khiến cho việc di chuyển khó khăn hơn.
Tiếng gió như "xé" ngang tai lẫn tiếng xe máy gầm rú tạo nên những âm thanh vang vọng giữa núi rừng. Được xem là "tay lái lụa" với nhiều năm kinh nghiệm đi đường rừng nhưng cú ngã khi qua vũng bùn lầy khiến bộ quần áo của thầy Hồ Viết Đức bị nhuộm đầy bùn đất.
"Ngã xe máy với đường này là chuyện bình thường. Trên người tôi bây giờ chi chít sẹo nhưng đi mãi rồi cũng thành quen. Ngã xe, dựng dậy đi tiếp, tất cả vì tương lai của các em học sinh", thầy Đức cho biết thêm.
Hơn 10 cắm bản, không ít lần cô Lô Thị Mười cảm thấy nản chí vì nhiều tuần mưa lũ không về nhà thăm con được. Thế nhưng, theo thời gian cũng quen dần, ánh mắt thơ ngây của các em nhỏ người Đan Lai nơi vùng "thâm sơn cùng cốc" này đã níu chân cô ở lại với núi rừng.
Sau thời gian hành trình gian khổ, vượt qua 4 chiếc cầu treo, dòng nước dữ của sông Giăng hiện ra trước mắt. Để tiếp sức cho quãng đường còn lại, các thầy cô tranh thủ ăn nắm xôi đã chuẩn bị từ trước.
Đau đáu "con chữ" nơi biên viễn
Vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, thầy cô phải ngồi thuyền đi vào trường. Còn những hôm trời nắng ráo, nước đến ngang bụng, cách duy nhất là phải khiêng xe máy qua.
Đây được xem là "cửa ải" khó khăn nhất mà các thầy cô phải đối mặt. Sau khi lần lượt dắt các cô qua sông, các thầy giáo sẽ chặt cây rừng để làm đòn khiêng xe máy. Cứ 4 thầy khiêng một xe, vật lộn với dòng nước đang cuồn cuộn chảy.
Sau gần 30 phút vật lộn, cuối cùng những chiếc xe máy cũng được đưa qua suối an toàn. Những người trong đoàn tiếp tục xuống một con dốc trơn trợt với những phiến đá tai mèo lởm chởm nhô lên...
Biết là vất vả, là khó khăn… nhưng để cho các em được đến trường có được con chữ thầy cô dường như bất chấp tất cả.
Tại các bản làng thuộc Trường Tiểu học 2 Môn Sơn, nhất là ở bản Búng, ngoài công việc chuyên môn, các thầy, cô giáo nơi đây còn phải thực hiện phương án "bốn cùng": Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng của đồng bào với bà con và học sinh.
Là giáo viên đã có hơn 8 năm cắm bản ở xã Môn Sơn, cô giáo Vi Thị Phương Thảo (SN 1991), chia sẻ: "Con đường đến lớp của giáo viên cắm bản là thế đó. Ngoài việc dạy kiến thức cho các em, giáo viên còn phải đóng vai trò làm cha, làm mẹ, lo nấu ăn, lo sách vở... cho các em mỗi khi đến lớp.
Để cho các em biết được con chữ là thành công lắm rồi. Ở đây 100% là con em người đồng bào Đan Lai. Khi được phân công giảng dạy thì phải hiểu được văn hóa, phong tục tập quán mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao".
Gần 3 giờ đồng hồ hành trình, bản Búng mới lộ diện dưới ngọn núi mờ sương. Những nóc nhà sàn lợp bằng tranh đã ngã màu, bao bọc lấy điểm trường. Những cái vẫy tay chào thiện cảm đón khách của người dân khiến chúng tôi quên đi mệt nhọc sau cuộc hành trình.
Chưa kịp nghỉ ngơi, nhanh chóng thay trang phục, thầy cô lại tiếp tục với công việc hàng ngày của mình. 8h30 ngày đầu tuần, tiếng trống trường bắt đầu vang lên giữa đại ngàn nơi bản Búng. Tiếng bi bô đánh vần của các em văng vẳng từ lớp học, một tuần học mới lại bắt đầu...
"Một tháng tôi mới vào thăm các em và thầy cô một lần nhưng tôi luôn thấu hiểu được sự vất vả, khó nhọc của các giáo viên, học sinh nơi đây. Để con chữ đến được với các em thì không hề đơn giản một chút nào. Thầy cô phải vượt qua tất cả rồi nhưng vẫn còn đó những nỗi niềm trăn trở", cô Võ Thị Hồng Long, Hiệu trường Tiểu học 2 Môn Sơn chia sẻ.
(Còn nữa)
Trường Tiểu học 2 Môn Sơn (Con Cuông) có 4 điểm, điểm chính tại Bản Thái Sơn 1, các điểm lẻ gồm: Làng Cằng, Cò Phạt và Bản Búng. Toàn trường có 24 lớp với 477 học sinh, có 39 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Bản Búng là một trong những điểm trường xa và khó khăn nhất của huyện Con Cuông. 100% là đồng bào dân tộc Đan Lai, sinh sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát.